Đà Lạt trong mùa thu cách mạng

08:09, 02/09/2016

Sáng sớm ngày 23 tháng 8 năm 1945, hàng ngàn người dân Đà Lạt mang theo cờ, biểu ngữ kéo về tập trung tại khu vực chợ Đà Lạt (nay là khu Hòa Bình)… Những ngày tháng Tám lịch sử của mùa thu năm ấy, đã có một Đà Lạt sục sôi trong dòng chảy cách mạng.

Sáng sớm ngày 23 tháng 8 năm 1945, hàng ngàn người dân Đà Lạt mang theo cờ, biểu ngữ kéo về tập trung tại khu vực chợ Đà Lạt (nay là khu Hòa Bình)… Những ngày tháng Tám lịch sử của mùa thu năm ấy, đã có một Đà Lạt sục sôi trong dòng chảy cách mạng.
 
Chợ cũ Đà Lạt (khu Hòa Bình ngày nay) - nơi xuất phát cuộc nổi dậy giành chính quyền ngày 23/8/1945 của nhân dân Đà Lạt - Ảnh: tư liệu
Chợ cũ Đà Lạt (khu Hòa Bình ngày nay) - nơi xuất phát cuộc nổi dậy giành chính quyền ngày 23/8/1945 của nhân dân Đà Lạt - Ảnh: tư liệu

Đầu năm 1945, phong trào cách mạng trong nước lên cao, tổ chức Mặt trận Việt Minh phát triển rộng rãi. Tháng 4 năm 1945, tù nhân ở nhà lao Buôn Ma Thuột đấu tranh thắng lợi, Nhật buộc phải thả hết tù chính trị. Tổ chức Đảng trong nhà lao phân công ông Ngô Huy Diễn và ông Nguyễn Thế Tính về Đà Lạt củng cố gây dựng lại tổ chức cơ sở, chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền. Chỉ trong một thời gian ngắn, Ủy ban Mặt trận Việt Minh Đà Lạt, Tỉnh bộ Việt Minh lâm thời tỉnh Lâm Viên và các đoàn thể cứu quốc lâm thời tỉnh Lâm Viên được thành lập, tập hợp đông đảo quần chúng tham gia.
 
Sau khi Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc ra mệnh lệnh Tổng khởi nghĩa trong cả nước và một số địa phương khởi nghĩa thắng lợi đã có ảnh hưởng rất lớn đối với các tầng lớp nhân dân Đà Lạt. Tại Cầu Đất, ông Trịnh Lý đã tập hợp một số công nhân, thanh niên bàn kế hoạch khởi nghĩa giành chính quyền. Ngày 21/8/1945, nhân dân Cầu Đất, Trạm Hành khởi nghĩa thắng lợi, thành lập chính quyền cách mạng.
 
Được sự giúp đỡ của Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh Khánh Hòa, đêm 21/8/1945, Hội nghị bàn kế hoạch khởi nghĩa được tổ chức tại Đà Lạt. Hội nghị thông qua chủ trương, phương pháp vận động, tổ chức nhân dân tiến hành khởi nghĩa, thành lập Ủy ban khởi nghĩa và quyết định khởi nghĩa giành chính quyền vào ngày 23/8/1945. Công việc chuẩn bị khởi nghĩa được tiến hành hết sức khẩn trương, từ việc phổ biến kế hoạch, tổ chức đội ngũ đến việc may cờ, viết khẩu hiệu đều chạy đua với thời gian. Lực lượng quần chúng được tổ chức theo các phường, ấp gồm các đoàn thể công nhân, thanh niên, phụ nữ, phụ lão và các đội tự vệ, mỗi người tự trang bị cho mình một loại vũ khí thô sơ.
 
Theo đúng kế hoạch đã định, sáng sớm ngày 23 tháng 8, hàng ngàn nhân dân mang theo cờ, biểu ngữ kéo về tập trung tại khu vực chợ Đà Lạt (nay là khu Hòa Bình). Từng đoàn công nhân, thanh niên, phụ nữ, phụ lão tay cầm dao kiếm, cuốc, nỉa, gậy gộc; các đội tự vệ mặc đồng phục và được trang bị dao găm, mã tấu, lựu đạn. Sau khi tổ chức mít tinh, đoàn biểu tình kéo đến bao vây Dinh Tỉnh trưởng Lâm Viên (nay là nhà số 4 đường Thủ Khoa Huân) và hô vang khẩu hiệu “đả đảo đế quốc chủ nghĩa”, “đả đảo chính phủ Trần Trọng Kim”, “Mặt trận Việt Minh muôn năm”. Trước sức mạnh của quần chúng, Tỉnh trưởng Ưng An hoảng sợ đem nộp con dấu, giấy tờ sổ sách cho Ủy ban khởi nghĩa. Sau đó, đoàn biểu tình kéo đến lấy đồn bảo an, phá cửa nhà lao đón những đồng chí, đồng bào đang bị giam trong xà lim.
 
Ngày 24 tháng 8, nhân dân Đà Lạt tiếp tục biểu tình kéo đến Dinh Tổng đốc Lâm - Đồng - Bình - Ninh buộc Tổng đốc Trần Văn Lý nộp ấn tín, giấy tờ cho cách mạng. Sau đó Ủy ban khởi nghĩa cử các đoàn cán bộ đến tiếp quản các công sở. Tối ngày 24 tháng 8, Ủy ban Khởi nghĩa và những cán bộ tham gia khởi nghĩa họp đánh giá tình hình, đề ra một số công tác trước mắt và thành lập Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời tỉnh Lâm Viên gồm 7 thành viên do ông Phan Đức Huy làm Chủ tịch, ông Đình Quế - Phó Chủ tịch, Phạm Khắc Quán - Thư ký, Trương Văn Hoàn - Ủy viên ngoại giao, Nghiêm Nghị - Ủy viên Quân sự, Ngô Huy Diễn - Ủy viên tuyên truyền, Ta Tion Đôn - Ủy viên Dân tộc. Những ngày sau đó, Ủy ban Việt Minh tỉnh, các đoàn thể quần chúng như: Công nhân cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc và chính quyền cách mạng ở cơ sở được thành lập.
 
Sau suốt 5 ngày khí thế sục sôi trên khắp các con đường, ngõ ấp Đà Lạt, ngày 28/8 cuộc nổi dậy khởi nghĩa đã thành công. Cùng với nhân dân cả nước, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Đà Lạt thắng lợi là một sự kiện có ý nghĩa lịch sử quan trọng, nhân dân ta từ người nô lệ trở thành người chủ đất nước có quyền quyết định vận mệnh của dân tộc mình. Ngày Độc lập 2/9/1945 đã mở ra một kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội, nhân dân Đà Lạt cũng góp phần vào mốc son chói lọi ấy. 
 
Tư liệu tham khảo:
 
1/Lịch sử Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng (1930 - 1975) - Xuất bản 2008 - Chỉ đạo biên soạn: Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng.
 
2/Dư địa chí Đà Lạt (Phong trào đấu tranh cách mạng giai đoạn 1930 - 1945).
 
QUỲNH UYỂN (tổng hợp)