Tiếp tục đổi mới căn bản và toàn diện, tạo chuyển biến tích cực trong giáo dục - đào tạo

08:09, 05/09/2016

Nhân dịp khai giảng năm học 2016-2017, PV Báo Lâm Đồng đã có cuộc phỏng vấn bà Đàm Thị Kinh - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lâm Đồng về những nhiệm vụ trọng tâm mà ngành triển khai trong năm học mới.

Nhân dịp khai giảng năm học 2016-2017, PV Báo Lâm Đồng đã có cuộc phỏng vấn bà Đàm Thị Kinh - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Lâm Đồng về những nhiệm vụ trọng tâm mà ngành triển khai trong năm học mới.
 
PV: Thưa bà, trong năm học 2016-2017, ngành GD-ĐT Lâm Đồng triển khai những nhiệm vụ trọng tâm nào?
 
Bà Đàm Thị Kinh - Giám đốc Sở GD-ĐT Lâm Đồng. Ảnh: V.BÁU
Bà Đàm Thị Kinh - Giám đốc Sở GD-ĐT Lâm Đồng. Ảnh: V.BÁU
Bà Đàm Thị Kinh: Ngành đã có chỉ đạo khá cụ thể tại Hội nghị tổng kết năm học 2015-2016, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm học 2016-2017 cũng như trong các hội nghị triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm học mới đối với từng cấp học, bậc học. Tuy nhiên, có thể khái quát một số nhiệm vụ ưu tiên mà ngành triển khai trong năm học này như sau:
 
Trước tiên, toàn ngành cần tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể xã hội về vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với công cuộc đổi mới, phát triển GD-ĐT. Đẩy mạnh, triển khai đồng bộ nội dung, phương thức, nâng cao hiệu quả trong đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh đến từng trường, từng cán bộ, giáo viên; tạo sự chuyển biến tích cực trong triển khai nhiệm vụ, cụ thể hóa các nhiệm vụ và giải pháp, đề xuất các nhiệm vụ ưu tiên cần thực hiện nhằm nâng cao chất lượng GD-ĐT tỉnh nhà.
 
Bên cạnh việc rà soát, củng cố, phát triển và hoàn thiện quy hoạch mạng lưới trường lớp trên địa bàn 12 huyện, thành phố nhằm đáp ứng cao nhất - trong điều kiện hiện có của tỉnh nhà về nhu cầu học tập và nguyện vọng người dân, ngành tiếp tục có các giải pháp cụ thể để duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở; xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, góp phần thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. 
 
Triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng công tác phát hiện, tuyển chọn và bồi dưỡng học sinh giỏi dự thi học sinh giỏi các cấp; tạo môi trường để học sinh được hoạt động, trải nghiệm, sáng tạo, nghiên cứu khoa học, rèn luyện kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức và kỹ năng vào giải quyết các vấn đề thực tiễn trong học tập và đời sống xã hội; tăng cường hướng dẫn triển khai hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa; nhân rộng mô hình Trung tâm học tập cộng đồng điểm ra toàn tỉnh, thực hiện Đề án phân luồng và định hướng nghề nghiệp ở giáo dục phổ thông; tổ chức linh hoạt, đa dạng các các hình thức học tập suốt đời cho người dân.
 
Ngành cũng chú trọng đến việc bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên theo yêu cầu, hướng dẫn của Bộ GD-ĐT; chú trọng tính hiệu quả công tác xã hội hóa giáo dục theo chủ trương của tỉnh giai đoạn 2016-2020; đẩy mạnh cải cách hành chính, quy chế dân chủ cơ sở; nghiêm túc triển khai thực hiện các quy định pháp luật về phòng - chống tham nhũng; tạo sự công bằng trong giáo dục, rút ngắn khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số với vùng có điều kiện KT-XH thuận lợi. 
 
PV: Để thực hiện những nhiệm vụ trên, đặc biệt là việc đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT, ngành GD-ĐT Lâm Đồng có những giải pháp nào, thưa bà? 
 
Bà Đàm Thị Kinh: Vâng, để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT, chúng tôi đã có những giải pháp cụ thể trong thời gian tới.
 
Trong toàn ngành trước nhất cần triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Ngành tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và cộng đồng xã hội về vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với công cuộc đổi mới, phát triển GD-ĐT, tạo sự đồng thuận, huy động sự tham gia đánh giá, giám sát và phản biện của toàn xã hội; phát huy dân chủ, vai trò của các tổ chức đoàn thể và nhân dân địa phương, đặc biệt quan tâm và phát huy vai trò tổ chức đoàn, hội, đội trong trường học.
 
Mạng lưới trường lớp các huyện, thành phố giai đoạn 2015-2020, chú trọng quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp gắn với phát triển KT-XH và nguồn nhân lực; đẩy mạnh giáo dục nghề nghiệp sau THPT; liên thông giữa giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học.
 
Ngành cũng tiếp tục đổi mới công tác quản lý GD-ĐT, thực hiện tốt việc phân cấp quản lý; giao quyền tự chủ và trách nhiệm của các cơ sở GD một cách đồng bộ và hiệu quả.
 
Thực hiện đồng bộ các giải pháp về đổi mới hình thức, phương pháp dạy học, kiểm tra, thi và đánh giá kết quả GD-ĐT; đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển năng lực cá nhân, áp dụng các phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực, chú trọng rèn luyện phương pháp tự học; tăng cường các hoạt động xã hội, nghiên cứu khoa học và vận dụng kiến thức vào thực tế. 
 
Tiếp tục hoàn thiện Đề án vị trí việc làm, quy chế tổ chức và hoạt động của Sở GD-ĐT, Phòng GD-ĐT, các trường, các đơn vị trong tỉnh theo đúng quy định; chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo theo từng cấp học và trình độ đào tạo, cán bộ quản lý GD các cấp phải qua đào tạo về nghiệp vụ quản lý nhà nước.
 
Bên cạnh việc đẩy mạnh xã hội hóa GD, ngành cũng sẽ chú ý tăng cường đầu tư hỗ trợ phát triển GD đối với các vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số trong tỉnh và các đối tượng chính sách xã hội; nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu và ứng dụng khoa học GD khoa học quản lý; mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác về GD-ĐT và dạy nghề nhằm tranh thủ các nguồn lực, vận dụng có chọn lọc và sáng tạo kinh nghiệm của các mô hình GD tiên tiến.
 
PV: Bà có thể cho biết những điểm mới nào cần lưu ý trong năm học 2016-2017 này?
 
Bà Đàm Thị Kinh: Một số điểm mới cần lưu ý trong năm học này: Toàn ngành sẽ thực hiện việc nâng cao chất lượng dạy - học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý GD.
 
Tiếp tục triển khai dạy học theo mô hình “Trường học mới” đối với lớp 7 cấp THCS tại 12 huyện, thành phố trong tỉnh cho 18 trường, trong đó có 15 trường THCS thuộc 12 phòng GD-ĐT và 3 trường THCS&THPT. Sở cũng lưu ý các đơn vị cần thực hiện tốt Công văn 5555/Bộ GDĐT-GDTrH ngày 08/4/2014 về hướng dẫn sinh hoạt chuyên môn và đổi mới phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh.
 
Khuyến khích các đơn vị có điều kiện thực hiện phát triển chương trình theo tinh thần Công văn 791/HD-BGDĐT ngày 25/6/2013 của Bộ GD-ĐT về hướng dẫn thí điểm phát triển chương trình GD nhà trường phổ thông, hoạt động trải nghiệm sáng tạo; kết nối các trường phổ thông với các cơ sở GD đại học, GD nghề nghiệp, doanh nghiệp để tăng cường điều kiện thực hiện triển khai tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo và mô hình trường học gắn với thực tiễn sản xuất kinh doanh và đặc thù tại địa phương. 
 
Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên về năng lực xây dựng và thực hiện kế hoạch GD; từng bước hoàn thiện các chuẩn nghề nghiệp đối với cán bộ quản lý, giáo viên theo yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT.
 
PV: Xin chân thành cảm ơn bà!
 
VIẾT TRỌNG (thực hiện)