Quy hoạch karaoke, vũ trường góp phần xây dựng môi trường văn hóa, giải trí lành mạnh

08:08, 26/08/2016

Hoạt động karaoke, vũ trường là 2 loại hình kinh doanh văn hóa có điều kiện, mang tính chất nhạy cảm, nếu không quản lý chặt chẽ sẽ gây ra những hoạt động biến tướng, trá hình, phi văn hóa...

Hoạt động karaoke, vũ trường là 2 loại hình kinh doanh văn hóa có điều kiện, mang tính chất nhạy cảm, nếu không quản lý chặt chẽ sẽ gây ra những hoạt động biến tướng, trá hình, phi văn hóa. Căn cứ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, yêu cầu phát triển du lịch; đồng thời coi trọng việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân các dân tộc trong tỉnh và du khách, UBND tỉnh Lâm Đồng vừa ban hành Quy hoạch hoạt động kinh doanh karaoke, vũ trường (2016 - 2020) và tầm nhìn đến năm 2030. 
 
Karaoke là loại hình giải trí đem lại không khí giao lưu sôi nổi. Ảnh: P.N
Karaoke là loại hình giải trí đem lại không khí giao lưu sôi nổi. Ảnh: P.N
Tính đến nay, toàn tỉnh có 457 điểm kinh doanh dịch vụ karaoke, tập trung chủ yếu ở Đà Lạt: 119 cơ sở, Đức Trọng: 67 cơ sở, Đơn Dương: 55 cơ sở, Bảo Lộc: 45 cơ sở, Lâm Hà: 32 cơ sở, Đạ Tẻh: 29 cơ sở, Đam Rông: 20, Di Linh: 20, Cát Tiên: 18, Đạ Huoai: 17, Lạc Dương: 4 cơ sở. Riêng hoạt động vũ trường, hiện nay, cả tỉnh chỉ có 1 cơ sở ở Đà Lạt đang hoạt động (tại Khách sạn Sammy Đà Lạt - số 1 Lê Hồng Phong - phường 4), 10 huyện và thành phố Bảo Lộc chưa có vũ trường. Nhìn chung các cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường đã hoạt động theo đúng quy định, hướng dẫn của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Tuy nhiên, vẫn còn có lúc, có nơi có những biểu hiện sai lệch, biến tướng, nhất là đối với hoạt động karaoke. 
 
Quy hoạch của UBND tỉnh được ban hành nhằm đưa hoạt động kinh doanh karaoke, vũ trường đi vào ổn định, nề nếp, đảm bảo thực hiện đúng các quy định của pháp luật; tiến tới xây dựng, tổ chức các cơ sở kinh doanh có chất lượng về cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật và nội dung hoạt động lành mạnh, văn minh, tiến bộ phù hợp với xu thế hội nhập và phát triển; qua đó góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Đồng thời, nâng cao vai trò giám sát của xã hội đối với loại hình hoạt động văn hóa mang tính đặc thù (ngành, nghề kinh doanh có điều kiện), nâng cao ý thức của người dân trong việc chấp hành quy định của pháp luật, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, ngăn chặn mọi biểu hiện tiêu cực núp bóng, trá hình trong hoạt động văn hóa; làm phong phú các hoạt động văn hóa, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, vui chơi, giải trí lành mạnh, nâng cao nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân, đảm bảo thực hiện đúng quy định, không để mất an ninh - trật tự trên địa bàn.
 
Theo đó, đến năm 2020, toàn tỉnh tăng tối đa 992 cơ sở kinh doanh karaoke, đến năm 2030 tăng tối đa 1.378 cơ sở tùy vào điều kiện phát triển kinh tế - xã hội từng địa phương. Riêng hoạt động kinh doanh vũ trường, từ nay đến năm 2020 tăng tối đa lên 15 cơ sở, đến năm 2030 tăng tối đa 33 cơ sở; tập trung chủ yếu ở Đà Lạt và các huyện phụ cận; cụ thể, Đà Lạt tối đa có 3 - 4 vũ trường, Bảo Lộc 2 - 4 vũ trường, Đức Trọng, Lâm Hà, Di Linh mỗi huyện tối đa 2 vũ trường... 
 
Nơi được phép bổ sung hoạt động kinh doanh karaoke, vũ trường là những khu vực, tuyến đường được quy hoạch xây dựng các công trình văn hóa, vui chơi giải trí, khu vực sản xuất, kinh doanh. Hạn chế, không khuyến khích các hoạt động kinh doanh karaoke, vũ trường ở các khu vực, tuyến đường có trụ sở làm việc của các cơ quan, đơn vị, tổ chức đoàn thể, trường học, bệnh viện, cơ sở tôn giáo; khu vực dành để tổ chức các hoạt động chính trị, nghi lễ truyền thống của địa phương, hoặc khu vực tưởng niệm tâm linh cần sự yên tĩnh. Theo đó, đã có 711 tuyến đường, địa điểm cụ thể, chi tiết trên địa bàn toàn tỉnh được quy hoạch có thể đầu tư kinh doanh 2 loại hình văn hóa này. Trong đó, Đà Lạt: 110 khu vực, tuyến đường được quy hoạch (4 điểm quy hoạch vũ trường gồm: đầu đường Lê Hồng Phong, Ngã tư Phan Chu Trinh, đường Bùi Thị Xuân, đường Lê Đại Hành); Bảo Lộc: 47 khu vực, tuyến đường (3 khu vực quy hoạch hoạt động vũ trường); Lâm Hà: 33 tuyến đường, khu vực (4 khu vực quy hoạch kinh doanh vũ trường); Lạc Dương: quy hoạch 36 điểm (4 điểm quy hoạch vũ trường); Đức Trọng quy hoạch 122 tuyến đường, khu vực (4 điểm vũ trường); Đơn Dương quy hoạch 108 khu vực, tuyến đường (3 điểm vũ trường); Di Linh: 75 tuyến đường, khu vực (2 điểm quy hoạch vũ trường)... 
 
Cùng với quy hoạch chi tiết, là các quy định và biện pháp quản lý cũng cụ thể, chi tiết để các tổ chức, cá nhân đầu tư kinh doanh karaoke, vũ trường phải đảm bảo điều kiện, quy chế quy định về hoạt động văn hóa và kinh doanh văn hóa công cộng, phải đảm bảo điều kiện về an ninh - trật tự đối với một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện do Chính phủ và Bộ Công an quy định. Các sở, ngành sẽ tạo điều kiện thuận lợi để cấp phép, cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện; đồng thời phối hợp kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư kinh doanh lĩnh vực này. Tăng cường công tác quản lý nhân khẩu, kiểm tra an toàn, phòng cháy chữa cháy, thường xuyên thanh tra, kiểm tra nội dung hoạt động của các cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường, để kịp thời phòng ngừa ngăn chặn các hoạt động vi phạm pháp luật.
 
Việc ban hành quy hoạch hoạt động karaoke, vũ trường là bước đầu đưa các hoạt động văn hóa này vào sự phát triển có trật tự, quy củ, ngăn chặn phát triển tràn lan; đồng thời làm phong phú sản phẩm du lịch văn hóa lành mạnh phục vụ du khách và nhân dân.
 
QUỲNH UYỂN