Lâm Hà tập trung khống chế bệnh sốt xuất huyết

09:09, 21/09/2016

BSCKII Đoàn Minh Cương - Giám đốc Trung tâm Y tế Lâm Hà cho biết, hiện nay, ngành Y tế địa phương đang tập trung nguồn lực phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể triển khai các biện pháp phòng chống bệnh sốt xuất huyết (SXH). Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh cũng đã phối hợp với huyện Lâm Hà kiểm tra, giám sát và hỗ trợ ngành Y tế Lâm Hà khống chế bệnh SXH, không để bệnh dịch lan rộng.

BSCKII Đoàn Minh Cương - Giám đốc Trung tâm Y tế Lâm Hà cho biết, hiện nay, ngành Y tế địa phương đang tập trung nguồn lực phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể triển khai các biện pháp phòng chống bệnh sốt xuất huyết (SXH). Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh cũng đã phối hợp với huyện Lâm Hà kiểm tra, giám sát và hỗ trợ ngành Y tế Lâm Hà khống chế bệnh SXH, không để bệnh dịch lan rộng.
 
Phun hóa chất diệt muỗi phòng bệnh SXH tại các hộ gia đình ở các tổ dân phố có nhiều ca bệnh SXH
Phun hóa chất diệt muỗi phòng bệnh SXH tại các hộ gia đình ở các tổ dân phố có nhiều ca bệnh SXH
Hàng ngày, trên loa đài của các cụm dân cư ở thị trấn Đinh Văn đã tuyên truyền nhắc nhở tên các hộ gia đình chưa làm tốt việc vệ sinh môi trường, diệt muỗi, loăng quăng phòng bệnh SXH. Việc nêu tên trên loa, đài nhằm nhắc nhở người dân có ý thức hơn trong việc làm sạch môi trường ngay trong gia đình mình để phòng bệnh SXH tại thị trấn Đinh Văn, bởi số ca bệnh SXH của thị trấn đã tăng lên 200 ca chỉ trong thời gian ngắn. BSCK II Đồng Sĩ Quang - Trưởng Phòng nghiệp vụ Y Dược - Sở Y tế nhận định, Lâm Hà là địa phương đầu tiên trong tỉnh áp dụng biện pháp thông báo nhắc nhở tên các hộ gia đình chưa làm tốt việc diệt muỗi, loăng quăng để phòng bệnh SXH. Đó là sự khuyến cáo cần thiết trong tình hình dịch bệnh SXH đang gia tăng, để từng hộ gia đình có ý thức trách nhiệm hơn trong việc tham gia triển khai các biện pháp phòng chống SXH. 
 
Qua thống kê từ ngày 5/9 đến 15/9, Trung tâm Y tế huyện Lâm Hà phát hiện và ghi nhận thêm 21 trường hợp mắc SXH phân bố ở 8/16 xã, thị trấn, nâng tổng số ca mắc SXH từ đầu năm 2016 đến nay trên địa bàn toàn huyện là 243 ca. Theo dõi tình hình SXH toàn tỉnh Lâm Đồng đến nay, địa phương Lâm Hà đã đứng thứ 2 sau Bảo Lộc về số người mắc bệnh SXH. Tập trung chủ yếu số ca mắc ở thị trấn Đinh Văn, Nam Hà, Phi Tô, Đạ Đờn, Tân Văn, Nam Ban, Tân Hà. Tuy vậy, so với cùng kỳ tháng 8 (từ ngày 5/8 đến 15/8), số ca mắc SXH của huyện đã giảm 20 ca. Trong tổng số ca bệnh SXH cộng dồn trong toàn huyện đến 15/9 là 243 ca, thì thị trấn Đinh Văn chiếm 200 ca mắc SXH.
 
Trước tình hình này, Trung tâm Y tế Lâm Hà đã triển khai các hoạt động chuyên môn như: Thực hiện giám sát, quản lý 21/21 ca bệnh SXH mới phát hiện trong 10 ngày qua; phun hóa chất diệt muỗi lần 2 tại 2 ổ dịch nhỏ ở các tổ dân phố Gia Thạnh và Kô Za (thị trấn Đinh Văn) với tổng số hộ được phun hóa chất tại 2 tổ dân phố là 234 hộ. Giám sát điều tra côn trùng tại Tổ dân phố Hòa Bình (thị trấn Đinh Văn) - nơi ổ dịch nhỏ mới xuất hiện trong tuần và thực hiện công tác diệt loăng quăng trước phun hóa chất tại tổ dân phố Hòa Bình. Tiến hành phun hóa chất diệt muỗi 2 lần tại tổ dân phố Hòa Bình, với tổng số hộ gia đình được phun hóa chất 156 lượt hộ. Đồng thời, Ban chỉ đạo (BCĐ) Chăm sóc sức khỏe nhân dân của huyện và lãnh đạo Sở Y tế, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh đã trực tiếp kiểm tra công tác phòng chống SXH tại ổ dịch mới ở Tổ dân phố Hòa Bình. 
 
Bên cạnh các biện pháp can thiệp chuyên môn để khống chế dịch SXH tại Đinh Văn - Lâm Hà, là hoạt động đẩy mạnh tuyên truyền gắn kết với trách nhiệm của BCĐ chăm sóc sức khỏe nhân dân của cơ sở, phân công cán bộ chủ chốt ở các xã, thị trấn, các tổ dân phố trong việc giám sát, kiểm tra và có biện pháp xử lý đối với những hộ gia đình không chấp hành nghiêm việc diệt loăng quăng, vệ sinh môi trường. Tổ chức cho nhân dân ở các tổ dân phố ký cam kết tham gia chiến dịch diệt loăng quăng phòng bệnh SXH. Hàng tuần, các giám sát viên trong BCĐ sẽ tới giám sát, kiểm tra hộ gia đình nếu phát hiện thấy có loăng quăng thì nhắc nhở. Nếu nhắc nhở mà vẫn không có chuyển biến thì nêu tên hộ gia đình trên loa, đài. Trong đó tiến hành thông báo, nêu tên nhắc nhở thường xuyên, liên tục nhà nào hiện nay vẫn còn muỗi nhiều, còn loăng quăng nhiều và đề nghị quan tâm vệ sinh, diệt loăng quăng, không để các thành viên trong gia đình mắc bệnh SXH. Bên cạnh đó, đoàn giám sát còn phân công cụ thể trách nhiệm của cán bộ xã, thị trấn, tổ dân phố phụ trách từng nhà; hàng tuần giám sát, kiểm tra nếu có loăng quăng thì tích cực kết hợp với hộ dân xử lý làm sạch môi trường. Được biết, địa phương hỗ trợ kinh phí động viên cho đội quân làm công việc đi từng hộ gia đình vận động phòng chống SXH (gọi là vãng gia). 
 
Giám đốc Trung tâm Y tế Lâm Hà - BSCKII Đoàn Minh Cương cho biết: Trung tâm tiếp tục chỉ đạo các trạm y tế, y tế thôn bản, cộng tác viên phối hợp với tổ trưởng các tổ dân phố thực hiện vãng gia hộ gia đình, tuyên truyền hướng dẫn nhân dân diệt muỗi, diệt loăng quăng. Tiến hành điều tra các ca bệnh phát hiện mới trong tuần theo quy định, điều tra côn trùng và xử lý ổ dịch nhỏ tại Tổ dân phố Hòa Bình.Thực hiện giám sát công tác phòng chống SXH tại các xã, thị trấn trong huyện và tăng cường phối hợp với các trường học ở các cấp trên địa bàn (tiểu học, THCS, THPT) tuyên truyền về phòng chống SXH.
 
AN NHIÊN