Đa dạng các hình thức giúp phụ nữ thoát nghèo

08:09, 19/09/2016

Trong 5 năm trở lại đây, đã có 2.661 hội viên, phụ nữ nghèo được giúp đỡ và đã có 1.302 chị em thoát nghèo, trong đó, 612 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ được giúp thoát nghèo.

Những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Đức Trọng luôn quan tâm chỉ đạo tổ chức hội cơ sở đa dạng các hoạt động hỗ trợ hội viên, phụ nữ phát triển kinh tế. Qua đó, giúp hàng nghìn gia đình phụ nữ khó khăn thoát nghèo, nâng chất lượng sống. 
 
Nhiều chị em phụ nữ của huyện Đức Trọng đã vươn lên thoát nghèo từ các mô hình như nuôi tằm, nuôi ong sữa, móc len… Trong ảnh: Mô hình nuôi ong sữa của phụ nữ xã Bình Thạnh
Nhiều chị em phụ nữ của huyện Đức Trọng đã vươn lên thoát nghèo từ các mô hình như nuôi tằm,
nuôi ong sữa, móc len… Trong ảnh: Mô hình nuôi ong sữa của phụ nữ xã Bình Thạnh

Nhiều mô hình thiết thực 
 
Theo bà Nguyễn Thị Hảo, Chủ tịch Hội LHPN xã Hiệp An, để giúp hội viên, chị em phụ nữ các kiến thức sản xuất, từng bước phát triển kinh tế, hàng năm, Hội Phụ nữ xã đều phối hợp với Hội Nông dân tổ chức các buổi hội thảo chuyển giao khoa học kỹ thuật, hội thảo đầu bờ, thu hút hàng trăm lượt hội viên phụ nữ tham gia. Ngoài ra, Hội Phụ nữ xã còn phối hợp với cán bộ lao động - thương binh xã hội liên hệ trung tâm dạy nghề mở các lớp dạy về kỹ thuật trồng hoa, cà phê, rau thương phẩm cho gần 100 chị em đồng bào dân tộc. Song song với đó, Hội còn xây dựng các mô hình phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế như: Tổ hùn vốn, tổ tiết kiệm, tổ tình thương… Đến nay, toàn xã có 25 tổ hùn vốn, tổ tiết kiệm có gần 500 chị em tham gia với tổng số tiền là 234 triệu đồng, giúp cho 50 chị vay đầu tư vào sản xuất. Cùng đó, Hội Phụ nữ xã còn ký ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện hơn 7 tỷ đồng cho 382 hộ vay để phát triển sản xuất, chăn nuôi. “Với việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cây trồng, cùng với việc sử dụng hiệu quả các nguồn vốn được vay, nhiều chị em trong xã đã thoát nghèo, vươn lên khá và giàu, có thu nhập từ hàng trăm triệu đồng/năm, có hộ thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm…” - bà Hảo nói.
 
Tại xã Liên Hiệp, bà Trịnh Thị Hoàng - Chủ tịch Hội LHPN xã cho hay: Cùng với nguồn vốn hỗ trợ phụ nữ nghèo, Hội còn nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách huyện giúp phụ nữ nghèo, phụ nữ làm chủ hộ, phụ nữ tôn giáo và phụ nữ dân tộc trong xã được tiếp cận với nguồn vốn sản xuất, kinh doanh, đầu tư mua cây giống, con giống. Đồng thời, vận động hội viên phụ nữ đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế gia đình thông qua việc xây dựng và duy trì các mô hình thiết thực: Tổ phụ nữ giúp nhau vần công, đổi công, tổ phụ nữ tiết kiệm, tổ nuôi tằm, móc lưới, giăng hoa… Từ đó, đã tạo việc làm cho 1.000 lao động chính, lao động phụ, lao động lúc nông nhàn có công ăn việc làm, thu nhập ổn định, với trung bình từ 1,5 triệu đồng - 3,5 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, các chi hội trong xã còn luôn quan tâm hỗ trợ, giúp phụ nữ khuyết tật, đơn thân và trẻ em nghèo thông qua các hình thức như: Vận động tiền, ngày công để xây dựng mái ấm tình thương cho phụ nữ nghèo; xây dựng Quỹ Lê Thị Pha để trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó. Từ các hoạt động trên, phụ nữ xã Liên Hiệp đã cùng với địa phương đạt tiêu chí giảm nghèo hàng năm, góp một phần quan trọng trong việc thực hiện tiêu chí “Không đói nghèo” của cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”. Cũng từ đây, đã hỗ trợ các tiêu chí xây dựng gia đình “Không vi phạm pháp luật và các tệ nạn xã hội”, “Không bạo lực gia đình”, “Không sinh con thứ 3 trở lên”… Chị Đinh Thị Thanh Thúy, xã Liên Hiệp cho hay: “Gia đình tôi vốn rất khó khăn, cũng nhờ những đồng vốn từ ngân hàng chính sách, quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo do Hội Phụ nữ xã tạo điều kiện cho vay và tham gia các mô hình đổi công do Chi hội Phụ nữ thôn tổ chức mà đời sống của gia đình tôi cũng dần thay đổi. Tôi vừa có đồng vốn để phát triển sản xuất, vừa có việc làm thường xuyên”. 
 
Nỗ lực vì phụ nữ nghèo
 
Theo Hội LHPN huyện Đức Trọng, xác định nhiệm vụ vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững là đòn bẩy để thúc đẩy những nhiệm vụ khác nên các cấp Hội thường xuyên tăng cường công tác vận động hội viên, phụ nữ tích cực lao động sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi. Từ đó, từng bước nâng cao mức sống cho phụ nữ, góp phần phát triển kinh tế gia đình, làm giàu chính đáng. Hàng năm, Hội đã chỉ đạo rà soát hộ nghèo trong hội viên phụ nữ, phụ nữ nghèo làm chủ hộ, từ đó có kế hoạch phân công giúp đỡ. Đồng thời, Hội Phụ nữ các cấp đã tuyên truyền vận động chị em hội viên, phụ nữ tham gia tiết kiệm tạo nguồn vốn tại chỗ giúp cho chị em phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Các phong trào “Nuôi heo đất”, tổ xoay vòng vốn, hùn vốn, mô hình “5 giúp 1” “10 giúp 1”… được duy trì phát triển, góp phần không nhỏ trong việc hỗ trợ cho chị em khó khăn có điều kiện phát triển kinh tế, tăng thêm thu nhập. Ngoài việc huy động nội lực trong chị em cán bộ hội viên để hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gia đình, 5 năm qua, Hội còn quản lý tốt nguồn vốn ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội tại các xã, thị trấn với số vốn hơn 107 tỷ đồng cho 5.299 lượt chị vay, có 147 tổ tín dụng tiết kiệm đã huy động được gần 3,4 tỷ đồng. Ngoài ra, quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo đã tạo điều kiện cho hơn 3 ngàn lượt hội viên, phụ nữ tiếp cận với số tiền gần 30 tỷ đồng. Từ những hoạt động giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, thời gian qua, nhiều mô hình hiệu quả đã được duy trì và nhân rộng như: Trồng nấm mèo xuất khẩu, làm phở khô, nuôi tằm, nuôi ong sữa, dệt, móc len, thêu tay… Trong 5 năm trở lại đây, đã có 2.661 hội viên, phụ nữ nghèo được giúp đỡ và đã có 1.302 chị em thoát nghèo, trong đó, 612 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ được giúp thoát nghèo.
 
THY VŨ