Đào tạo giáo viên trong bối cảnh đổi mới giáo dục

08:10, 12/10/2016

Thực hiện chủ trương "đổi mới giáo dục toàn diện", Trường Đại học Đà Lạt đã tổ chức Hội thảo khoa học với sự tham gia của các nhà sư phạm quốc tế và nhiều tỉnh tham dự. Hội thảo đề cập đến những phương pháp giáo dục hiện đại và chất lượng đào tạo của Khoa Sư phạm, Đại học Đà Lạt.

Thực hiện chủ trương “đổi mới giáo dục toàn diện”, Trường Đại học (ĐH) Đà Lạt đã tổ chức Hội thảo khoa học với sự tham gia của các nhà sư phạm quốc tế và nhiều tỉnh tham dự. Hội thảo đề cập đến những phương pháp giáo dục hiện đại và chất lượng đào tạo của Khoa Sư phạm, Đại học Đà Lạt.
 
Giáo viên không chỉ truyền thụ kiến thức mà còn là gương sáng về lòng nhân ái - Ảnh: M.Đ
Giáo viên không chỉ truyền thụ kiến thức mà còn là gương sáng về lòng nhân ái - Ảnh: M.Đ

"Tìm kiếm các giải pháp khoa học khả thi để nâng cao chất lượng và hiệu quả công việc đào tạo tại trường ĐH đa ngành, từ đó nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên (GV) trong sự nghiệp phát triển con người trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” - đó là mục đích đặt ra của Hội thảo khoa học mà PGS, TS Phù Chí Hòa - Trưởng Khoa Sư phạm ĐH Đà Lạt nêu lên trong đề dẫn. Với hơn 40 tham luận và hơn 300 cán bộ, GV, SV tham dự, Hội thảo này đã đạt được nhiều thành công nhất, kể từ ngày ĐH Đà Lạt thành lập khoa Sư phạm đến nay. 
 
Phương pháp và tiêu chuẩn
 
Bàn về ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục và đào tạo, GS Moncef Bari đến từ ĐH Quebac ở Montreal, Canada cho biết, vấn đề bài giảng theo e-learning đã thay đổi rất nhiều việc dạy học. Thị trường e-learning toàn thế giới đã đạt tới 36,5 tỉ đô la vào năm 2011 và sẽ đạt 51 tỷ đô la vào năm 2016.
 
Th.S Nguyễn Bích Liên, cựu giáo chức ngành Sinh học của ĐH Đà Lạt đặt vấn đề về phương pháp “thẻ ý tưởng”. Tác giả cho rằng, thẻ là một công cụ hỗ trợ học tập hữu dụng, vì theo thuyết kiến tạo, người học đóng vai trò kiến tạo kiến thức bằng cách nối kết những kinh nghiệm suy nghĩ của riêng mình với những điều mới tiếp nhận…
 
Chuẩn nghề nghiệp giáo viên là nội dung quan trọng được quan tâm đề cập nhằm xây dựng đội ngũ GV phù hợp với thực tiễn trong bối cảnh đổi mới giáo dục hiện nay. Các đại biểu đã phân tích và thảo luận về các bộ tiêu chuẩn. Cụ thể, hiện ở Úc gồm 7 tiêu chí, thể hiện thành 3 nhóm: kiến thức nghề nghiệp, thực tiễn nghề nghiệp và sự tham gia nghề nghiệp; còn ở Anh chia làm 2 tiêu chuẩn là giảng dạy (gồm 8 tiêu chí) và quản lý bản thân và chuyên môn. Với Việt Nam, chuẩn nghề nghiệp GV THCS và THPT căn cứ vào Thông tư 30/2009 của Bộ GD&ĐT. Trong đó, bao gồm có 6 tiêu chuẩn (25 tiêu chí) là: Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; Năng lực tìm hiểu đối tượng và môi trường giáo dục; Năng lực dạy học; Năng lực giáo dục; Năng lực hoạt động chính trị, xã hội và Năng lực phát triển nghề nghiệp. 
 
Các lĩnh vực chuyên môn hẹp trong đào tạo hiện nay đã được nhiều nhà giáo ĐH và phổ thông đi sâu nghiên cứu để đáp ứng kịp thời yêu cầu đổi mới. Hội thảo đã nghe và thảo luận các đề tài nghiên cứu: “Xây dựng chuẩn đầu ra theo hướng tiếp cận CDIO và đề án ngoại ngữ 2020” ; “Các phương pháp dạy học tích cực, giáo dục hướng nghiệp, rèn luyện kỹ năng tự học và các kỹ năng mềm; “Đào tạo GV giảng dạy tích hợp và kiến thức liên môn phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước”...
 
Vai trò của ĐH Đà Lạt đối với giáo dục Lâm Đồng
 
Theo TS, Hiệu phó ĐH Đà Lạt - Lê Hồng Phong, vào năm 2017, khoa Sư phạm của nhà trường tròn 35 năm thành lập. Mỗi năm, có từ 250 - 300 sinh viên (SV) được đào tạo ngành sư phạm và bao giờ điểm chuẩn tuyển sinh cũng cao nhất. 
 
Ngành Sư phạm ĐH Đà Lạt đã đóng góp không nhỏ về nguồn nhân lực cho tỉnh Lâm Đồng, hiện toàn tỉnh có 16.540 GV trực tiếp giảng dạy tại các trường, trong đó có 23,7% vốn là sinh viên ĐH Đà Lạt. Theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lâm Đồng Huỳnh Quang Long cho biết.
 
Tuy nhiên, tình trạng SV hộ khẩu Lâm Đồng đã tốt nghiệp ngành sư phạm ra trường nhưng không có nơi nào tiếp nhận làm GV là một thực trạng rất cần suy nghĩ. 
 
Tình trạng dư thừa có nhiều nguyên nhân: thiếu sự gắn kết phối hợp giữa “đầu vào” và “đầu ra” giữa cơ sở đào tạo với nhu cầu tuyển chọn của địa phương, cụ thể là ĐH Đà Lạt và Sở GD&ĐT, Sở Nội vụ của tỉnh Lâm Đồng. Nguyên nhân khác, địa bàn Lâm Đồng có khá đông HS tốt nghiệp các cơ sở đào tạo GV khác như Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt; các trường ĐH ở thành phố Hồ Chí Minh, Quy Nhơn, Đà Nẵng… do đó dẫn đến tình hình dư thừa so với nhu cầu tuyển dụng, hàng năm địa phương không thể đáp ứng nổi. 
 
Chất lượng đào tạo là một vấn đề mà chính Hội thảo lần này đặt ra., Ông Trần Văn Hiệp - Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lâm Đồng cho rằng, SV tốt nghiệp ra trường còn nặng về lý thuyết, thiếu hụt về tri thức thực tiễn và những kỹ năng thực hành cần thiết…
 
Phó Giám đốc Huỳnh Quang Long nêu lên một số hạn chế và cũng xem như sự đặt hàng đối với đội ngũ GV phổ thông nói chung và cơ sở đào tạo GV nói riêng. Ông Long thẳng thắn chỉ ra: “Hiện nay, yếu nhất của GV Lâm Đồng là tính chủ động tự học”. Với chủ trương đổi mới giáo dục và sự tiến bộ nhanh của khoa học và xã hội, việc tự đào tạo nâng trình độ và năng lực của đội ngũ GV là yêu cầu tất yếu và tiên quyết. 
 
Một điểm “rất yếu” khác cũng được Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lâm Đồng chỉ ra là “tư duy phản biện của GV trong trường học”. Yếu tố này cũng gắn với năng lực phê bình và tự phê bình của GV. Theo ông, điều này dẫn đến sẽ hạn chế tinh thần phát huy dân chủ trong trường học. Mặt khác, trong bối cảnh đổi mới ở bậc phổ thông, kỹ năng hợp tác là yêu cầu rất quan trọng mà mỗi GV cần vươn tới.
 
MINH ĐẠO