Hướng tới các hoạt động thiết thực, gắn kết với cộng đồng

08:09, 26/09/2016

Chiến dịch "Làm cho thế giới sạch hơn" năm 2015 triển khai thực hiện tại huyện Đơn Dương và năm 2016 này triển khai tại 3 huyện Đạ Tẻh, Đạ Huoai và Đức Trọng. Đây là những địa bàn được chọn ra quân chiến dịch thuộc những trọng điểm về sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

Chiến dịch “Làm cho thế giới sạch hơn” năm 2015 triển khai thực hiện tại huyện Đơn Dương và năm 2016 này triển khai tại 3 huyện Đạ Tẻh, Đạ Huoai và Đức Trọng. Đây là những địa bàn được chọn ra quân chiến dịch thuộc những trọng điểm về sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Vì vậy, vấn đề quan trọng từ hoạt động này tạo được tính lan tỏa trong ý thức về môi trường của cộng đồng nói chung, hoạt động sản xuất nông nghiệp nói riêng. 
 
Chất thải nguy hại tại huyện Đạ Tẻh đưa lên ô tô để chở đi nhà máy xử lý
Chất thải nguy hại tại huyện Đạ Tẻh đưa lên ô tô để chở đi nhà máy xử lý

Chiến dịch “Làm cho thế giới sạch hơn” (gọi tắt là Chiến dịch) do Australia khởi xướng từ năm 1993 và được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc phát động trên phạm vi toàn cầu, tổ chức vào tuần thứ 3 tháng 9 hàng năm. Chiến dịch đã trở thành một sự kiện môi trường quốc tế thường niên quan trọng, thu hút sự tham gia hưởng ứng của hàng trăm triệu người và hơn 130 quốc gia. Mục tiêu của Chiến dịch là quy tụ các doanh nghiệp, nhóm cộng đồng, trường học, cá nhân và các quốc gia trên toàn cầu cùng tham gia các hoạt động cải thiện và bảo vệ môi trường, thu gom, xử lý, tái chế chất thải, phổ biến, tuyên truyền cho cộng đồng. 
 
Năm nay, tại Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã lựa chọn chủ đề hưởng ứng Chiến dịch là “Hãy hành động vì môi trường đô thị xanh, bền vững”.
 
Theo đó, ở Lâm Đồng, Phó Giám đốc Sở TN&MT Lương Văn Ngự cho biết: Ngành đã phối hợp với các địa phương tổ chức triển khai hưởng ứng trong 3 tháng qua, tính từ Ngày Môi trường thế giới 5/6 đến nay. Trong đó, đã phối hợp với Sở NN&PTNT phát động nhiều ngành và địa phương cùng ra quân góp phần bảo vệ nguồn nước hồ ĐanKia, môi trường đô thị thành phố Đà Lạt và môi trường chung ở 3 huyện: Đạ Tẻh, Đạ Huoai và Đức Trọng. Chứng kiến 3 đợt ra quân với hàng ngàn lượt người tại các điểm: hồ ĐanKia, huyện Lạc Dương; hồ Xuân Hương thành phố Đà Lạt và các xã, thị trấn huyện Đạ Tẻh, chúng tôi nhận thấy hoạt động này chỉ là “cú hích” để từ đó tạo được ý thức tự giác về bảo vệ môi trường của cộng đồng, trong đó trước hết chính từ những người trực tiếp tham gia phải thực sự là tấm gương. Thẳng thắn nhìn nhận tại buổi ra quân thu gom, xử lý rác thải nông nghiệp ở khu vực hồ ĐanKia ngày 20/8 do Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì, vẫn còn không ít người chỉ làm với hình thức còn chiếu lệ. Vì vậy, tuy có rất nhiều ngành và đơn vị tham gia nhưng nhóm hoạt động nhiệt tình, có hiệu quả nhất thuộc Sở TN&MT Lâm Đồng. Rời khỏi hiện trường sau cùng, cách cả giờ so với nhiều người trước đó, và thu gom được mấy tạ rác thải, thế nhưng Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Ngọc Phúc leo lên khỏi lòng hồ đã nói với chúng tôi: “Còn nhiều lắm, dọc bờ hồ chứ chưa nói đến phía trên các dòng suối nơi thượng nguồn. Làm không xuể anh ạ!”. Thiết nghĩ, nếu mỗi người không tự giác thể hiện trách nhiệm cao nhất của mình đối với cộng đồng thì khó lòng xây dựng được mục tiêu và ý nghĩa của một chủ trương đúng là hướng đến một xã hội văn minh - văn hóa về môi trường. 
 
Tại huyện Đạ Tẻh, trong ngày ra quân Chiến dịch 16/9, chúng tôi cũng trao đổi nhanh với Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Mạnh Việt, ông cho rằng: Huyện rất quan tâm chỉ đạo đến công tác bảo đảm, bảo vệ môi trường bền vững song song với đảm bảo môi trường cuộc sống sinh hoạt. Vì vậy, huyện chỉ đạo thu gom xử lý rác thải sinh hoạt, môi trường nói chung và môi trường sản xuất nông nghiệp nói riêng. Trước đây, trên địa bàn huyện đã đặt một số thùng thu gom rác thải tại các điểm sản xuất cánh đồng lớn, vừa rồi được sự hỗ trợ từ Sở TN&MT, Đạ Tẻh đã đặt đồng loạt các điểm trên diện rộng của tất cả các xã, thị trấn. Theo đó, đồng thời quản lý, theo dõi việc thực hiện; các tổ chức đoàn thể, các cấp, các ngành cùng tham gia và gắn với tiêu chí xây dựng nông thôn mới; xếp loại đánh giá cơ sở, địa phương; phối hợp tổ chức ra quân làm sạch môi trường, trong đó lực lượng chính là Đoàn thanh niên và các đoàn thể. “Mục đích ra quân quan trọng là tạo phong trào, ý thức trong dân chứ định kỳ đầy bể chứa thì đơn vị chuyên trách của huyện tổ chức chuyển rác về bãi tập kết để xử lý. Trước đây, ý thức thu gom của người dân chưa cao; việc phân loại rác thải ngay tại nhà và trên đồng ruộng chưa được tự giác và chưa bài bản. Bây giờ thì anh thấy đấy, họ làm tốt hơn rất nhiều rồi”, ông Việt thừa nhận. 
 
Và đợt ra quân Chiến dịch tại huyện Đạ Tẻh đã đạt được những mục tiêu mà Bộ TN&MT đặt ra như: không tổ chức mít tinh với hình thức phô trương mà triển khai các hoạt động như hỗ trợ nông dân, hộ gia đình thu gom, vận chuyển và xử lý các loại chất thải nguy hại từ hoạt động sinh hoạt hàng ngày và từ sản xuất nông nghiệp; đồng thời thu gom các loại chất thải nguy hại vô chủ tại 6 địa bàn: thị trấn Đạ Tẻh; 5 xã An Nhơn, Hương Lâm, Đạ Kho, Triệu Hải và Đạ Pal. Hoạt động được triển khai cụ thể, thiết thực và mang tính liên tục, gắn kết với chủ đề, hướng về cộng đồng, huy động tốt sự tham gia của cộng đồng. Hàng ngàn kg chất thải nguy hại được bỏ vào bao bì buộc kín và chuyển lên ô tô của Công ty TNHH MTV Môi trường Việt, tỉnh Đăk Lăk để mang về nhà máy xử lý tại tỉnh Quảng Nam. Tại điểm thu gom chất thải nguy hại, tổ trưởng dân phố 7 thị trấn Đạ Tẻh Nguyễn Văn Hùng bày tỏ với chúng tôi: Bây giờ dọc 2 bên đường chính gần các thửa ruộng đều đặt các ống bi chứa rác và bà con nông dân cũng được tuyên truyền nhiều nên các loại chai lọ, bao bì đựng thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng họ đều tự giác mang lên bỏ vào đúng nơi quy định. Càng ngày bà con càng hiểu hơn tác hại của môi trường bị ô nhiễm, trong đó người chịu ảnh hưởng đầu tiên chính là bà con lối xóm nhà mình, từ không khí, nước đến sản phẩm nông nghiệp…
 
Theo chúng tôi, sau đợt ra quân 3 tháng này, ngành TN&MT cùng các địa phương nên tổ chức sơ kết, đúc kết kinh nghiệm trong tổ chức triển khai; góp ý những nơi chưa làm tốt; đặc biệt biểu dương điển hình làm tốt đối với các cá nhân và tập thể trong cộng đồng để cùng chia sẻ và nhân rộng trên toàn tỉnh.
 
FAO XÍCH