Người cựu thanh niên xung phong và giấc mơ về một làng hoa

08:09, 26/09/2016

Câu chuyện lập nghiệp của người cựu thanh niên xung phong Trần Ngọc Hòa (thôn Măng Line, phường 7, TP Đà Lạt). 

Trong câu chuyện lập nghiệp của người cựu thanh niên xung phong (TNXP) Trần Ngọc Hòa (thôn Măng Line, phường 7, TP Đà Lạt), bên cạnh kí ức về những năm tháng hào hùng cống hiến sức trẻ cho đất nước và những khó khăn trong ngày đầu đến với mảnh đất Lâm Đồng, còn có một ước mơ mà ông vẫn luôn ấp ủ và đang từng bước thực hiện, đó là lập nên một làng hoa mang tên Thái Bình ngay giữa lòng Đà Lạt.
 
Hơn 2 ha đất được ông Trần Ngọc Hòa xây dựng nhà kính, trồng hoa theo hướng công nghệ cao
Hơn 2 ha đất được ông Trần Ngọc Hòa xây dựng nhà kính, trồng hoa theo hướng công nghệ cao

Hoa không phụ công người
 
Trong vườn hoa cúc vàng rực đang đến ngày thu hoạch, người đàn ông năm nay đã 67 tuổi vẫn nhanh nhẹn cùng các nhân công cắt cành,  gói hoa. Ông xởi lởi: “Cây hoa đã gắn bó với tôi từ những ngày đầu vào Đà Lạt, bây giờ con cháu có bảo nghỉ làm tôi cũng không chịu được. Ngày nào cũng phải ra vườn thăm hoa như thăm người thân của mình”. Và, hành trình từ một con người hoàn toàn lạ lẫm với cây hoa trở thành một điển hình tiên tiến sản xuất hoa giỏi được vinh danh tại Fetival Hoa Đà Lạt lần thứ 6 vào cuối năm 2015 vừa rồi là một con đường của  sự nỗ lực, cần cù, sáng tạo, theo như ông nói thì: “Chỉ cần mình có quyết tâm thì hoa không  bao giờ phụ công người.”
 
Sinh ra và lớn lên trên “quê hương 5 tấn” Thái Bình, chàng thanh niên Trần Ngọc Hòa sớm thừa hưởng đức tính cần cù, chịu khó khi cùng bố mẹ, ông bà thực hiện khẩu hiệu “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” để đưa đến tiền tuyến giải phóng miền Nam. Đầu năm 1972, ông tham gia TNXP, góp sức trẻ vào cuộc mở đường Trường Sơn lịch sử, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chính những năm tháng trẻ tuổi hào hùng đã hình thành trong ông những đức tính tốt đẹp của một người “Bộ đội Cụ Hồ”, giúp ông có đủ niềm tin và nghị lực để vượt qua những năm tháng khó khăn sau này.
 
Đất nước hòa bình, ông ra quân, trở về vùng quê Yên Thế, Thái Bình và  bắt đầu xây dựng kinh tế gia đình. Ruộng đất ít, khí hậu lại khắc nghiệt nên cây trồng liên tục mất mùa. Ông loay hoay xoay xở nhưng gia đình 7 miệng ăn cũng chỉ đủ cơm rau muối sống qua ngày. Thấy Đà Lạt là một vùng đất mến người, có tiềm năng phát triển kinh tế, ông một thân một mình tìm vào vùng đất mới,  đem theo hi vọng về một tương lai xán lạn hơn. Những ngày đầu, ông xin làm thuê cuốc mướn cho các vườn hoa, vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm trồng hoa từ các chủ vườn và tích cóp vốn. Thấy ông là đàn ông nhưng lại chịu thương chịu khó, ham học hỏi, các chủ vườn không ngại chia sẻ cách trồng hoa, chăm hoa. Tới năm 2000, ông về quê đưa vợ con vào Đà Lạt làm ăn. Qua nghiên cứu, ông quyết định thuê đất, bắt đầu vun xới những gốc hoa đầu tiên. Từ số vốn ít ỏi ban đầu với diện tích đất 250 m 2, gia đình ông dần tích lũy được vốn và mở rộng diện tích. Đầu tư trồng hoa theo hướng công nghệ cao, hiện tại, gia đình ông đã có 2,5 ha trồng hoa trong nhà kính, giải quyết việc làm thường xuyên cho 10 lao động với thu nhập ổn định . Sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình thu được trên dưới 2 tỷ đồng, tạo dựng được uy tín trên thị trường hoa Đà Lạt.
 
Giấc mơ một làng hoa
 
Biết rằng Đà Lạt là vùng đất có  tiềm năng phát triển kinh tế, ông bắt đầu giúp đỡ các cháu, anh em nội ngoại, bạn bè từ quê cùng vào làm ăn. Những người có vốn, ông giúp thuê đất trồng hoa, giúp nhận nợ vật tư nhà kính, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật,... Còn với những ai chưa có điều kiện, ông lại giúp đỡ bằng cách tạo công ăn việc làm ngay trong chính vườn nhà, cho thu nhập ổn định. Đến thời điểm hiện tại, ông đã đưa được hơn 60 hộ vào phường 7, Đà Lạt làm ăn, sinh sống, trong đó có hơn 200 lao động chính với tổng diện tích khoảng 25 ha nhà kính trồng hoa. Ông Nguyễn Bá Đấu - một đồng hương được ông Trần Ngọc Hòa giúp đỡ chia sẻ: “Tôi vốn là thương binh, không lao động nặng được nên hoàn cảnh gia đình khó khăn, điều kiện kinh tế còn nhiều thiếu thốn. Năm 2014, tôi được bác Hòa giúp đỡ, đưa vào Lâm Đồng, tạo điều kiện để thuê đất. Hiện tại, với diện tích đất trồng hoa cúc, gia đình tôi đã có thu nhập ổn định, không còn đói khổ nữa”.
 
Không chỉ sản xuất hoa giỏi, cách làm sáng tạo và thường xuyên đổi mới, ông Trần Ngọc Hòa còn tham gia nhiệt tình vào  công tác xã hội tại địa phương. Năm 2011, ông thành lập Hội đồng hương Thái Bình tại phường 7, xây dựng quỹ 100.000 đ/ năm/hộ, thăm hỏi các cụ tứ thân phụ mẫu lúc ốm đau hoặc quá cố và xây dựng sân chơi lành mạnh cho các cháu thiếu niên nhi đồng trong hội, động viên, khuyến khích các cháu học tập tốt. Ngoài ra, ông còn tham gia vào Hội Cựu TNXP tỉnh Lâm Đồng, là Ủy viên BCH Hội Cựu TNXP TP Đà Lạt.
 
Ở tuổi 67, người cựu TNXP này vẫn còn nhiều trăn trở với cây hoa, mà một trong số đó là  ước nguyện thành lập một mô hình làm nông nghiệp công nghệ cao do Hội Cựu TNXP kết hợp với Đoàn TNCS Hồ Chí Minh các cấp thực hiện để gây quỹ giúp cho những hội viên khó khăn có việc làm, giúp cho con cháu thoát nghèo bền vững. Và, giấc mơ về một làng hoa Thái Bình tại phường 7, TP Đà Lạt vẫn luôn là một giấc mơ lớn trong ông, với mong muốn những cành hoa do người Thái Bình tại Đà Lạt trồng ra sẽ được tỏa đến 3 miền đất nước và vươn ra nước ngoài. Ước nguyện đó vẫn đang được ông cùng những người bà con đồng hương hàng ngày nỗ lực để biến thành sự thật.
 
VIỆT QUỲNH