Nỗi lo không ở trước mắt

10:10, 10/10/2016

Bán trú cho học sinh là vấn đề luôn được các phụ huynh quan tâm và mong mỏi. Việc con em họ học bán trú sẽ giúp các gia đình giải tỏa bớt áp lực và có thêm thời gian để lao động, làm việc. Nhưng liệu những bữa ăn đó có đầy đủ dinh dưỡng, có đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có cân bằng và hài hòa để giúp các cháu có được sự phát triển khỏe mạnh về thể chất… 

Bán trú cho học sinh là vấn đề luôn được các phụ huynh quan tâm và mong mỏi, từ những gia đình là cán bộ, công chức bận bịu việc công sở đến tầng lớp kinh doanh lo lắng bán buôn hay những nhà nông đầu tắt mặt tối với công việc đồng áng. Việc con em họ học bán trú sẽ giúp các gia đình giải tỏa bớt áp lực và có thêm thời gian để lao động, làm việc. Nhưng liệu những bữa ăn đó có đầy đủ dinh dưỡng, có đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có cân bằng và hài hòa để giúp các cháu có được sự phát triển khỏe mạnh về thể chất… luôn là câu hỏi và nỗi lo lớn nhất mà phụ huynh cần được giải tỏa và được trả lời một cách xác đáng nhất.
 
Bữa ăn trưa của các em học sinh Trường Đoàn Thị Điểm
Bữa ăn trưa của các em học sinh Trường Đoàn Thị Điểm

Bán trú … “mỗi trường mỗi cảnh”
 
Theo số liệu thống kê của Sở GD&ĐT Lâm Đồng, toàn tỉnh có 33 trường học bán trú, trong đó có 32 trường có bếp ăn tại chỗ, với 524 lớp và trên 9.200 học sinh. TP Đà Lạt là địa phương có số lượng lớp và học sinh bán trú nhiều nhất với gần 5.400 học sinh của 14 trường; các huyện còn lại Di Linh, Lâm Hà, TP Bảo Lộc, Bảo Lâm, Đạ Tẻh, Đức Trọng có số lượng lớp và học sinh bán trú không nhiều; đặc biệt các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đam Rông, Cát Tiên và Đạ Huoai sau buổi học các em đều về ăn cơm với gia đình. 
 
Tìm hiểu tại Đà Lạt, nơi có số lượng trường học bán trú nhiều nhất, chúng tôi được biết, trên địa bàn thành phố, việc học bán trú cũng “mỗi nhà mỗi cảnh”, không có sự đồng nhất bởi nhiều lý do (cả chủ quan và khách quan) khác nhau.
 
Trường đạt tiêu chuẩn gần nhất so với chuẩn của ngành y tế đưa ra có lẽ là trường Tiểu học Trưng Vương. Vài năm trước, trường được đầu tư xây dựng khu bán trú riêng biệt với khu chế biến và nơi ăn uống đảm bảo các tiêu chí: Phù hợp với công suất phục vụ, cách biệt nguồn ô nhiễm, đảm bảo tránh ô nhiễm chéo, đảm bảo đủ nguồn nước sạch để phục vụ cho chế biến và vệ sinh dụng cụ, có hệ thống chứa đựng và xử lý nước thải theo quy định. Một số trường như: Đoàn Thị Điểm, Lê Lợi, Mê Linh cũng chỉ phần nào đáp ứng được các quy định khắt khe về vệ sinh ATTP trong trường học.
 
Ngay tại trường Tiểu học Mê Linh, một trường nằm giữa trung tâm TP Đà Lạt, nơi có trên 1.200 học sinh theo học, khu bán trú cũng không được xây chuyên biệt, mà phải cơi nới từ những phòng học, phòng chuyên môn khác. Thầy Võ Ngọc Minh - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Với cơ sở vật chất hiện tại, trường chỉ đáp ứng được khoảng 50% số học sinh nếu muốn bán trú, tuy nhiên, hiện nay, nhà trường vẫn phải nhận khoảng từ 750 đến 800 học sinh mỗi năm vì nhu cầu bán trú cho con em của phụ huynh là rất lớn. Để giải quyết vấn đề này, trước mỗi năm học, nhà trường đều đề nghị phụ huynh viết đơn, sau đó mới xét duyệt và để thuận lợi, nhà trường đành phải thống nhất với phụ huynh học sinh, đó là ưu tiên cho các cháu nhỏ, lớp 1 đến lớp 3, với các cháu lớn thì ưu tiên nhà ở xa, điều kiện gia đình ít người chăm sóc”.
 
Phần lớn các trường có điều kiện để tiến hành học bán trú thường được phụ huynh yên tâm hơn khi gửi gắm con mình. Bởi như ở Tiểu học Mê Linh và một số trường khác, cơ sở vật chất, thiết bị, dụng cụ đều được đảm bảo về mặt kỹ thuật; nguyên liệu và phụ gia cũng thường xuyên được kiểm tra đầu vào; bữa ăn với các hàm lượng gluxit, protit, lipit, các loại vitamin, sắt... đều được bộ phận bếp cân đối, chia đều, định lượng cho hài hòa trong từng bữa ăn. Bữa ăn phần lớn có trị giá khoảng 17.000 đồng, trong đó, bữa chính và tráng miệng là 12.000 đồng, bữa lỡ là 5.000 đồng. Ngoài ra, các trường đều thành lập các tổ bán trú với nhiều bộ phận khác nhau để phục vụ các em học sinh; ngoài ra còn có Ban Thanh tra với thành phần là phụ huynh học sinh, đội ngũ y tế, cán bộ nhà trường thường xuyên kiểm tra để đảm bảo các bữa ăn đầy đủ chất dinh dưỡng cho các em.
 
Các nhân viên phục vụ được trang bị trang phục nhằm đảm bảo ATVSTP trong bữa ăn của các em học sinh tiểu học
Các nhân viên phục vụ được trang bị trang phục nhằm đảm bảo ATVSTP trong bữa ăn
của các em học sinh tiểu học

Phụ huynh có yên tâm về dinh dưỡng của con?
 
Vấn đề bán trú của các trường Tiểu học như Lý Thường Kiệt, Phan Như Thạch (phường 9, TP Đà Lạt) lại là một câu chuyện khác. Các trường kể trên, do thiếu cơ sở vật chất, không đủ diện tích để thành lập nơi bán trú, nên các em học sinh nơi đây, vẫn học bán trú theo kiểu về nhà thầy, cô giáo. Bữa ăn của các cháu có đảm bảo dinh dưỡng hay không lại hoàn toàn phụ thuộc vào sự chu đáo của các cô. 
 
Do không có bán trú, nên trước khi bước vào năm học mới, phụ huynh thường phải viết đơn, hay nói đúng hơn là thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh và nhà trường, trực tiếp là các cô giáo chủ nhiệm để gửi con em mình về nhà thầy, cô, ăn - ngủ tại đây. Bởi quy định cấm dạy thêm, học thêm ở bậc Tiểu học, nên việc ăn và học ở nhà thầy, cô gần như một hình thức  trông trẻ. Mức thu thường từ 850.000 đến 900.000 đồng /em/tháng với một nửa trong số đó được tính cho tiền ăn (gồm một bữa chính: cơm + canh + thức ăn mặn; bữa lỡ thường là sữa chua, kem plan hoặc trái cây; cuối tuần các cháu sẽ được đổi món bằng các món khác như bún, phở, mì quảng, hủ tiếu).
 
Câu chuyện sẽ không có gì đáng phải bàn cãi nếu như các cháu sau mỗi ngày đi học về thường được cha mẹ hỏi: Bữa nay con ăn gì, có ngon không? Câu trả lời của các cháu thường là ngon (từ tâm lý biếng ăn của trẻ con trong giai đoạn phát triển hiện nay, nhất là trẻ em thành phố hoặc các khu trung tâm phát triển khác), nhưng những món ăn mà các cháu kể ra như trứng chiên, chả giò hoặc sang hơn là thịt kho trứng, cá kho... lại khiến các phụ huynh (phần lớn mang tâm lý xót con) có phần lo lắng. Đương nhiên, không phải thầy, cô nào cũng như nhau, “mỗi nhà mỗi cảnh” nên bữa ăn của các cháu cũng nặng, nhẹ dinh dưỡng theo từng cách tổ chức bữa ăn.
 
Bữa ăn góp phần cho sự phát triển toàn diện
 
Theo bác sĩ Bùi Văn Độ - Chi Cục trưởng Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm Lâm Đồng thì: “Các chuyên gia hàng đầu của thế giới đã chỉ rõ rằng, bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng đối với trẻ em có tính chất quyết định đối với vấn đề phát triển thể chất, chiều cao, cân nặng của một con người, dù ở bất kỳ dân tộc, quốc gia nào, trí tuệ vượt trội của các em chỉ có thể được hoàn thiện và phát triển trong một cơ thể khỏe mạnh”. 
 
Không nói đến, những vùng miền, thành phố phát triển, ngay tại Đà Lạt, hay Bảo Lộc, Đức Trọng - những trung tâm đô thị hàng đầu của Nam Tây Nguyên, việc tổ chức bữa ăn bán trú tại các trường học cũng chưa có điều kiện  tiến hành xây dựng, triển khai một cách bài bản, chưa nói đến các trường học ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Cô Lê Thị Quế - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt cho biết: “Do trường thiếu diện tích, nên dù cố gắng  bao nhiều đi nữa, cũng không thể đạt được chuẩn quốc gia. Dù đã có rất nhiều nỗ lực để đề nghị lên cấp trên, nhưng hiện tại, trường vẫn không có chỗ để học sinh học bán trú. Việc giải quyết trước mắt và cũng là thỏa thuận với phụ huynh học sinh là vẫn phải để các em về bán trú tại gia đình các thầy, cô giáo”.
 
Tuy nhiên, từ những bữa ăn của học sinh bán trú lại ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển thể chất, đặt ra vấn đề lớn hơn. Sức mạnh thế hệ trẻ của cả một dân tộc được hình thành từ những điều tưởng chừng rất nhỏ...

Ông Nguyễn Văn Thành, Trưởng Phòng Y tế TP Đà Lạt: “Thường xuyên kiểm tra VSATTP tại các trường học”: “Vào đầu mỗi năm học, Phòng Y tế thành lập đoàn kiểm tra, tiến hành kiểm tra theo chuyên đề và kiểm tra đột xuất các bếp ăn, kịp thời chấn chỉnh các điều kiện chưa đảm bảo. Ngoài ra, chúng tôi còn tiến hành kiểm tra các nhà trẻ tư nhân và nhóm trẻ gia đình có đăng ký giấy phép kinh doanh. Trong thời gian qua, các bếp ăn tập thể trong các nhà trường đa số đều thực hiện tốt việc đảm bảo VSATTP. Tuy nhiên, đối với các nhóm trẻ gia đình không đăng ký kinh doanh, chúng tôi không thể quản lý cũng như tiến hành kiểm tra về các điều kiện đảm bảo ATTP và cơ sở vật chất. Điều này gây nhiều lo ngại cho phụ huynh và học sinh”.
 
Cô Đỗ Thị Thành, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, TP Đà Lạt: “Sức khỏe học sinh được đặt lên hàng đầu”: “Trường  hiện có 25 lớp với tổng số 937 học sinh, trong đó có khoảng 500 học sinh bán trú tại trường. Khu vực phòng ăn, phòng ngủ được tách riêng với phòng học, có 7 nhân viên phục vụ. Số lượng học sinh ăn trưa tại trường mỗi ngày khá đông nên một sơ suất nhỏ trong chế biến thức ăn cũng có thể dẫn đến hậu quả rất lớn. Hiểu được điều này, các nhân viên trong bếp ăn hết sức chú trọng đến việc đảm bảo VSATTP. Việc thực hiện bếp 1 chiều và lưu mẫu thức ăn được thực hiện nghiêm túc. Phụ huynh cũng có thể trực tiếp đến xem nơi ăn chỗ ngủ của con em mình để có thể yên tâm hơn. Ngoài ra, Ban kiểm sát của phụ huynh kết hợp với BGH nhà trường cũng thường xuyên kiểm tra đột xuất các bếp ăn, đảm bảo một cách tốt nhất cho sức khỏe của các em”.
 
Ông Hoàng Văn Tỉnh, cán bộ phụ trách Văn hóa phường 9, TP Đà Lạt: “Quản lý điểm ăn tại nhà chặt chẽ”: Hiện, phường đang quản lý 47 điểm ăn tại nhà các cô giáo của 2 trường Tiểu học Phan Như Thạch và Tiểu học Lý Thường Kiệt. Theo quy định, khi phụ huynh có nhu cầu gửi con em mình tại nhà các cô giáo (trong khi các trường không đủ điều kiện về cơ sở vật chất để mở các bếp ăn bán trú tại trường), trường sẽ lập danh sách địa chỉ các điểm nhận gửi học sinh cụ thể gửi lên phường. Phường căn cứ danh sách này, tiến hành lập đoàn kiểm tra các địa chỉ được đăng ký. Các điểm bán trú phải đảm bảo các yêu cầu về cơ sở vật chất (1-1,5 m2/học sinh), VSATTP và người nấu ăn phải có giấy chứng nhận sức khỏe,… mới được cho phép hoạt động. Hàng tháng, phường phối hợp với Trung tâm Y tế, thường xuyên tiến hành kiểm tra đột xuất các điểm nhận gửi học sinh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về vi phạm VSATTP, không lưu mẫu thực phẩm hàng ngày, kiểm tra việc thực hiện thực đơn được đưa ra… Bên cạnh đó, phường  thường xuyên tổ chức tập huấn về VSATTP cho các bếp ăn tập thể, đảm bảo an toàn cho học sinh được gửi tại các điểm này.
 
Anh Nguyễn Đình Thương (phường 12), phụ huynh học sinh Trường Tiểu học  Lý Thường Kiệt: “Chỉ mong con được ăn đảm bảo vệ sinh”: “Với số tiền phải đóng cho mỗi bữa ăn là 12 nghìn đồng, chắc chắn bữa ăn của các con ở trường sẽ không đủ đảm bảo dinh dưỡng như ăn ở nhà. Dù biết vậy nhưng do công việc bận rộn, nhiều phụ huynh không thể đưa đón ngày bốn lượt  nên đành gửi nhờ con tại nhà trường, hoặc tại nhà các cô giáo. Với các bếp ăn ở trường, chúng tôi còn có chút yên tâm. Chứ khi gửi con ở nhà các cô thì hoàn toàn rơi vào cảnh may nhờ rủi chịu. Tôi không dám mong con mình được ăn ngon, chỉ mong con được ăn sạch để không ảnh hưởng đến sức khỏe, như vậy là phụ huynh chúng tôi  mừng lắm rồi”.

TUẤN LINH - VIỆT QUỲNH