Vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các tình huống thực tiễn

08:09, 05/09/2016

Trong những năm học gần đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức cuộc thi Vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các tình huống thực tiễn dành cho học sinh trung học.

Trong những năm học gần đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã tổ chức cuộc thi Vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các tình huống thực tiễn dành cho học sinh trung học.
 
Cuộc thi nhằm khuyến khích học sinh vận dụng kiến thức của các môn học khác nhau để giải quyết các tình huống thực tiễn; tăng cường khả năng vận dụng tổng hợp, khả năng tự học, tự nghiên cứu của học sinh; thúc đẩy việc gắn kiến thức lý thuyết và thực hành trong nhà trường với thực tiễn đời sống; đẩy mạnh thực hiện dạy học theo phương châm “học đi đôi với hành”; góp phần đổi mới hình thức, phương pháp dạy học và đổi mới kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục; thúc đẩy sự tham gia của gia đình, cộng đồng vào công tác giáo dục.
 
Thi “Rung chuông vàng” của học sinh Trường THCS Tân Hà - Lâm Hà. Ảnh: VT
Thi “Rung chuông vàng” của học sinh Trường THCS Tân Hà - Lâm Hà. Ảnh: VT

Nội dung chính của cuộc thi là học sinh phát hiện vấn đề và đưa ra giải pháp để giải quyết vấn đề nảy sinh trong thực tiễn về các chủ đề như: hiểu biết về pháp luật, an toàn giao thông; phòng chống tham nhũng; bảo vệ chủ quyền quốc gia về biên giới, biển, đảo; bảo vệ môi trường; bảo tồn thiên nhiên, tài nguyên và môi trường biển đảo; ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; giáo dục dân số; giáo dục sức khỏe sinh sản vị thành niên…
 
Những tình huống đặt ra trong cuộc thi phải là tình huống thực tiễn; gần gũi, thiết thực; có thể giải quyết được bằng kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm của thí sinh dự thi; xác định rõ vấn đề, mục tiêu cần giải quyết; nêu bật được ý nghĩa và tác dụng của việc giải quyết tình huống; nêu được các phương án với cách thức khác nhau trong việc giải quyết tình huống, ưu tiên những giải pháp và cách thức độc đáo, giàu tính sáng tạo và khả thi.
 
Bắt đầu từ năm học 2014-2015, Sở GD-ĐT Lâm Đồng đã triển khai, tổ chức cuộc thi Vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các tình huống thực tiễn dành cho học sinh trung học trong tỉnh. Ngay năm đầu tiên tổ chức, cuộc thi đã thu hút được sự tham gia của 148 học sinh với 105 đề tài. Ngành đã chọn 20 đề tài tham gia cuộc thi cấp quốc gia và có 14 đề tài đoạt giải.
 
Trong năm học 2015-2016, Cuộc thi đã thu hút được 78 trường trung học tham gia với 116 đề tài, trong đó có 44 đề tài của 39 trường THCS và 72 đề tài của 39 trường THPT và có 42 đề tài đoạt giải (với 2 giải nhất, 10 giải nhì, 17 giải ba và 13 giải khuyến khích). Tỉnh cũng chọn được 28 đề tài của 32 học sinh tham gia cuộc thi cấp quốc gia, kết quả có 18 đề tài đoạt giải, trong đó có 1 giải nhất, 2 giải nhì, 9 giải ba và 6 giải khuyến khích. 
 
Qua hai năm tổ chức, cuộc thi đã thực sự trở thành một sân chơi bổ ích cho học sinh. Tính sáng tạo, độc đáo của bài thi vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các tình huống thực tiễn được thể hiện rõ ở việc học sinh đưa ra được các phương án giải quyết có tính chủ động, đặc biệt là năng lực vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết tình huống một cách khéo léo, giàu tính thuyết phục; các tình huống đã xuất phát từ nhu cầu phát triển năng lực học tập của học sinh và đảm bảo tính vừa sức, khả thi khi giải quyết.
 
Với những kết quả đạt được đã cho thấy hiệu quả trong việc vận dụng, tích hợp kiến thức các môn học vào giảng dạy của giáo viên, phù hợp với tinh thần đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh. Đây là một giải pháp để nâng cao năng lực dạy học, dạy học gắn liền với thực tiễn địa phương; là cơ hội để các giáo viên, học sinh thể hiện khả năng tự nghiên cứu các môn học và thể hiện ý tưởng mới, sáng tạo.
 
Trong năm học 2016-2017 này, Sở GD-ĐT Lâm Đồng tiếp tục phát động, triển khai phong trào nghiên cứu khoa học và đề xuất ý tưởng vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết tình huống trong thực tế. Đồng thời tổ chức các hoạt động dạy và học gắn liền với thực tiễn địa phương, coi đây là một trong những cách làm thiết thực, hiệu quả, khuyến khích học sinh vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các tình huống thực tiễn; tăng cường khả năng tự học, tự nghiên cứu, gắn liền việc học trong nhà trường với thực tiễn đời sống. Qua đó góp phần triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04 tháng 11 năm 2013 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
 
TRẦN ĐỨC LỢI