Ðể trường học an toàn cho trẻ

08:10, 07/10/2016

Hầu hết trẻ từ 3 - 5 tuổi trong các trường mầm non đều rất hiếu động; việc phòng chống tai nạn, thương tích, đảm bảo an toàn thực phẩm, an toàn tính mạng cho trẻ trong những giờ ở lớp luôn là điều tất cả phụ huynh quan tâm.

Hầu hết trẻ từ 3 - 5 tuổi trong các trường mầm non đều rất hiếu động; việc phòng chống tai nạn, thương tích, đảm bảo an toàn thực phẩm, an toàn tính mạng cho trẻ trong những giờ ở lớp luôn là điều tất cả phụ huynh quan tâm.
 
Cô giáo giúp bé trong giờ chơi tại Trường Mầm non 6 - Ðà Lạt
Cô giáo giúp bé trong giờ chơi tại Trường Mầm non 6 - Ðà Lạt
Để an toàn cho trẻ 
 
Nằm trong một phường kề trung tâm Đà Lạt, địa bàn rộng, dân cư đông, thế nhưng Mầm Non 6 so với các trường mầm non khác trong hệ thống mầm non công lập ở các phường, xã tại Đà Lạt lại là một ngôi trường có qui mô nhỏ.
 
Năm học này, Mầm non 6 có 320 học sinh đang học tại 7 lớp, trong đó có 5 lớp tại điểm trường chính trên đường Hai Bà Trưng - Đà Lạt, 2 lớp còn lại tại điểm trường trên đường Ngô Quyền. Công tác tại đây có 26 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Tổng diện tích của trường chính và cả phân hiệu chỉ khoảng trên 1.200 m 2
 
“Trường chật nên chúng tôi năm nào cũng không thể nhận hết được học sinh trên địa bàn phường dù đã bố trí các cháu từng lớp học khá đông” - cô giáo Trần Hà Phương - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết. Cứ đến đầu năm học, trường lại bị sức ép từ những gia đình có hộ khẩu ở phường muốn cho con mình học ở đây cho tiện đưa đón, nhưng do trường không thể nhận được, nhiều gia đình phải mang con gửi sang các trường mầm non khác xa hơn trong thành phố. 
 
Cũng vì chật nên theo cô Phương, trường phải xoay xở nhiều cách để đảm bảo chuyện học và sinh hoạt cho các cháu. Sân chật, không thể cho tất cả học sinh ra chơi đồng loạt nên trường bố trí giờ chơi xen kẽ, khi lớp này ra chơi, lớp kia vào lớp học. Chung quanh sân trường hẹp được tận dụng mọi khoảng trống để lắp đặt trò chơi cho học sinh. Giờ ăn trưa, các cháu được bố trí bàn ăn ngồi ngoài sảnh, ăn xong vào trải nệm ngủ trong lớp. 
 
Mầm non 6 trong nhiều năm nay thực hiện rất tốt công tác an toàn mọi mặt cho trẻ. Theo cô Phương, trong giờ chơi, trường cử các cô giáo bám sát các em, hỗ trợ khi cần. Trường nỗ lực đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm bằng cách mua hàng tại các cơ sở uy tín, thức ăn từ bếp khi mang ra cho các cháu nếu còn nóng phải để ở bàn riêng đợi nguội bớt mới cho các cháu ăn. Trường có phòng y tế (dù hơi nhỏ), có đủ cơ số thuốc cần thiết cho trẻ, có một y sĩ đa khoa làm việc hằng ngày tại đây.
 
Để an toàn cho trẻ, trường bố trí các lớp học cho trẻ lớn ở khu vực trên cao, lớp ít tuổi hơn dưới thấp cho dễ sinh hoạt; tất cả các cửa sổ, ban công đều được lắp thêm song sắt bảo vệ; lớp học được lót thảm; lối đi nhà vệ sinh được yêu cầu lau sạch nước, không để trơn trượt. Khu vực nhà vệ sinh được bố trí ở chỗ cô giáo dễ quan sát khi các cháu sử dụng. Chậu hoa, cây cảnh được đặt ở vị trí an toàn, chắc chắn. 
 
Trong trang bị đồ chơi, thiết bị dạy học cho trẻ, theo cô Phương, trường cố gắng không mua đồ có chất độc hại, không mua những vật có thể gây tai nạn, thương tích cho các cháu khi chơi. Đồ chơi ngoài trời thường xuyên được kiểm tra, sửa chữa; bàn ghế ngồi trong lớp cũng được kiểm tra định kỳ, góc bàn nhẵn, ghế ngồi không để đinh trồi lên gây nguy hiểm cho trẻ. 
 
Trong sân trường, trường không cho trồng những loại cây cỏ có độc trong vỏ, lá, hoa, khiến các cháu sờ vào nguy hiểm; mùa mưa bão, trường thuê người chặt cành khô, tỉa cành cây xanh không để gãy đổ.
 
Mầm non 6 đang chờ phương án cải tạo nới rộng thêm, nhưng theo cô Phương dù chật hay rộng thì công tác đảm bảo an toàn cho học sinh vẫn luôn được trường tuân thủ nghiêm ngặt, được đặt lên hàng đầu.
 
Đẩy nhanh tiến độ đầu tư 
 
Toàn tỉnh hiện có 226 trường mầm non, mẫu giáo. Bên cạnh hệ thống trường công lập có mặt tại tất cả các xã - phường - thị trấn trong tỉnh thì hệ thống mầm non tư thực cũng đang phát triển rất mạnh, đặc biệt là ở các vùng đô thị, hỗ trợ tốt cho việc phổ cập mầm non trẻ 5 tuổi của địa phương.
 
Theo đánh giá của Sở Giáo dục Đào tạo (GD-ĐT) Lâm Đồng, hệ thống trường mầm non của tỉnh đến nay đang thực hiện tốt công tác xây dựng trường học an toàn, phòng chống tai nạn, thương tích, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho trẻ. 
 
Đến nay, trong toàn tỉnh, theo thống kê, đã có trên 77,3% trường mầm non có cán bộ chuyên trách y tế trường học, hằng năm được tập huấn thực hiện tốt hoạt động sơ cứu, cấp cứu tai nạn thương tích cho trẻ. 100% trường học có tủ thuốc và các dụng cụ sơ cấp cứu theo quy định. Hầu hết cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên cũng được cung cấp các kiến thức cơ bản về các yếu tố nguy cơ và cách phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ. 
 
Cùng đó, hầu hết các trường mầm non đều triển khai các biện pháp phòng chống tai nạn, thương tích cho trẻ; thực hiện tốt việc tuyên truyền, huy động sự tham gia của phụ huynh học sinh và cộng đồng. Các trường cũng xây dựng quy định về phát hiện và xử lý tai nạn, có phương án khắc phục các yếu tố nguy cơ gây tai nạn cho trẻ. 
 
Để đảm bảo an toàn cho trẻ trong ăn uống, 100% cơ sở giáo dục mầm non của tỉnh đều đã có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Hằng năm, công tác này thường xuyên được kiểm tra. 
 
Tuy nhiên, theo Sở GD-ĐT Lâm Đồng, ở một số điểm trường lẻ hiện vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu về cơ sở vật chất theo chuẩn an toàn; còn hàng rào tạm, nhà vệ sinh chưa đạt chuẩn, thiếu nguồn nước sạch, đặc biệt là trong mùa khô. Nhiều điểm trường cũng chưa thường xuyên thực hiện việc kiểm tra thực hiện các quy định về an toàn, phòng chống tai nạn, thương tích cho trẻ. 
 
Chính vì vậy, ngành GD-ĐT Lâm Đồng đang lên kế hoạch tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xây dựng các trường mầm non đạt chuẩn quốc gia; đầu tư đầy đủ các hạng mục như hàng rào, nhà vệ sinh, bếp ăn cho trẻ theo đúng qui chuẩn trường học an toàn.
 
GIA KHÁNH