Độc đáo chiếc áo dài Đà Lạt

08:10, 28/10/2016

Cũng là hình dáng chiếc áo dài Việt Nam nhưng được làm hoàn toàn bằng thủ công với chất liệu bằng sợi và kỹ thuật móc từ những đôi bàn tay vàng của người phụ nữ Đà Lạt.

Cũng là hình dáng chiếc áo dài Việt Nam nhưng được làm hoàn toàn bằng thủ công với chất liệu bằng sợi và kỹ thuật móc từ những đôi bàn tay vàng của người phụ nữ Đà Lạt.
 
Trong các hội thi và trưng bày các sản phẩm sáng tạo, thành tựu của phụ nữ tỉnh Lâm Đồng luôn dành một gian trang trọng cho chiếc áo dài Đà Lạt. Năm nay, những chiếc áo dài Đà Lạt được trình làng tại Trung tâm triển lãm khu Hòa Bình Đà Lạt trong một hoạt động chào mừng Đại hội đại biểu Phụ nữ tỉnh Lâm Đồng vừa qua, đã thu hút sự quan tâm của nhiều chị em phụ nữ và du khách.
 
Chị Võ Thị Sơn (đứng thứ ba từ phải sang) cùng lãnh đạo Hội LHPN Đà Lạt và nhóm thợ trong gian trưng bày các sản phẩm áo dài móc bằng sợi. Ảnh: D.Hiền
Chị Võ Thị Sơn (đứng thứ ba từ phải sang) cùng lãnh đạo Hội LHPN Đà Lạt và nhóm thợ
trong gian trưng bày các sản phẩm áo dài móc bằng sợi. Ảnh: D.Hiền

Chị Võ Thị Sơn cùng nhóm thợ 6 người đã làm nên điều kỳ diệu này. Câu chuyện chiếc áo dài Đà Lạt ra đời từ ý tưởng sáng tạo và niềm đam mê với nghề truyền thống đan móc của phụ nữ Đà Lạt đã có từ hơn 30 trong nghề của chị Sơn. Chị Sơn, 55 tuổi, hiện là chủ cơ sở chuyên làm áo dài móc bằng sợi tại gia đình ở địa chỉ 49/23/9B Phạm Hồng Thái - Đà Lạt đã quy tụ một nhóm 6 người thợ lành nghề theo đuổi niềm đam mê này. 
 
Trước đây, chị Sơn làm ở bộ phận kỹ thuật của một Công ty Nhật Caneyoshi (ở đường Trần Phú - Đà Lạt) chuyên về dệt len. Đến khi Công ty này giải thể thì chị quyết định về làm tại nhà với các mặt hàng dệt len, đan tay dành cho trẻ em chuyên xuất khẩu đi Nhật Bản, Pháp, Hungary những năm 1990 - 2000. Bắt đầu từ năm 2007, chị Sơn sáng tạo ra chiếc áo dài móc bằng sợi, cho đến nay chiếc áo dài Đà Lạt độc đáo này đã có mặt trên thị trường được 9 năm và được chị em phụ nữ trong và ngoài nước ưa chuộng. 
 
Được xem như mặt hàng cao cấp, bởi sản phẩm áo dài Đà Lạt móc bằng sợi được làm hoàn toàn bằng thủ công, kể cả công đoạn ráp tay, eo, cổ, vùng ngực áo, tà áo đều rất chuẩn. Nhóm thợ 6 người đều là những bàn tay vàng trong nghề đan móc mới có thể làm được chiếc áo dài Đà Lạt như thế. 
 
Chị Sơn nhớ lại, cách đây gần 10 năm, trong lúc chị lên mạng học hỏi các mẫu mã nước ngoài với những chiếc đầm dạ hội, váy cưới móc bằng sợi, chị nảy ra ý tưởng sáng tạo nên chiếc áo dài Việt Nam móc bằng sợi. Ban đầu những chiếc áo dài Đà Lạt móc bằng sợi có mẫu mã chưa phong phú, chỉ đơn thuần làm theo ý tưởng, niềm đam mê của mình. Bên cạnh khâu sáng tạo thiết kế mẫu mã, khó nhất là khâu tìm kiếm nguyên liệu để làm áo dài. Mặt hàng sợi được nhập từ các công ty gia công hàng may mặc nước ngoài, hơi khó kiếm nhưng vốn có kinh nghiệm làm mặt hàng dệt đan len xuất khẩu, chị Sơn đã có được nơi cung cấp nguồn nguyên liệu tại TP Hồ Chí Minh. Có nguyên liệu rồi, khâu chọn sợi là quan trọng nhất do rất nhiều chất liệu sợi, phải chọn loại sợi rủ để cho tà áo dài thẳng, úp vào thật thanh nhã. Để được như vậy, chị Sơn tự tìm tòi nghiên cứu xử lý kỹ thuật để cho sợi len khi móc ra thành phẩm áo dài có độ rủ. 
 
Quá trình hoàn hảo dần theo năm tháng, hiện trung bình một sản phẩm áo dài Đà Lạt móc sợi đơn giản phải mất thời gian 3 tuần, lâu nhất là 1 tháng đối với những mẫu áo dài có nhiều họa tiết. Giá thành một sản phẩm đơn giản (size trung bình) 3,7 triệu đồng và đơn hàng cao nhất mà chị Sơn đã làm theo yêu cầu của khách là 7,5 triệu đồng/chiếc. Những chiếc áo dài Đà Lạt độc đáo này đã được tiêu thụ theo đơn đặt hàng của khách Việt kiều Mỹ, Pháp, Úc và thị trường trong nước như: TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Nha Trang, Đắc Lắc và tại Đà Lạt. 
 
Nhóm thợ 6 người chuyên làm áo dài móc bằng sợi đều là thợ trên 10 năm, đã có kinh nghiệm làm hàng xuất khẩu. Chị Huỳnh Thị Phượng (44 tuổi) có thâm niên hơn 10 năm trong nghề đan móc len cho biết: Những năm qua, cứ buổi sáng chị đến làm việc móc áo dài bằng sợi tại nhà chị Sơn, còn buổi chiều chị làm việc tại nhà mình. Công việc làm linh động như vậy giúp chị chủ động trong việc chăm lo cho con cái, chăm sóc gia đình, đưa đón con đi học. Với niềm đam mê, quen việc, mê làm, nên các chị không thấy mệt mỏi vì công việc hoàn toàn phải tỉ mỉ bằng tay, chăm chú từng mũi kim và làm được những sản phẩm khó nhất của chiếc áo dài móc bằng sợi. Sự thuần thục trong tay nghề đã làm nên những chiếc áo dài độc đáo đem lại thu nhập trung bình cho mỗi chị 5 triệu đồng/tháng tiền công. 
 
Với sự nhạy bén, óc sáng tạo, chị Sơn lo các khâu nguyên liệu (sợi), mẫu mã, thị trường tiêu thụ và tổ chức nhóm chị em chuyên sản xuất áo dài móc bằng sợi độc đáo ở Đà Lạt, năm 2007, chị Sơn được nhận giải thưởng “Doanh nhân vi mô Citi”. Giải thưởng này do Nhóm Công tác Tài chính vi mô Việt Nam (MFWG) phối hợp với Quỹ Citi/Ngân hàng Citi Việt Nam với sự hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức thường niên từ năm 2007 đến nay nhằm tôn vinh những đóng góp tích cực của tài chính vi mô cho công cuộc xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam, khuyến khích người nghèo sử dụng hiệu quả vốn vay vi mô để vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Với giải thưởng lần đầu tiên này, chị Sơn là 1 trong 100 cá nhân xuất sắc trong xóa đói giảm nghèo được tôn vinh vì đã thành công và trở thành nhà kinh doanh thành đạt, để quảng bá mô hình làm ăn hiệu quả cho cộng đồng. 
 
Chặng đường gần 10 năm cho chiếc áo dài Đà Lạt độc đáo cũng là hành trình của sự sáng tạo, tỉ mỉ đầy đam mê của những bàn tay vàng Đà Lạt.
 
DIỆU HIỀN