Giáo dục Lâm Đồng tiếp tục đổi mới căn bản và toàn diện

07:08, 16/08/2016

Nhân dịp ngành GD&ĐT Lâm Đồng tổng kết năm học 2015-2016, PV Báo Lâm Đồng đã có cuộc trao đổi với bà Đàm Thị Kinh, Giám đốc Sở GD&ĐT Lâm Đồng về kết quả đạt được trong năm học 2015 - 2016 cùng những nhiệm vụ chính triển khai trong năm học 2016 - 2017.

Nhân dịp ngành GD&ĐT Lâm Đồng tổng kết năm học 2015-2016, PV Báo Lâm Đồng đã có cuộc trao đổi với bà Đàm Thị Kinh, Giám đốc Sở GD&ĐT Lâm Đồng về kết quả đạt được trong năm học 2015 - 2016 cùng những nhiệm vụ chính triển khai trong năm học 2016 - 2017.
 
Lãnh đạo Sở GD&ĐT nhận Cờ thi đua là đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua do Bộ GD&ĐT tặng
Lãnh đạo Sở GD&ĐT nhận Cờ thi đua là đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua do Bộ GD&ĐT tặng

PV: Thưa bà, có thể đánh giá khái quát những nỗ lực chính của ngành GD&ĐT Lâm Đồng trong năm học 2015-2016 vừa qua? 
 
Bà Đàm Thị Kinh: Lâm Đồng là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn nhưng được sự quan tâm, chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cùng với sự nỗ lực của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; sự phối hợp của các sở, ban, ngành, đoàn thể, sự chung sức đồng lòng của toàn xã hội, Ngành GD&ĐT Lâm Đồng trong năm học qua đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn với những kết quả đáng ghi nhận. 
 
Ngành đã tiếp tục đổi mới công tác quản lý giáo dục; thực hiện tốt công tác kiểm định chất lượng giáo dục, tự đánh giá và đánh giá ngoài; đến nay, hầu hết các cơ sở giáo dục từ mầm non đến trung cấp chuyên nghiệp trong tỉnh đã hoàn thành việc tự đánh giá.
 
Ngành cũng tiếp tục điều chỉnh và phát triển mạng lưới trường lớp trong tỉnh một cách hợp lý; làm tốt công tác huy động học sinh ra lớp, qui mô giáo dục tiếp tục được mở rộng phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương; tất cả xã, phường trong tỉnh đến nay đều có trường mầm non, mẫu giáo; hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú tiếp tục duy trì và phát triển, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập của con em đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh. 
 
Năm học 2015 - 2016, Ngành đã tập trung chỉ đạo dạy học và đánh giá kết quả học tập của học sinh theo chuẩn kiến thức, kỹ năng các môn học; đổi mới công tác thi, kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển năng lực của học sinh; tiếp tục triển khai một số phương pháp giáo dục mới; đẩy mạnh xây dựng trường chuẩn quốc gia; duy trì và nâng cao chất lượng và kết quả phổ cập giáo dục trong tiểu học; triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục trong các cấp học, đặc biệt là chất lượng giáo dục toàn diện, chất lượng giáo dục vùng khó khăn, vùng dân tộc. Chất lượng giáo dục bậc trung học của tỉnh đã có những chuyển biến tích cực; tỉ lệ học sinh xếp loại học lực khá, giỏi tăng; tỉ lệ học sinh yếu, kém giảm so với năm học trước.
 
Kết quả kỳ thi THPT quốc gia năm 2016: Toàn tỉnh có 11.683 thí sinh đỗ tốt nghiệp/ tổng số 12.357 thí sinh dự thi, đạt tỷ lệ 94,55% (tăng 1,11% so với năm học 2014 - 2015), có 8 đơn vị đỗ tốt nghiệp đạt tỷ lệ 100%.
 
Toàn ngành đã thực hiện nhiều giải pháp đổi mới, phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, đặc biệt là việc bồi dưỡng học sinh giỏi dự thi quốc gia; nhờ vậy, chất lượng mũi nhọn của tỉnh phát triển hơn so với năm học trước kể cả số lượng và chất lượng giải với nhiều học sinh đoạt giải cao trong các kỳ thi cấp quốc tế, quốc gia; tiếp tục đẩy mạnh hoạt động hướng dẫn học sinh tập dượt nghiên cứu khoa học và đạt được những thành tích mới.
 
Các trường học và cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh trong năm cũng chú trọng nâng cao hiệu quả các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, giáo dục kỹ năng sống kết hợp giáo dục truyền thống và lòng yêu nước cho học sinh - sinh viên; làm tốt công tác giáo dục hướng nghiệp và nghề phổ thông; triển khai mạnh mẽ thực hiện Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020”. 
 
Tỉnh cũng làm tốt công tác xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đủ về số lượng, chất lượng đáp ứng nhiệm vụ dạy - học theo yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT; tăng nguồn lực đầu tư, tiếp tục thực hiện đề án kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên.Trong năm, UBND tỉnh đã kiểm tra công nhận 146/147 xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi (đạt tỉ lệ 99,32%); 12/12 huyện, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi; có 147/147 xã, phường, thị trấn đã được kiểm tra công nhận duy trì kết quả phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; 147/147 xã, phường, thị trấn, 12 huyện, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS. 
 
PV: Ngành GD&ĐT Lâm Đồng hiện gặp những khó khăn gì thưa bà?
 
Bà Đàm Thị Kinh: Vâng, vẫn còn có những khó khăn nhất định. Trước nhất cơ sở vật chất trường học nhiều địa phương còn thiếu và chưa đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu dạy học 2 buổi/ngày và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia; công tác xã hội hóa GD&ĐT còn những khó khăn nhất định. 
 
Cùng đó, chất lượng giáo dục ở một số địa bàn vùng sâu, vùng dân tộc, ở các trường ngoài công lập nhìn chung chưa thật vững chắc; việc đổi mới phương pháp dạy học ở một số trường chưa thật sự quyết liệt. Công tác phối hợp giữa nhà trường và các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong đào tạo học sinh, sinh viên theo địa chỉ chưa chặt chẽ; tỉ lệ học sinh sau tốt nghiệp có việc làm đúng với chuyên môn được đào tạo còn thấp (trên 50%); các Trung tâm GDNN - GDTX còn lúng túng trong tổ chức các hoạt động.
 
PV: Những nhiệm vụ chính trong năm học đến mà ngành quan tâm là gì? 
 
Bà Đàm Thị Kinh: Trong năm học 2016 - 2017 sắp đến, Ngành GD&ĐT Lâm Đồng vẫn tiếp tục thực hiện việc đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW một cách quyết liệt và sáng tạo; đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong toàn ngành theo Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị. 
 
Ngành sẽ tiếp tục rà soát, củng cố, phát triển và hoàn thiện mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên; hoàn thiện và nâng cao hiệu quả cơ chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành và địa phương trong quản lý giáo dục đào tạo; tăng cường các giải pháp để duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học và THCS; nâng cao hiệu quả công tác phân luồng, tư vấn hướng nghiệp và định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông; tổ chức linh hoạt các hình thức học tập, tạo cơ hội học tập suốt đời cho người dân.
 
Ngành cũng sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; đẩy mạnh ứng dụng và phát huy hơn nữa vai trò của công nghệ thông tin trong dạy học, trong sinh hoạt chuyên môn, trong quản lý giáo dục và trong bồi dưỡng đội ngũ; tiếp tục thực hiện tốt công tác kiểm định chất lượng giáo dục; xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục một cách toàn diện để “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”; quan tâm thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, đặc biệt là đội ngũ đang công tác tại vùng khó khăn; tiếp tục đổi mới cơ chế tài chính giáo dục và tăng nguồn lực đầu tư; đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng hiện đại hóa, thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở.
 
PV: Xin cảm ơn Giám đốc!
 
Viết Trọng (thực hiện)