Đổi mới tuyên truyền an toàn giao thông trong đồng bào dân tộc thiểu số

08:09, 20/09/2016

Bên cạnh yếu tố giao thông khó khăn, vấn đề đáng lo ngại là nhận thức pháp luật về giao thông của đồng bào dân tộc thiểu số hiện vẫn còn rất hạn chế. Thói quen đi xe máy không đội mũ bảo hiểm, uống rượu say vẫn điều khiển xe máy thường xuyên diễn ra.

Bên cạnh yếu tố giao thông khó khăn, vấn đề đáng lo ngại là nhận thức pháp luật về giao thông của đồng bào dân tộc thiểu số hiện vẫn còn rất hạn chế. Thói quen đi xe máy không đội mũ bảo hiểm, uống rượu say vẫn điều khiển xe máy thường xuyên diễn ra. Trước tình hình đó, Phòng CSGT (PC67) đề ra nhiều giải pháp đổi mới, trong đó đưa cán bộ về thôn, buôn tuyên truyền về Luật Giao thông đường bộ nhằm đảm bảo an toàn giao thông vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
 
Nhiều cách làm hay
 
Buổi tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ tại xã Lộc Lâm (Bảo Lâm) thu hút trên 300 người dân tham gia. Không chỉ tiếp cận với những hình ảnh sinh động về các quy định bắt buộc cần nắm vững khi tham gia giao thông, cách phòng ngừa tai nạn giao thông, tại đây, cán bộ Phòng CSGT còn tổ chức chiếu phim tư liệu tuyên truyền về tình hình trật tự an toàn giao thông hiện nay cũng như những hậu quả do tai nạn giao thông gây ra. Đồng thời, trực tiếp nói chuyện chuyên đề về pháp luật giao thông và lồng ghép đặt câu hỏi có thưởng cho người dân trả lời, nội dung liên quan đến Luật Giao thông đường bộ với phần quà là những chiếc mũ bảo hiểm đảm bảo quy chuẩn, chất lượng. Trung úy Trần Xuân Cường - cán bộ Đội tuyên truyền, xử lý vi phạm (PC67) cho biết, Lãnh đạo Công an tỉnh chỉ đạo đơn vị đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ đến với người dân; đặc biệt, giao trách nhiệm cho Đội tuyên truyền hằng tháng tổ chức nhiều tổ công tác về tận các buôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số để thực hiện công tác tuyên truyền.Trước mỗi buổi tuyên truyền, cán bộ, chiến sỹ tìm tòi nghiên cứu để tìm ra những nội dung cần tuyên truyền; cách tuyên truyền làm sao phải dễ nghe, dễ hiểu, mang tính trực quan sinh động để tạo điều kiện cho bà con dễ nắm bắt. Nội dung tuyên truyền phải gắn với thực tiễn trong quá trình tham gia giao thông của bà con, như: đội mũ bảo hiểm, không chở quá số người quy định, điều khiển phương tiện không lạng lách, đánh võng… 
 
Ông Đàm Văn Hùng (xã Lộc Lâm, Bảo Lâm) sau khi được lực lượng CSGT tuyên truyền rất phấn khởi cho hay: “Nghe cán bộ tuyên truyền, hướng dẫn Luật về giao thông, cách sử dụng xe máy đúng cách và an toàn, rất bổ ích, có lợi cho tất cả mọi người góp phần đảm bảo an ninh - trật tự an toàn giao thông trong buôn làng”.
 
Trong số các giải pháp nâng cao nhận thức về an toàn giao thông trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Đội còn chú trọng tuyên truyền cho học sinh khối THPT, trường dân tộc nội trú. Hoạt động này diễn ra thường xuyên, lồng ghép với các đợt sinh hoạt “Tiết chào cờ thân thiện”. Bằng hình thức đố vui có thưởng, cán bộ Phòng CSGT Công an tỉnh đặt ra nhiều tình huống để học sinh tham gia giải quyết. Các cán bộ tuyên truyền đã phân tích cụ thể tình huống để các em nắm rõ, từ đó rút kinh nghiệm cho bản thân và truyền đạt đến phụ huynh, đồng bào mình tại cơ sở, thôn, buôn...
 
Nâng cao ý thức 
 
Rất nhiều đồng bào dân tộc thiểu số thường sử dụng phương tiện không đảm bảo an toàn giao thông. Đó là những chiếc xe không có đèn, phanh, gương chiếu hậu nhưng vẫn lưu thông trên đường. Chính vì vậy, để công tác tuyên truyền đạt kết quả cao, đội tuyên truyền giao thông kết hợp già làng, người có uy tín trong cộng đồng đến từng nhà, trao đổi thẳng thắn với người dân về những lỗi thường vi phạm, thông tin cho đồng bào về những thiệt hại nếu vi phạm luật giao thông, những hậu quả nặng nề khi xảy ra tai nạn... Qua minh họa sinh động bằng hình ảnh, người dân được biết thêm nhiều thông tin về tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn, các quy định liên quan, từ đó xác định được đâu là việc nên làm và những hành vi cần tránh để không vi phạm. 
 
Đại tá Hồ Văn Lai, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh cho biết: “Đây là hoạt động nhằm nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ trong nhân dân, nhất là người đồng bào dân tộc thiểu số, qua đó, góp phần kiềm chế, giảm thiểu các vụ tai nạn giao thông và lập lại trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh. Thực tế cho thấy, sau nỗ lực tuyên truyền an toàn giao thông, phần lớn đồng bào đã hiểu được tầm quan trọng chấp hành quy định Luật Giao thông đường bộ. Tuy nhiên, để những hiểu biết ấy thực sự trở thành nhận thức và biến thành hành động tích cực trong mỗi người dân vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số rất cần sự tham gia tích cực của cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể vào cuộc nghiêm túc. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật về giao thông cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Phương châm vẫn là mưa dầm thấm lâu, nhắc lại nhiều lần trong các đợt sinh hoạt, hội họp của đồng bào; tăng cường tuyên truyền cho học sinh người dân tộc thiểu số tại các trường dân tộc nội trú. Phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành liên quan, trường học, doanh nghiệp thực hiện tốt việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ. Từ đó giúp mỗi người dân cùng cộng đồng trách nhiệm trong công tác đảm bảo TTATGT. Với những cách làm phù hợp, sát với điều kiện thực tiễn, sẽ là tiền đề quan trọng để kiềm chế, kéo giảm tai nạn giao thông”.
 
HOÀNG YÊN

HOÀNG YÊN