Rừng ở Đạ Tẻh: Vi phạm giảm nhưng vẫn diễn biến phức tạp

08:09, 21/09/2016

9 tháng năm 2016 số vụ vi phạm Luật BV&PTR ở huyện này giảm so 9 tháng năm 2015 hơn 20%, nhưng tình hình vi phạm Luật còn những diễn biến phức tạp.  

Ông Nguyễn Ngọc Toán - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đạ Tẻh xác nhận với PV Báo Lâm Đồng: Đối với địa bàn huyện Đạ Tẻh, vụ án phá rừng nghiêm trọng xảy ra ở Thủy điện Đồng Nai 5 không có cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh lâm sản nào liên quan. Đó là điều đáng mừng và 9 tháng năm 2016 số vụ vi phạm Luật BV&PTR ở huyện này giảm so 9 tháng năm 2015 hơn 20%, nhưng tình hình vi phạm Luật còn những diễn biến phức tạp.  
 
Tang vật xe và gỗ được Hạt Kiểm lâm Đạ Tẻh đang giữ trong vòng 30 ngày để chờ người đến nhận và xử lý
Tang vật xe và gỗ được Hạt Kiểm lâm Đạ Tẻh đang giữ trong vòng 30 ngày để chờ người đến nhận và xử lý
Vi phạm giảm 20%
 
Về phòng cháy chữa cháy rừng, 9 tháng đầu năm 2016, tại địa bàn huyện Đạ Tẻh đã xảy ra 5 vụ cháy rừng, đều thuộc lâm phần của chủ rừng là Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đạ Tẻh quản lý. Tổng diện tích rừng bị cháy 11 ha; trong đó, 3 vụ tại xã Mỹ Đức gồm 2 ha rừng hỗn giao lồ ô - cây gỗ nhỏ và 1 ha rừng trồng keo tai tượng; 1 vụ tại xã Quốc Oai với 2,8 ha rừng trồng sao đen năm 1998; và 1 vụ tại xã Quảng Trị với 5,2 ha rừng hỗn giao lồ ô - cây gỗ nhỏ. Ngoài ra, tại xã Triệu Hải xảy ra 1 vụ cháy rừng cao su trồng năm 2011 của Công ty TNHH đầu tư sản xuất Ánh Quang quản lý. Đáng quan tâm là mức độ thiệt hại chỉ có 2 vụ xảy ra ở Quốc Oai và Quảng Trị khoảng 10%, còn 4 vụ đều ở mức 100% và đặc biệt đến nay cả 6 vụ nguyên nhân cháy chưa xác định được. Vì vậy, rất cần thiết các ngành chức năng như kiểm lâm, công an, chủ rừng và chính quyền địa phương phối hợp kiên quyết, kịp thời tìm nguyên nhân, đặc biệt là đối tượng vi phạm để không chỉ phòng ngừa mà còn răn đe ngăn chặn hiệu quả, xử lí nghiêm minh theo luật pháp.   
 
Theo Hạt trưởng Nguyễn Ngọc Toán, tình trạng phá rừng, vận chuyển lâm sản trái phép trên địa bàn huyện Đạ Tẻh hiện chủ yếu tập trung tại một số khu vực cụ thể như phá rừng tại tiểu khu (TK) 571 xã Triệu Hải; TK 550, 525 xã Quốc Oai; còn vận chuyển thì theo tỉnh lộ 725 xã Mỹ Đức. Đến ngày 10/9/2016, 9 tháng đầu năm và 20 ngày cuối năm 2015, tổng số vụ vi phạm Luật BV&PTR ở Đạ Tẻh đã phát hiện và lập biên bản 139 vụ, giảm 35 vụ (hơn 20%) so với cùng kỳ. Trong đó, đáng chú ý là khai thác gỗ 1 vụ; khai thác rừng 9 vụ (lâm sản thiệt hại gần 53 m 3); phá rừng 24 vụ (thiệt hại hơn 29 ha); vận chuyển 38 vụ (34 m 3 gỗ xẻ, 16 m 3 gỗ tròn thông thường và 1 cá thể cầy hương 1,5 kg); mua, bán, cất giữ, chế biến kinh doanh 50 vụ (gần 72,7 m 3 gỗ xẻ và gần 16,2 m 3 gỗ tròn)… Theo đó, đã xử lý 99 vụ (có 3 vụ khởi tố); tang vật thu hơn 100 m 3 gỗ xẻ thông thường, hơn 1m 3 gỗ xẻ quý hiếm, hơn 48 m 3 gỗ tròn thông thường và 2 cá thể động vật với 7,5 kg; cùng đó là 32 xe máy và 14 chiếc cưa xăng…
 
Những vấn đề đặt ra
 
Trong 9 tháng qua, tình hình thực hiện Luật BV&PTR ở huyện Đạ Tẻh đã được cấp ủy, chính quyền và các ngành chức năng ở đây triển khai đạt nhiều hiệu quả tích cực hơn so với những năm trước đây. Rõ nhất là sự quan tâm chỉ đạo sâu sát, thường xuyên của Huyện ủy, UBND huyện; sự phối kết hợp của các cơ quan Công an huyện, Huyện đội, chủ rừng, UBND các xã đồng bộ và công tác tuyên truyền trong cộng đồng bằng nhiều hình thức… là những mặt cần ghi nhận và phát huy. 
 
Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận nghiêm túc những tồn tại để tiếp tục cả hệ thống chính trị cùng khắc phục, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị quan trọng là BV&PTR. Đó là việc ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm chưa triệt để, vẫn còn sự nể nang. Công tác tuyên truyền bảo vệ rừng (BVR) chưa thường xuyên, chưa liên tục và nội dung chưa phong phú. Vấn đề giao khoán BVR từ nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng vẫn chưa đạt hiệu quả cao; tình trạng phá rừng, khai thác gỗ trái phép trên diện tích rừng giao khoán bảo vệ vẫn xảy ra. Những tồn tại và hạn chế tại nhiều doanh nghiệp rất cần chấn chỉnh quyết liệt mà nói gọn lại là trách nhiệm và nghĩa vụ trước những quy định của pháp luật. Cụ thể như triển khai dự án trồng cao su và trồng rừng kinh tế chậm; không tổ chức chăm sóc, thậm chí có doanh nghiệp sang nhượng dự án. Công tác BVR của một số doanh nghiệp chưa tốt, không bố trí hoặc bố trí lực lượng bảo vệ mỏng, do đó không kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi phá rừng, khai thác lâm sản trái phép trên diện tích thuê để quản lý…
 
Theo Hạt trưởng Nguyễn Ngọc Toán, 3 tháng cuối năm 2016 này, ngoài việc tiếp tục thực hiện nghiêm túc các Chỉ thị số 12, 08, 1685 của Thủ tướng Chính phủ và 30 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng, Nghị quyết 05 của Huyện ủy Đạ Tẻh, Hạt sẽ tham mưu UBND huyện xây dựng kế hoạch thực hiện Thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng như các văn bản chỉ đạo của tỉnh và huyện xoay quanh chủ đề khôi phục rừng bền vững nhằm ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn 2016 - 2020. Cùng đó là “xác định những vị trí, khu vực nhạy cảm dễ xảy ra hành vi phá rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản vi phạm pháp luật để tập trung tổ chức kiểm tra, ngăn chặn có hiệu quả; không để phát sinh những điểm nóng”..., ông Toán cho biết. Với 3 tháng còn lại, hy vọng, rừng trên địa bàn huyện Đạ Tẻh sẽ không xẩy ra những vụ phá rừng nổi cộm; cả hệ thống chính trị của huyện sẽ chủ động hơn trước diễn biến còn tiềm ẩn những phức tạp về hành vi vi phạm Luật BV&PTR. Đây là cơ sở thực tiễn quý báu để góp phần cùng tỉnh Lâm Đồng nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung lập quy hoạch bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng vào năm 2017 theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
 
ĐẠO PHAN