Đổi mới giáo dục - đào tạo theo tinh thần Đại hội XII của Đảng

09:09, 09/09/2016

Đổi mới căn bản, toàn diện GD & ĐT là việc hết sức trọng đại, cần phát huy trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân; huy động nhiều nguồn lực để phát triển GD & ĐT, sớm hiện thực hóa chủ trương, định hướng mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng đã đề ra.

Tiếp tục thực hiện chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD & ĐT) mà Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI (NQ 29-NQ/TW) đề ra, Đại hội Đảng lần thứ XII đề ra phương hướng: Giáo dục là quốc sách hàng đầu. Phát triển GD & ĐT nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; phát triển GD & ĐT phải gắn với nhu cầu phát triển KT - XH, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, với tiến bộ khoa học, công nghệ; phấn đấu trong những năm tới, tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả GD & ĐT; phấn đấu đến năm 2030, nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực. 
 
Trường THPT chuyên Thăng Long vinh dự nhận được sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo tỉnh cả về tinh thần lẫn vật chất. Đó là nguồn động viên lớn đối với hoạt động dạy và học của nhà trường.Trong ảnh: Háo hức ngày khai trường. Ảnh: THANH TOÀN
Trường THPT chuyên Thăng Long vinh dự nhận được sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo tỉnh cả về tinh thần lẫn vật chất. Đó là nguồn động viên lớn đối với hoạt động dạy và học của nhà trường.Trong ảnh: Háo hức ngày khai trường. Ảnh: THANH TOÀN
Từ đó, Đại hội XII xác định những nhiệm vụ chủ yếu: Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ các yếu tố cơ bản của GD & ĐT theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học; hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập; đổi mới căn bản công tác quản lý GD & ĐT, bảo đảm dân chủ, thống nhất; tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở GD & ĐT; coi trọng quản lý chất lượng; phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, đáp ứng yêu cầu đổi mới GD & ĐT; đổi mới chính sách, cơ chế tài chính, huy động sự tham gia đóng góp của toàn xã hội, nâng cao hiệu quả đầu tư để phát triển GD & ĐT. 
 
Để thực hiện chủ trương đó, thời gian tới cần tập trung đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của GD & ĐT; coi trọng phát triển phẩm chất và năng lực người học. Trong đó tập trung vào một số vấn đề rất cơ bản và quan trọng là: 
 
Thứ nhất, cần có sự thống nhất trong nhận thức và hành động của toàn Đảng, toàn dân về chủ trương “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”; từ đó, phát huy trí tuệ, huy động nhiều nguồn lực và có sự phối hợp của nhiều cơ quan, ban ngành và các tổ chức xã hội, trong đó ngành GD & ĐT đóng vai trò chủ đạo. Đây là vấn đề có tính quyết định, bởi sự nghiệp giáo dục là của toàn dân, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng. Chừng nào chưa làm tốt điều này, chừng đó GD & ĐT chưa thực sự trở thành quốc sách hàng đầu như quan điểm của Đảng đã xác định.
 
Thứ hai, đổi mới mục tiêu giáo dục để phù hợp với bối cảnh đất nước bước vào thời kỳ mới, đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế sâu rộng. Mục tiêu phát triển giáo dục của nước ta từ trước đến nay cơ bản là đúng đắn, nhưng mỗi thời kỳ có những hoàn cảnh, yêu cầu nhiệm vụ khác nhau, nên mục tiêu GD & ĐT cũng phải điều chỉnh, thay đổi để đáp ứng thực tiễn cuộc sống đặt ra. Nhiệm vụ xây dựng, phát triển đất nước trong thời kỳ mới, đòi hỏi tiêu chuẩn phẩm chất, năng lực con người cũng có yêu cầu mới; bên cạnh chú ý con người xã hội, con người công dân, cần hướng tới phát huy cao nhất tiềm năng của mỗi cá nhân; phát triển hài hòa con người cá nhân và con người xã hội. Từ đó, cần điều chỉnh mục tiêu GD & ĐT theo hướng vừa chú ý phát triển hài hòa con người xã hội, con người công dân, vừa hướng tới phát huy cao nhất tiềm năng của mỗi học sinh; chú trọng giáo dục cả phẩm chất và năng lực của người học; bao gồm các phẩm chất chủ yếu, các năng lực chung và các phẩm chất, năng lực riêng của từng học sinh, năng lực đặc thù môn học; kết hợp hài hòa dạy chữ, dạy nghề và dạy người; chú trọng giáo dục hướng nghiệp, kỹ năng thực hành, tác phong công nghiệp... Từ đó, sẽ tạo sự thay đổi căn bản về chất lượng giáo dục. Mục tiêu giáo dục trong chương trình mới phải phù hợp với bối cảnh, trình độ và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; trình độ, đặc điểm tâm sinh lý của học sinh Việt Nam; học tập kinh nghiệm và xu hướng quốc tế.
 
Thứ ba, đổi mới nội dung, chương trình GD & ĐT theo hướng phải phù hợp, thiết thực với từng cấp học, từng đối tượng; bảo đảm tính khoa học, cơ bản, hiện đại; nhưng tinh giản, dễ hiểu, lựa chọn những kiến thức có tính ứng dụng cao; chú trọng các môn khoa học xã hội - nhân văn; đổi mới nội dung, phương pháp dạy - học ngoại ngữ; chuyển từ nặng về trang bị kiến thức lý thuyết trừu tượng sang nội dung giáo dục gắn với thực tiễn đời sống nhằm giảm tải kiến thức, giảm áp lực học hành, thi cử cho học sinh; chú trọng yêu cầu vận dụng kiến thức, rèn luyện kỹ năng sống. Theo đó, Chương trình mới chuyển sang cách tiếp cận năng lực, chú trọng đến mục tiêu phát triển các phẩm chất của học sinh; không chỉ đòi hỏi học sinh nắm vững những kiến thức, kỹ năng cơ bản mà còn chú trọng yêu cầu vận dụng kiến thức, kỹ năng vào thực hành, giải quyết các tình huống trong học tập và cuộc sống... Với cách tiếp cận này, đòi hỏi tất cả các khâu của quá trình dạy - học (nội dung, phương pháp, phương tiện, hình thức tổ chức, cách kiểm tra, đánh giá, thi cử; cách thức quản lý và thực hiện...) cũng phải thay đổi. Nội dung các môn học cần lựa chọn những gì cần thiết cho việc phát triển phẩm chất và năng lực người học; những tri thức thiết thực, gần gũi, gắn với đời sống và có thể vận dụng tốt trong thực tế. Cần xác định rõ chuẩn đầu ra của từng cấp học để biên soạn chương trình và sách giáo khoa các môn học đảm bảo tính thống nhất, liên thông; chú ý tài liệu hỗ trợ dạy học phù hợp với đặc thù của các địa phương, các đối tượng, nhất là học sinh dân tộc thiểu số và học sinh có hoàn cảnh khó khăn. 
 
Thứ tư, đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng vận dụng các phương pháp giáo dục đa dạng, linh hoạt, phù hợp với đối tượng và hoàn cảnh, ưu tiên cho thực hành, khuyến khích sáng tạo; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức với phương châm “giảng ít, học nhiều”, “học đi đôi với hành”; chú trọng hình thức tổ chức các hoạt động giáo dục trong và ngoài nhà trường, rèn luyện phương pháp tự học và mong muốn học suốt đời. Đổi mới phương pháp giáo dục kỹ thuật, đào tạo nghề và giáo dục đại học theo hướng giảm thời lượng dạy lý thuyết, tăng thời lượng thảo luận và thực hành; gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học; chuyển quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo; chú trọng rèn luyện năng lực tự học, tự nghiên cứu, kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng làm việc nhóm. 
 
Thứ năm, đổi mới hình thức và phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả GD & ĐT một cách mạnh mẽ, nhằm bảo đảm độ tin cậy, chính xác, tính khách quan, trung thực về kết quả học tập của học sinh; làm cơ sở cho việc điều chỉnh cách dạy, cách học. Xác định đúng mục tiêu kiểm tra, đánh giá phù hợp với đối tượng và yêu cầu; xây dựng nội dung và hình thức kiểm tra, thi, đánh giá theo chuẩn năng lực; đánh giá được sự tiến bộ của người học. Đổi mới việc ra đề thi, phương pháp xử lý kết quả và sử dụng kết quả; không chỉ tập trung vào việc xem học sinh học cái gì mà quan trọng hơn là kiểm tra học sinh đó học như thế nào, có biết vận dụng không; đề bài sẽ yêu cầu vận dụng tổng hợp kiến thức và kỹ năng của nhiều lĩnh vực, môn học để giải quyết một vấn đề chung, liên quan nhiều đến thực tiễn.
 
Thứ sáu, hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập; quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển nguồn nhân lực. Khuyến khích thành lập viện, trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, doanh nghiệp khoa học, công nghệ trong nhà trường; thí điểm chuyển mô hình trường công lập sang cơ sở giáo dục do cộng đồng, doanh nghiệp quản lý, đầu tư. 
 
Đổi mới căn bản, toàn diện GD & ĐT là việc hết sức trọng đại, cần có sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động; phát huy trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân; huy động nhiều nguồn lực để phát triển GD & ĐT, sớm hiện thực hóa chủ trương, định hướng mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng đã đề ra.
 
KHÁNH LINH