Dòng chảy sông Hồng trên cao nguyên đất đỏ

09:10, 27/10/2016

Có bạn đồng nghiệp đã từng ví von, Hà Nội không chỉ có 5 cửa ô mà Nam Ban chính là cửa ô thứ 6. Giữa cao nguyên đất đỏ bạt ngàn cà phê, chợt lắng nghe âm điệu, giọng nói còn nguyên âm sắc Hà thành nhắc tới những địa danh vô cùng thân thuộc: tổ dân phố Ba Đình, Hai Bà, Từ Liêm, Đông Anh, Hoàn Kiếm, trường Thăng Long, hồ Con Rùa…

Có bạn đồng nghiệp đã từng ví von, Hà Nội không chỉ có 5 cửa ô mà Nam Ban chính là cửa ô thứ 6. Giữa cao nguyên đất đỏ bạt ngàn cà phê, chợt lắng nghe âm điệu, giọng nói còn nguyên âm sắc Hà thành nhắc tới những địa danh vô cùng thân thuộc: tổ dân phố Ba Đình, Hai Bà, Từ Liêm, Đông Anh, Hoàn Kiếm, trường Thăng Long, hồ Con Rùa… Những quận, huyện xưa cũ của Hà Nội đã theo chân con em vào định danh giữa cao nguyên Lâm Viên, thành tên đất tên đường, tên trường, tên lớp giữa đất Lâm Hà lộng gió. Nghe nhắc lại từ những ngày tháng 10 của 40 năm trước, những lứa thanh niên đầu tiên tạm biệt Thủ đô vào “tiềm trạm”, khai phá vùng đất mới. Giữa bạt ngàn cỏ cây hoang dã, không có bóng cư dân, nơi họ đặt từng nhát cuốc đầu tiên cũng đã vọng về âm thanh quê cũ, Tổng đội Gia Lâm, Tổng đội Từ Liêm, Tổng đội Hoàn Kiếm, Tổng đội Hai Bà. Và, theo chân đoàn thanh niên tiền trạm, lần lượt những gia đình đầu tiên tới Vùng kinh tế mới Hà Nội đã gồng gánh mang theo những nỗi nhớ. Những nỗi nhớ ấy đã biến thành những tên đất tên người, thân quen mà gần gũi, tựa như hơi ấm quen thuộc giữa đêm lạnh phương xa. 
 
Học sinh Trường THPT Thăng Long, Lâm Hà. Ảnh: D.Quỳnh
Học sinh Trường THPT Thăng Long, Lâm Hà. Ảnh: D.Quỳnh
Không chỉ có Vùng kinh tế mới Nam Ban, mà 6 xã vùng Lán Tranh - Tân Hà cũng theo lời kêu gọi mở đất, đã rời vùng quê phù sa châu thổ sông Hồng để vào cao nguyên xây dựng quê hương mới. Họ là những con dân của Hà Tây cũ, ra đi không chỉ mang theo những tên làng tên xã, như Đan Phượng, Hoài Đức, Phúc Thọ... mà còn mang theo một bề dày đầy bản sắc văn hóa châu thổ sông Hồng. Có nơi đâu trong tỉnh Lâm Đồng này, mỗi xã mỗi thôn đều có đội văn nghệ, đều có CLB dân ca, nhất là CLB dân ca Bắc Bộ như đất Lâm Hà. Những vùng chèo Hà Tây, tuồng Đông Anh, Hà Nội, quan họ Kinh Bắc được hiển hiện rõ ràng ngay giữa Vùng kinh tế mới Lâm Hà, với những câu “người ở đừng về” tha thiết giữa đêm trăng, với những câu “nói lối” nghẹn ngào hơi tuồng cổ, tiếng trống chèo rộn ràng, tiếng chiêng ngân vang mùa hội giữa mưa xuân cao nguyên. Và, giữa mỗi ngày Tết, tiếng trống giục các “đô” vào sới vật vẫn vang lên trên vùng Tân Hà, Tân Văn. Môn võ vật “đặc sản” đất Bắc vẫn được truyền lưu trên cao nguyên, từ những người lớn tuổi thế hệ mở đất cho tới những bạn nhỏ sinh ra giữa hương hoa cà phê trắng. 
 
Về Lâm Hà, ăn theo phong vị Lâm Hà. Những món ăn truyền thống của vùng quê Bắc Bộ vẫn ngày ngày được phục vụ thực khách. Những món ăn mang đậm hương vị xứ Bắc như bánh rợm, bánh tẻ, bánh nếp, canh bún, bún chả…, rất ít tìm được ở đâu ngoài đất Lâm Hà. Rời xa cố thổ, lưu dân xứ Bắc mang theo cả một nguồn dồi dào những ký ức, những tên đất tên làng, những món ăn quen thuộc, những phong tục tập quán gắn bó với họ tự ngàn đời nay còn lưu truyền đâu đó trong đời sống thường nhật.
 
Những nét văn hóa truyền thống ấy, giữa miền đất phóng khoáng, cởi mở như Lâm Hà ít nhiều cũng đã hòa lẫn vào chung một dòng chảy mới, dòng chảy mang sức mạnh của những dòng văn hóa khác. Phong tục cưới hỏi, giỗ chạp, những món ăn thức uống của người vùng kinh tế mới giờ đã mềm mại, đa dạng hơn rất nhiều, mang thêm phong vị của xứ Quảng đất cằn, của miền Tây sông nước, của men rượu cần nồng nàn Tây Nguyên. Ngoài câu dân ca Bắc Bộ, những ca sỹ nghiệp dư hát cả những điệu lí câu hò, không chỉ múa võ vật mà còn quen với những lò võ Tây Sơn Bình Định, không chỉ có món phở lừng danh mà người Lâm Hà còn yêu thích bún bò, mì quảng, bún mắm… Cùng chung sống trên một mảnh đất, những con dân xứ Bắc gắn bó với những lưu dân miền Trung, miền Nam và người dân bản địa gốc Tây Nguyên tạo nên một Lâm Hà đa dạng văn hóa, chất phóng khoáng pha trộn trong cái nền nã đất Bắc cổ truyền. 
 
Sông Hồng vẫn chảy trong tim dân cư kinh tế mới Lâm Hà, như nguồn cội thiết tha, như niềm thương nỗi nhớ. Nhưng cũng dòng chảy ấy, đã dung nhập thêm những dòng chảy thân thương khác, hòa quyện vào sông Đạ Dâng làm lên vẻ đẹp giữa cao nguyên xanh bát ngát Lâm Hà hôm nay.
 
DIỆP QUỲNH