Nỗ lực đẩy lùi hủ tục lạc hậu

08:09, 21/09/2016

Một trong những vấn đề quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Đạ Sar là xóa bỏ hủ tục lạc hậu. Tháng 10/2015, Đảng ủy xã đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về việc cưới, việc tang, xây dựng nếp sống văn minh... 

Đồng chí Bùi Quốc Huân - Bí thư Đảng ủy xã Đạ Sar cho biết: Một trong những vấn đề quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Đạ Sar là xóa bỏ hủ tục lạc hậu. Bởi thế vào tháng 10/2015, Đảng ủy xã đã ban hành Nghị quyết chuyên đề trong việc thực hiện việc cưới, việc tang, xây dựng nếp sống văn minh trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2015 - 2020. 
 
Xóa bỏ hủ tục, người dân Đạ Sar chăm lo phát triển kinh tế
Xóa bỏ hủ tục, người dân Đạ Sar chăm lo phát triển kinh tế
Thực hiện thí điểm, không làm tràn lan
 
Trong những câu chuyện với ông Kra Jăn Ha Đời (71 tuổi) - người uy tín, nguyên là Bí thư Đảng ủy xã Đạ Sar về mảnh đất này nhiều năm về trước, chúng tôi đã được nghe những câu chuyện về nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết, việc ép cưới, thách cưới cao; việc tang ma, người chết để lâu trong nhà, ăn uống linh đình tốn kém, mê tín dị đoan, chữa bệnh bằng cách cúng bái... Đã có một thời gian dài bà con nơi đây sống trong mê muội, lạc hậu. Có lẽ đó là một trong những lý do để câu chuyện của ông Ha Đời về người dân Đạ Sar thời điểm ấy luôn gắn với chữ nghèo.
 
Để triển khai thực hiện có hiệu quả nghị quyết chuyên đề này, Đảng ủy xã Đạ Sar tiến hành xóa bỏ hủ tục lạc hậu theo phương châm “thực hiện thí điểm ở một thôn, sau đó nhân rộng ra toàn xã, không thực hiện tràn lan”. Và, thôn 4, xã Đạ Sar đã được chọn để thực hiện thí điểm nhiệm vụ này. Đây là thôn hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi. Trong đó quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người. Bí thư thôn hiện là nguyên Bí thư Đoàn xã nên rất năng động, nhiệt huyết, trách nhiệm. Trưởng thôn 4 làm việc hiệu quả, đội ngũ già làng, người có uy tín trên địa bàn thôn khá lớn và đặc biệt người dân của thôn cần cù, chịu khó trong lao động sản xuất.
 
Anh Liêng Jrang Ha Than người dân thôn 4, xã Đạ Sar nói: “Trước đây, mỗi lần nhà có đám cưới hay tang ma bà con lại phải vay mượn khắp nơi, hoặc ký nợ ở các đại lý thu mua để vay nợ và đến mùa phải bán cà phê giá rẻ. Bởi thế cái nghèo đói cứ bám dai dẳng, triền miên từ đời này qua đời khác. Mọi chuyện thay đổi từ khi có cán bộ xã, thôn tuyên truyền cho bà con hiểu và xóa bỏ hủ tục, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, xây dựng cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc”. 
 
Xóa dần hủ tục
 
Sự thay đổi của đồng bào DTTS ở Đạ Sar trong việc nâng cao nhận thức để tiếp thu cái mới, loại bỏ những tập tục lạc hậu đã góp phần vào sự phát triển chung của địa phương. Tính theo tiêu chí hộ nghèo mới, hiện Đạ Sar có 136 hộ nghèo, chiếm 14,1%. Thu nhập bình quân đầu người cuối năm 2015 đạt 30 triệu đồng/người/năm. 

Xác định rõ, thay đổi tập quán của bà con DTTS không phải là việc ngày một ngày hai và vấn đề cốt lõi đó là nâng cao nhận thức của nhân dân, nên cấp ủy, chính quyền xã Đạ Sar đã đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của người dân. Theo đó, Đảng bộ xã đã phân công trách nhiệm cho cán bộ phối hợp với lãnh đạo thôn tuyên truyền, vận động bà con thực hiện tốt các nghị quyết, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tự giác xóa bỏ các hủ tục lạc hậu.

Chị Liêng Ja Jrang Di Gân - Bí thư Chi bộ thôn 4 cho biết: Lãnh đạo thôn đã thực hiện cùng lúc nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động, huy động cả hệ thống chính trị, đặc biệt là tranh thủ sự ủng hộ và nêu cao vai trò của già làng, trưởng bản, người uy tín trong cộng đồng, trong dòng họ… để xóa bỏ dần những hủ tục, của người dân như tảo hôn, mê tín dị đoan, hiếu, hỷ dài ngày... Trong các buổi họp thôn, lãnh đạo thôn và cán bộ xã trực tiếp dự và tuyên truyền, vận động để người dân hiểu về tác hại của mê tín dị đoan, bệnh tật phải tới cơ sở y tế khám chữa bệnh, phải làm giấy khai sinh và cho con đến trường đầy đủ…; đồng thời tuyên truyền tới bà con các luật liên quan như Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Dân sự, hình sự... 
 
“Để bài trừ các hủ tục lạc hậu hiệu quả, cùng với công tác tuyên truyền, thì việc nêu cao vai trò, trách nhiệm và tính gương mẫu của cán bộ, đảng viên luôn có một ý nghĩa quan trọng. Bởi tâm lý của phần đông đồng bào các DTTS là chỉ tin vào những điều “mắt thấy, tai nghe”. Do đó, những việc làm gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong xóa bỏ tập quán lạc hậu, xây dựng văn hóa mới sẽ có giá trị thuyết phục to lớn trong vận động bà con làm theo” - Bí thư Chi bộ thôn 4 nói.
 
Sau một năm triển khai, Bí thư Đảng ủy xã cũng đã tự tin khẳng định: “Riêng trên địa bàn thôn 4 hầu như đã không còn hủ tục, nếp sống văn minh đã hình thành trong vùng đồng bào DTTS”. Từ thôn 4, phong trào này đã dần lan tỏa ra toàn xã. Nhờ vậy đến nay, trên địa bàn tục thách cưới, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết, tục chữa bệnh bằng cúng bái… đã không còn. Tục đám tang để lâu ngày, việc tổ chức ăn uống linh đình trong đám cưới, đám tang gây lãng phí tiền của và ảnh hưởng tới sức khỏe của nhân dân cũng dần được khắc phục. 
 
Việc xóa bỏ hủ tục lạc hậu cũng chính là bước tiến vững chắc trong việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa.
 
NGỌC NGÀ