Phát triển vận động cho trẻ trong trường mầm non

08:09, 20/09/2016

Qua 3 năm học triển khai trên địa bàn huyện Đức Trọng, chuyên đề "Nâng cao chất lượng giáo dục phát triển vận động cho trẻ trong trường mầm non" đã góp phần giúp trẻ mầm non phát huy tốt khả năng vận động và phối hợp vận động.

Qua 3 năm học triển khai trên địa bàn huyện Đức Trọng, chuyên đề “Nâng cao chất lượng giáo dục phát triển vận động cho trẻ trong trường mầm non” đã góp phần giúp trẻ mầm non phát huy tốt khả năng vận động và phối hợp vận động. Từ đó, trẻ mạnh dạn, tự tin, có ý thức kỷ luật hơn khi tham gia các hoạt động thể chất, đáp ứng mục tiêu của chương trình giáo dục mầm non đối với các độ tuổi.
 
Một tiết học vận động ngoài trời của các em Trường Mầm non Liên Hiệp
Một tiết học vận động ngoài trời của các em Trường Mầm non Liên Hiệp

Trong một tiết học phát triển vận động của lớp 4-5 tuổi, trường Mầm non Liên Hiệp (xã Liên Hiệp), dưới sự hướng dẫn của giáo viên, các em thực hiện các vận động theo từng chủ đề khá tự tin, đồng thời biết khéo léo phối hợp vận động cùng nhau Hiệu phó nhà trường, cô giáo Phan Thị Hà cho biết: Chuyên đề “Nâng cao chất lượng giáo dục phát triển vận động cho trẻ trong trường mầm non” đã giúp cho công tác giáo dục vận động của nhà trường được thực hiện bài bản, chất lượng hơn. Bên cạnh những trang thiết bị được cấp phát, nhà trường còn tích cực chỉ đạo giáo viên làm thêm các đồ dùng, đồ chơi tự tạo từ thiên nhiên, hoặc những phế liệu an toàn như làm cà kheo bằng gỗ hoặc bằng vỏ dừa; gậy thể dục bằng ống nước... Mặt khác, khu vui chơi ngoài trời cũng được trường sắp xếp hợp lý, bố trí khoa học, sử dụng hiệu quả, thuận tiện để trẻ vui chơi.
 
Tại Trường Mầm non Họa Mi (thị trấn Liên Nghĩa), xác định được vị trí quan trọng của mục tiêu giáo dục phát triển vận động cho trẻ trong trường mầm non, từ khi bắt tay triển khai chuyên đề, Ban giám hiệu nhà trường đã thống nhất xây dựng kế hoạch chi tiết; phác thảo mô hình các khu hoạt động ngoài trời và các thiết bị, đồ dùng phục vụ cho hoạt động của trẻ. Đồng thời, nhà trường đã chỉ đạo các giáo viên làm đồ chơi từ phế liệu và các vật liệu rẻ tiền. Song song với đó, Ban giám hiệu cũng thông báo đến phụ huynh học sinh về việc thực hiện chuyên đề, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc thực hiện giáo dục phát triển vận động trong trường mầm non, cũng như liệt kê các nguyên vật liệu cần thiết cho việc làm đồ chơi phục vụ cho vận động và kêu gọi sự ủng hộ của phụ huynh. “Qua đó, chúng tôi đã được phụ huynh nhiệt tình ủng hộ các nguyên vật liệu như: lốp xe cũ, ống nước cũ, dây thừng, vải vụn, mùn cưa, sơn... Từ những vật liệu tưởng chừng như bỏ đi đó, giáo viên chúng tôi đã làm thành các đồ chơi ý nghĩa cho trẻ như: Làm hệ thống cổng chui, ống chui nhằm phát triển cơ tay và cơ chân cho trẻ; làm cầu dao động cho trẻ phát triển cơ chân và rèn giữ khả năng thăng bằng; làm thang leo giúp trẻ phát triển khả năng vận động, rèn sự khéo khóe, nhanh nhẹn và bền bỉ khi luyện tập...” - cô Ngô Thị Ngọc - Hiệu trưởng nhà trường cho biết thêm.
 
Không riêng Trường Mầm non Liên Hiệp hay Họa Mi, rất nhiều cơ sở giáo dục khác trên địa bàn huyện cũng thực hiện tốt chuyên đề này như Mầm non Hoàng Anh, Mẫu giáo Vành Khuyên, Mẫu giáo Tân Hội, Mẫu giáo Bình Thạnh... Theo ông Phạm Quang Thái, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đức Trọng, thực hiện chuyên đề trên, 100% các trường trong huyện đã chú ý nâng cấp sân chơi, bãi tập cho trẻ hoạt động thể chất như: Đổ bê tông, trồng cỏ tạp thành sân chơi, bãi tập đảm bảo cho trẻ vận động an toàn và đảm bảo thẩm mỹ cảnh quan trong trường. Ngoài ra, Phòng cũng chỉ đạo các trường mầm non xây dựng môi trường hoạt động trong lớp phù hợp với từng độ tuổi; đặt những vật liệu và dụng cụ vừa tầm với trẻ để trẻ dễ dàng lấy và thực hiện bài tập theo yêu cầu. Bên cạnh những trang thiết bị được cấp, các trường luôn chú trọng trang bị một số dụng cụ, đồ chơi để trẻ tham gia các trò chơi dân gian cho trẻ như: kéo co, ô ăn quan, thảy vòng, lò cò... để trẻ tham gia tốt giờ hoạt động vận động ngoài trời và hoạt động mọi lúc, mọi nơi. Đến nay, 100% các trường có tổ chức thi làm đồ dùng dạy học và tham gia hội thi do huyện tổ chức; 100% các trường tham gia hội khỏe măng non cấp cụm, huyện; 100% các trường có quy hoạch khu vực sân chơi phát triển vận động cho trẻ; 100% các lớp đều có góc vận động cho trẻ...
 
Qua đánh giá của Phòng Giáo dục - Đào tạo, sau 3 năm thực hiện, chuyên đề đã giúp trẻ rèn luyện và phát triển tốt về thể chất, hứng thú và thích tham gia vào các hoạt động tập thể. Đồng thời, trẻ cũng tự tin hơn trong giao tiếp; khả năng phát triển nhận thức, ngôn ngữ, tình cảm, kỹ năng xã hội, thẩm mỹ của trẻ được nâng lên rõ rệt. Bên cạnh đó, nhận thức của đội ngũ giáo viên cũng thay đổi; được bồi dưỡng và nâng cao chuyên môn trong việc thực hiện nội dung, phương pháp, hạn chế sự gò bó và máy móc trong tổ chức các hoạt động giáo dục phát triển vận động cho trẻ.
 
THY VŨ