Nghệ nhân nữ hiếm hoi của tranh bút lửa

08:09, 22/09/2016

Dòng tranh bút lửa truyền thống Đà Lạt một thời tưởng chừng mai một vì thiếu truyền nhân, đến một ngày bất ngờ xuất hiện những người thuộc thế hệ 8X tiếp nối. Điều đặc biệt, trong số đó có một nghệ nhân nữ hiếm hoi dành tình yêu cho dòng tranh này. 

Dòng tranh bút lửa truyền thống Đà Lạt một thời tưởng chừng mai một vì thiếu truyền nhân, đến một ngày bất ngờ xuất hiện những người thuộc thế hệ 8X tiếp nối. Điều đặc biệt, trong số đó có một nghệ nhân nữ hiếm hoi dành tình yêu cho dòng tranh này. 
 
Xưa nay nói đến tranh bút lửa người Đà Lạt chỉ nghĩ đó là công việc của nghệ nhân nam. Vì ít nhiều để làm nên những sản phẩm mỹ nghệ mang đậm nét đặc trưng Đà Lạt này, ngoài khả năng hội họa, tạo hình, còn là những kỹ năng về điện đóm, cưa xẻ (những chất liệu, nguyên liệu để làm tranh). Thế mà Huỳnh Thị Hà (sinh 1983) lại “lao” vào sống với nghề bằng cả niềm yêu thích, say mê. 
 
Nghệ nhân Huỳnh Thị Hà trong một lần trình diễn vẽ con người bằng bút lửa trước công chúng
Nghệ nhân Huỳnh Thị Hà trong một lần trình diễn vẽ con người bằng bút lửa trước công chúng

Không sinh ra ở Đà Lạt, cô gái có vóc người mỏng mảnh, nhỏ nhắn sinh ra, lớn lên ở Tánh Linh - Bình Thuận. Mất mẹ từ nhỏ, Hà cùng 2 anh chị trên mình ở với cha, cha đi bước nữa và sinh thêm hai em cùng với mẹ kế. Từ nhỏ, Hà đã rất thích vẽ, cũng không có khái niệm về năng khiếu gì, những buổi học, rảnh rỗi là vẽ, nên bìa tập vở của em thường không còn nguyên vẹn vì giật ra làm giấy vẽ mỗi khi thấy “ngứa tay”. Tất cả cỏ, cây, hoa, lá, chân dung bạn bè cùng học em đều vẽ bằng bút chì, bút mực theo kiểu “bạ gì vẽ đấy” và được bạn bè ngợi khen. Mẹ kế của em đau bệnh một thời gian rồi cũng qua đời. Một mình cha phải gồng gánh nuôi 5 đứa con của cả hai người vợ, Hà đành nghỉ học nửa chừng. Năm 2000, khi mới 17 tuổi, em theo bè bạn lên Đà Lạt, sẵn có khả năng hội họa, em vào làm việc cho Công ty XQ và trở thành nghệ nhân chuyên phác họa các tác phẩm tranh thêu. Dù không được học hành bài bản, chưa qua trường lớp nào về hội họa, đến với nghề đơn giản là dùng khả năng mình có để kiếm sống, Huỳnh Thị Hà vẽ bằng sự yêu thích và xúc cảm, nên từng đường nét đều có hồn như chính cuộc sống vậy. Mỗi ngày một thêm tuổi, sợ phải lấy chồng xa nhà, Hà trở về Bình Thuận lấy chồng để được ở gần chăm sóc bố khi tuổi già. 
 
Như có duyên nợ với Đà Lạt, một ngày em bế đứa con gái đầu lòng trên tay trở lại Đà Lạt để tiếp tục được vẽ. Cách đây 3 năm, lần đầu tiên em cầm đến bút lửa... vẽ chân dung con người, họ là những người bạn, khách hàng của Công ty XQ. Lúc ấy, chiếc “bút” còn chưa cải tiến như bây giờ, có “ngòi” to như mỏ hàn, chỉ quệt sơ ý là cả vệt đen sì, cháy sém. Bút to và nặng em phải cầm bằng cả 2 tay, rất khó điều khiển, nhưng em đã thận trọng vẽ. Từ bức chân dung một vị khách, được đồng nghiệp đánh giá cao, Hà bắt đầu “mê” bút lửa. Không chỉ dùng bút lửa vẽ phong cảnh, vẽ thư pháp, Hà còn viết nên những ý niệm đẹp về đạo lý, tình người trên gỗ, Hà cảm thấy được đặc tả, ký họa chân dung con người làm em cảm thấy thích thú hơn cả. Theo Hà, con người không ai giống ai, mỗi người đều có nét riêng, muốn vẽ cho giống không chỉ nhìn sơ qua bề ngoài mà phải nhìn thấu vào tận nội tâm bên trong, nắm bắt thần thái thì mới toát nên được chân dung của chính ai đó. Tuy nhiên, thể hiện chân dung con người thành công bằng các loại chất liệu như chì, màu nước, sơn dầu… đã khó, nhưng bằng bút lửa còn khó hơn. Vì khi đã đặt bút là không thể tẩy xóa, sửa lại được. Nhưng càng khó, Hà càng muốn chinh phục. 
 
Là nghệ nhân nữ duy nhất trong nhóm nghệ nhân tạo nên không gian chân dung các nghệ sĩ Lâm Đồng và những người bạn của XQ bằng bút lửa, nữ nghệ nhân trẻ Huỳnh Thị Hà đã thể hiện thành công chân dung nhiều nghệ sĩ tên tuổi của thành phố hoa. Cô đặc biệt thích vẽ người cao tuổi vì có những đường nét, mà ai đó vẫn gọi là “nếp gấp thời gian” thể hiện chiều sâu bên trong từng bức chân dung. Không chỉ được du khách ngưỡng mộ tài nghệ vẽ chân dung con người bằng một chất liệu đặc biệt, mà cô còn được chính những họa sĩ, những người trong nghề am hiểu về nghệ thuật truyền thần ngưỡng mộ. Đến thăm lại không gian mà Công ty XQ dành cho giới “nghệ sĩ thành phố tôi”, họa sĩ Vi Quốc Hiệp bắt gặp bức chân dung với nụ cười hào sảng của mình do bàn tay của nghệ nhân Huỳnh Thị Hà chạm bút lửa, ông không khỏi thích thú và đánh giá rất cao khả năng của Hà. 
 
Chân dung họa sĩ Vi Quốc Hiệp với nụ cười hào sảng do nghệ nhân Huỳnh Thị Hà thể hiện được chính họa sĩ trân trọng và đánh giá cao
Chân dung họa sĩ Vi Quốc Hiệp với nụ cười hào sảng do nghệ nhân
Huỳnh Thị Hà thể hiện được chính họa sĩ trân trọng và đánh giá cao

Ngoài là nghệ sĩ vẽ những tác phẩm tranh thêu cho Công ty tranh thêu tay XQ, đêm về Hà lại dành thời gian cho tranh bút lửa. Trong căn phòng trọ của hai mẹ con ở đường Phạm Hồng Thái (P.10 - Đà Lạt), cuộc sống không hề tẻ nhạt bởi những tác phẩm luôn chờ người “đốt nóng”, ở đó là thế giới của tranh bút lửa, những đường nét nâu trầm như thủy mặc. Cũng với bình acquy điện 220V, cũng chiếc bút lửa đã được cải tiến cho thon gọn hơn, bàn tay nhỏ nhắn của Hà như điệu nghệ hơn, tài tình hơn khi miết ngòi điện tạo nên từng sợi tóc, hằn vào từng nếp nhăn chân dung những con người. Thi thoảng một làn khói trắng nhẹ tỏa vào không gian, mùi thơm dìu dịu của gỗ bạch tùng (trắng và mịn). Rất nhiều du khách đặt Hà vẽ chân dung mình bằng bút lửa, thấy đẹp, họ lại giới thiệu cho bạn bè nên em làm không hết việc. 
 
Đến với nghệ thuật như một duyên nghiệp, coi nghệ thuật tạo hình đơn thuần là dùng khả năng của mình để làm nghề kiếm sống, nhưng khi đã cầm đến bút, Hà vẽ bằng cả yêu thích, mê say, không tính đếm. Đôi tay cầm bút lửa kết hợp với óc quan sát nhạy cảm, sự tinh tế của nữ giới khiến những sản phẩm mô tả chân dung con người của Hà có hồn, sống động. Sức trẻ và sự sáng tạo, nữ nghệ nhân Huỳnh Thị Hà đang góp thêm một nét bút riêng biệt vào nghệ thuật chạm khắc bút lửa, góp phần làm sống lại một nghề truyền thống vốn đang rất ít người kế thừa.
 
QUỲNH UYỂN