Giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật ở Trường Tiểu học Phan Như Thạch

09:09, 26/09/2016

Trường Tiểu học Phan Như Thạch (Đà Lạt) là một trong số ít trường tiểu học ở Lâm Đồng có trọng trách giáo dục học sinh khuyết tật theo mô hình hòa nhập. 

Trường Tiểu học Phan Như Thạch (27 Quang Trung - P9, TP Đà Lạt, Lâm Đồng), là một ngôi trường được nhắc đến nhiều vào mỗi mùa tuyển sinh đầu cấp bởi chất lượng và uy tín giáo dục, đây còn là một trong số ít trường tiểu học ở Lâm Đồng có trọng trách giáo dục học sinh khuyết tật theo mô hình hòa nhập. Trong 10 năm triển khai mô hình này, những thành quả đạt được của trường đã khẳng định mô hình giáo dục hòa nhập tốt. 
 
Giáo viên hướng dẫn các em khuyết tật học bài trong lớp học
Giáo viên hướng dẫn các em khuyết tật học bài trong lớp học

Giáo dục hòa nhập là phương thức giáo dục, hỗ trợ mọi học sinh trong đó có trẻ khuyết tật, cơ hội bình đẳng tiếp nhận dịch vụ giáo dục với những hỗ trợ cần thiết trong lớp học phù hợp tại trường phổ thông nơi trẻ sinh sống nhằm chuẩn bị trở thành những thành viên đầy đủ của xã hội.
 
Trường Tiểu học Phan Như Thạch bắt đầu triển khai mô hình giáo dục hòa nhập, dành cho học sinh khuyết tật từ năm học 2004 - 2005, trường đặc biệt tập trung vào 2 đối tượng trẻ khuyết tật là khiếm thính và thiểu năng trí tuệ. Trung bình mỗi năm có từ 9 tới 13 em theo học tại trường, các em chủ yếu là người dân tộc ở các huyện trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng và các tỉnh xa khác nhập học tại trường. Được biết, trường đã có những giải pháp cụ thể, ưu tiên cho các em học tập tốt và được rèn luyện các kỹ năng sống một cách hiệu quả nhất. Mỗi lớp học, có từ một tới hai em học sinh khuyết tật, các em được học chữ nổi và có giáo viên hội người mù phiên dịch, chỉ dẫn ngay trên lớp học. Trong hoạt động học tập, lấy phương pháp dạy học “đôi bạn giúp nhau” là chủ yếu.
 
Hội Chữ thập đỏ, Hội Khuyến học nhà trường đã có những hoạt động thiết thực, vận động các cơ quan, ban, ngành quyên góp, gây quỹ cho các học sinh khuyết tật của trường. Trung bình, mỗi năm số tiền quyên góp được lên tới 300 triệu đồng.
 
Trao đổi với chúng tôi, Chi hội Trưởng Hội Chữ thập đỏ của trường Nguyễn Thị Ngọc chia sẻ: “Số tiền mà chúng tôi vận động quyên góp được, dùng để mua sắm dụng cụ học tập, chi phí đi lại cho các em hằng ngày và đặc biệt là trao tặng những suất học bổng nhằm động viên tinh thần học tập của các em. Chúng tôi mong muốn các em sẽ được học tập tốt tại trường, xóa bỏ được sự kỳ thị trong cộng đồng”.
 
Bên cạnh việc học tập trên lớp, các em được rèn luyện thêm kỹ năng sống (làm chổi, làm tăm tre...) và tham gia vào các hoạt động tập thể. Đặc biệt, các em chăm ngoan, học giỏi và được thầy cô, bạn bè tin yêu.
 
Tuy nhiên, hòa nhập không có nghĩa là “xếp chỗ” cho trẻ khuyết tật trong trường mà đòi hỏi cần có sự hỗ trợ cần thiết, thể hiện ở việc điều chỉnh chương trình, các đồ dùng dạy học, các kỹ năng giảng dạy đặc thù để giúp học sinh phát triển hết khả năng của mình. Chính vì vậy, việc dạy học cho trẻ khuyết tật chỉ có cái tâm là chưa đủ. Cô giáo Trần Thị Công Nga - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Như Thạch cho biết: “Giáo viên và lãnh đạo nhà trường đã cố gắng nỗ lực đúc rút kinh nghiệm, tìm ra phương pháp dạy học hiệu quả nhất cho trẻ khuyết tật. Với mỗi học sinh khuyết tật, không thể áp dụng cùng một nội dung, phương pháp nào nên giáo viên phải linh hoạt, điều chỉnh, bổ sung theo từng giai đoạn phát triển của học sinh, theo từng năm học. Mong rằng, nhà trường sẽ là môi trường đào tạo tốt, giúp các em hòa nhập với cộng đồng và nhận thức được giá trị của cuộc sống”. Bên cạnh đó, nhà trường đang gặp phải những khó khăn nhất định: Cơ sở vật chất chưa đáp ứng; chương trình sách giáo khoa dành cho học sinh khuyết tật so với các em học sinh phổ thông khác nhau, gây một số khó khăn trong việc giảng dạy của giáo viên.
 
Xu hướng giáo dục đặc biệt trên thế giới hiện nay đang tập trung phát triển theo hướng giáo dục các học sinh khuyết tật trong môi trường hòa nhập hơn là tách biệt trẻ khuyết tật trong các cơ sở giáo dục chuyên biệt. Mô hình giáo dục hòa nhập đã đem lại hiệu quả rõ rệt, đang dần mở rộng tại tỉnh Lâm Đồng.
 
Trong những năm qua, mô hình giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật ở Trường Tiểu học Phan Như Thạch đã mang lại cho xã hội, cho ngành giáo dục những kết quả có ý nghĩa vô cùng to lớn, giúp cho các em học sinh khuyết tật sớm hòa nhập cộng đồng, có ích cho xã hội.
 
YẾN THY