Món ăn tinh thần của già làng vùng sâu

08:09, 21/09/2016

Trong thời gian qua, nhờ vào việc được cấp phát những tờ báo hằng tuần mà hơn 56 người có uy tín trên địa bàn huyện Đam Rông được tiếp cận thêm một kênh thông tin chính thống, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu với mỗi già làng vùng sâu, vùng xa.

Trong thời gian qua, nhờ vào việc được cấp phát những tờ báo hằng tuần mà hơn 56 người có uy tín trên địa bàn huyện Đam Rông được tiếp cận thêm một kênh thông tin chính thống, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu với mỗi già làng vùng sâu, vùng xa.
 
Già làng Kră Jăn Ha Xuyên đang trao đổi thông tin trên báo chí với người dân trong thôn
Già làng Kră Jăn Ha Xuyên đang trao đổi thông tin trên báo chí với người dân trong thôn
Đọc để tuyên truyền
 
3 lần 1 tuần, cứ vào khoảng đầu giờ chiều các ngày thứ hai, thứ tư, thứ năm; báo Nhân Dân, báo Lao Động, báo Lâm Đồng lại được văn thư các xã chuyển trực tiếp đến tay các vị già làng, người có uy tín của các thôn trên địa bàn huyện Đam Rông. Là người thường xuyên đọc, khai thác, sử dụng thông tin từ báo, tạp chí của Đảng; ông Kră Jăn Ha Xuyên, già làng uy tín thôn Đa Tế, xã Đạ M’Rông bày tỏ: “Đọc báo là công việc hằng ngày của tôi, thông qua đọc báo tôi có thể truyền đạt lại cho bà con biết được những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đồng thời nêu được tấm gương người tốt, việc tốt, nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả có thể đem áp dụng ở cho đồng bào mình”.
 
Hằng ngày, cứ mỗi chiều tối ăn cơm xong, một số cụ già trong thôn lại tụ họp để nói chuyện thời sự, bàn luận những vấn đề nóng của xã hội mà báo chí đăng tải. Việc đọc báo, nắm bắt thông tin giờ đây như đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của những người có uy tín nơi đây. Qua nhiều năm gắn bó với “món ăn tinh thần” này, chức sắc Liêng Hót Ha Chong - thôn Đạ Kao 2, xã Đạ Tông chia sẻ: “Ít được tiếp cận với những phương tiện thông tin đại chúng hiện đại như thanh niên, những già làng như tôi thường dựa vào những tờ báo được cấp phát để nắm bắt được thông tin của tỉnh cũng như địa phương. Lúc họp mặt bà con trong thôn, nội dung sinh hoạt được các già làng trao đổi luôn xoay quanh những vấn đề thời sự mà báo chí phản ánh liên quan đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo trật tự an toàn xã hội và trở thành thông lệ mỗi tháng của đồng bào ”. Theo ông Cil Ha Noen - Chủ tịch UBND xã Đạ M’Rông thì: “ Việc cấp phát báo được những người có uy tín trong cộng đồng người dân tộc thiểu số hưởng ứng tích cực. Già làng là những người có uy tín trong cộng đồng, việc đọc báo đã đem lại nhiều hiệu quả, những chính sách, chủ trương của Đảng được già làng truyền đạt cũng dễ dàng đi vào thực tiễn đời sống nhân dân. Không chỉ thế, nó còn giúp ích rất lớn trong công tác quản lý cũng như điều hành của cán bộ địa phương”.
 
Phát huy vai trò
 
Cùng với việc thực hiện các chính sách đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, việc cấp phát báo, tạp chí và ấn phẩm đã được quan tâm đúng mức. Từ năm 2012 đến nay, đã tiến hành cấp trên 6.552 đầu báo, tạp chí cho người có uy tín trên địa bàn. Qua việc cấp phát báo miễn phí cho những người có uy tín đã tạo thuận lợi để cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể của địa phương tranh thủ vai trò của người có uy tín trong công tác vận động, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến cộng đồng dân cư ở thôn, bản.
 
Nhờ sự quan tâm tận tình và chu đáo từ cơ quan chức năng, trong những năm qua, vai trò của người có uy tín tiếp tục được khẳng định và phát huy, góp phần đáng kể vào sự nghiệp phát triển KT-XH, giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội của địa phương. Nhất là vai trò của người có uy tín trong công tác vận động, tuyên truyền bà con, dòng họ thay đổi tư duy sản xuất, canh tác lạc hậu bằng phương thức sản xuất mới, áp dụng những tiến bộ của khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần xóa đói, giảm nghèo nhanh và bền vững. Người uy tín còn là nhân tố trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy nét đẹp của văn hóa truyền thống, vận động bà con xây dựng cuộc sống mới, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang, cưới hỏi. Đó chính là “chất keo” trong việc thực hiện khối đại đoàn kết dân tộc, vận động bà con chấp hành tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, không nghe, không tin theo lời của kẻ xấu xúi giục; dạy dỗ con cháu phát huy tinh thần yêu nước, sẵn sàng phục vụ Tổ quốc; tham gia giữ gìn trật tự an toàn xã hội. 
 
Ông Trần Văn Nguyên - Phó trưởng Phòng Dân tộc huyện Đam Rông cho biết: “Việc cấp phát báo cho người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số đã và đang phát huy hiệu quả một cách tích cực; những chủ trương, chính sách lớn của Đảng, pháp luật của Nhà nước đã đến được với người dân thông qua những trang báo. Cùng với kênh phát thanh, kênh truyền hình; báo in sẽ phát huy hơn nữa vai trò của mình trong công cuộc ổn định và phát triển kinh tế tại các địa phương trong huyện. Thông qua việc cấp phát báo, người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số có cơ hội tiếp cận được nhiều nguồn thông tin về các mặt kinh tế, xã hội và đời sống, góp phần mở mang, nâng cao dân trí trong vùng đồng bào dân tộc. Đặc biệt, thông qua kênh này, người dân học tập các mô hình sản xuất, kinh doanh, khoa học - kỹ thuật để vận dụng vào việc phát triển kinh tế hộ gia đình; góp phần thực hiện nhiệm vụ xóa đói, giảm nghèo của địa phương”.
 
HOÀNG YÊN