Giữa sông hồ hoang liêu tôi cũng có "mái nhà"

09:10, 27/10/2016

Xuất hiện trên cuộc đời này, có người bám chặt ở mặt đất phố thị, có người kết dính ở làng mạc, có người neo vào thảo nguyên, lại có người lưu lạc theo mặt nước để sống và gửi gắm lần đời duy nhất như nhau này. Người chọn phố thị là trạng thái định cư, và làng mạc cũng thế...

“Để nghe dưới đáy nước hồ reo”
(cố thi sĩ Hàn Mặc Tử)
 
Xuất hiện trên cuộc đời này, có người bám chặt ở mặt đất phố thị, có người kết dính ở làng mạc, có người neo vào thảo nguyên, lại có người lưu lạc theo mặt nước để sống và gửi gắm lần đời duy nhất như nhau này. Người chọn phố thị là trạng thái định cư, và làng mạc cũng thế. Điều quen thuộc, bình thường. Nhưng người du mục thì rày đây mai đó, vượt ra khỏi suy nghĩ quen thuộc của chúng ta về “định cư”, “chỗ ở”, “chỗ sinh tồn”, “căn nhà”. Người theo con cá ở rừng hoang để tồn tại càng như vậy. Chỗ nào có mặt nước, hình thành nên hồ họ sẽ đến đó. Có cá họ đến, hết cá họ đi, đi tiếp, tìm mặt nước. Môi trường sinh thái tốt, cá nhiều, và môi trường xã hội thuận lành, bắt con cá cũng dễ. Môi trường sinh thái ô nhiễm, cá không sống được. Môi trường xã hội nhiễu loạn, người đánh cá không thể sống. Tôi gọi trạng thái ký gửi vào mặt nước suốt đời cuộc đời này bằng cái từ có lẽ chưa ai dùng, là “Du Ngư” vậy.  Dân đánh cá trên biển đi đánh gì rồi cũng “về bờ”, “vào bờ” - làng và gia đình họ ở trên bờ đó. Còn dân sông hồ nước ngọt núi rừng này thì đưa cả gia đình đi trong hành trình “Du ngư” của mình. Mà hành trình du ngư thì không có điểm dừng, chỉ đến khi mãn đời. Họ bảo họ yêu cuộc sống trên mặt nước, và quê hương họ là mặt nước, bất kể đó là mặt nước ở đâu, đến mức không còn phân biệt nữa về ý niệm “hành chính”. 
 
Một tàng người sông hồ trên Tây Nguyên. Ảnh: H.Tình
Một tàng người sông hồ trên Tây Nguyên. Ảnh: H.Tình
Trong những xó núi, xó rừng, lũng sâu có “Nước” bỗng dưng thấy họ đáp xuống. Rất tự nhiên, như cá tìm nước, chim tìm trời, tình nhân tìm tình nhân. Lại có lúc những căn nhà của họ ở giữa hồ nước mênh mông rộng cả vài ngàn hécta. Họ chơi vơi giữa trời nước bao la đó. “Mái nhà” và Làng bè của họ cô độc. Hoặc là họ nghĩa khí, ngạo nghễ trước kiếp sống đó. Nước là môi trường sống của họ, không gian sống của họ. Con cá dưới nước cho họ cơm áo. Những nhà bè nọ kia cho họ tình yêu, ái ân, và dòng giống. Thả lưới, giăng câu, bơi lặn cho họ tình yêu cuộc sống. Họ không cần đất đai, nên cũng không bao giờ tranh chấp với ai về đất đai. Họ vô sản, nếu theo nghĩa đã là người thì phải “có nhà”, và chỉ dấu của sở hữu là sổ hồng, sổ đỏ. 
 
Chưa hẳn sống trong một căn biệt thự xa hoa ở Nam Sài Gòn tươi vui hơn trong căn nhà bè trên nước ở một hồ sâu trong rừng. Chưa hẳn sống trong một căn phố ở đường Đồng Khởi TP HCM hay khu băm sáu phố phường cổ Hà Nội an toàn hơn mái nhà bè kia. Chưa hẳn trước nắng mưa, bão tố từ trời, những mái nhà ở phố vững chãi hơn căn nhà bè hai bên vách núi…
 
*
 
Họ là người dân nước Việt của tôi. Nơi mặt nước đó, đời họ nối sang đời con, đời cháu, đời chắt. Nhiều người đã không còn để ý đến bổn xứ nữa. Họ chỉ nghe nói ông cha thuở xa xưa là dân hạ lưu Mê Kông, những Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau… gì gì đó. Theo con nước mà trôi ngược sang biển hồ Tolé Sap bên Campuchia, rồi ngược lên miền thượng Tây Nguyên này, với những lòng hồ Trị An, La Ngà, Ia Ly, Sê San, Hàm Thuận, Da Mi, Đồng Nai 2, Đồng Nai 3, Đồng Nai 4, Buôn Tuasrah, Đắk Tih, Đại Ninh, Seré Pôk… Tôi thường ở với họ. Tôi sống ở phố, nhưng những kỳ lễ lạt, họ hay gọi  điện (bây giờ điện thoại di động phủ sóng hang cùng núi tận mà !) bảo tôi: “Vào đón lễ trong này đi !”. Không gian sống của họ thật thanh bình, tự nhiên, hồn hậu.
 
Nhiều nhà sắm cả những cây đàn để thư giãn lúc cần. Ảnh: H.Tình
Nhiều nhà sắm cả những cây đàn để thư giãn lúc cần. Ảnh: H.Tình
Họ có khả năng sinh tồn của họ, cảm nhận về hạnh phúc theo kiểu của họ. Họ có cách để có một tổ ấm, mái nhà theo kiểu mà chỉ họ mới hiểu được trời đất ở nơi đó. Khi đặt chân xuống một vùng mặt nước, việc đầu tiên của họ là cắm một cái lều trên bờ để ở tạm. Những chiếc xuồng và ngư cụ được thả xuống mặt nước. Vừa đánh bắt, họ vừa dành thời gian tìm hiểu, khảo ngẫm, “đọc” cho ra đặc điểm thủy lưu, khí động học, gió lành, gió độc, dòng nóng, dòng lạnh, ánh sáng, bóng tối, hướng gió đi, giờ gió ngủ… Khi đã nắm trọn thiên nhiên trong tay, họ bắt đầu cất nhà bè để sống ổn định. Nguyên tắc “xây dựng nhà” trong thế giới thủy dã này là: Tránh đường nước chảy ở dưới và hướng gió đi qua ở bên trên. Nên bao giờ cũng thấy nhà bè liền lạc lại với nhau, và những “làng bè” hình hành theo một trục nào đó, cho dù giữa một vùng non nước mênh mông. Một tính toán khá khoa học và tổ chức chặt chẽ, trật tự đến ngỡ ngàng. Vì vậy mà làng bè nào cũng luôn lớp lang, như có bàn tay qui hoạch. Chỗ ở đó, nước không sâu hơn bốn mươi mét, và cũng không cạn hơn thế, thì mọi sinh hoạt, lưu thông mới thuận lợi. Nếu không như thế, vùng nước chỗ cất nhà, lập làng sẽ không ấm, mà nước phải ấm mới tốt cho sức khỏe, và không bao giờ có muỗi. Đó là chỗ quanh năm dù mùa nào thì cũng đều ngày mát, đêm ấm. Thêm nữa, thế thì nhà bè mới khỏi đong đưa. Họ bảo sống kiếp giang hồ - khái niệm đẹp đẽ của từ giang hồ là ngao du, tận hưởng, sống giữa trời đất, người đi qua nhiều sông núi để làm sang. Giang hồ mơ mộng, nhưng không ai liều mình cất lẻ loi một căn nhà giữa lòng nước bao la kia để hưởng cho trọn vẻ đẹp thiên nhiên này cả. Nếu có ngư phủ nào đó cá biệt, quyết ở đơn lẻ, thì căn nhà anh ta cất cũng khép sâu vào vách núi, tránh những nguyên lý tự nhiên dễ gây hại ở trên.
 
Kết cấu nhà của họ là hệ thống phao bằng các bè lồ ô được chặt trên những cánh rừng lồ ô quanh đấy đem về ngâm tẩm để tăng độ bền. Nhiều mảng bè như thế được kết lại làm “nền nhà”, rồi dựng nhà trên đấy. Gần đây, xã hội tiến triển, thế là vật liệu “nền nhà” được “lên đời” bằng những thùng nhựa composite dày rỗng. Tuy nhiên, để căn nhà nổi êm ái, cũng buộc phải kết hợp hệ thống phao này với phao bè lồ ô - đặt phía trong kết cấu “nền”. Bè tre có đặc dụng nổi ngầm, phao nhựa sắt có đặc dụng nổi hẳn lên mặt nước. Kết hợp cả hai, thì trung hòa được độ tĩnh tại, làm vững chắc cả khối nhà, chống chọi được gió bão, sóng xô, con nước. Cứ 50 cây lồ ô kết lại thành một bó, với một “nền nhà” phải cần 20-50 bó như thế, rồi kết chúng lại thành cấu trúc bè. Số phao nhựa hoặc phuy sắt kia cũng phải từ 20-50 thùng. Khung sườn nhà bằng gỗ, sắt. Vách nhà bằng ván xẻ mỏng, hay thân lồ ô được đập dập kết lại, hoặc bằng miếng nhôm, tole. Phía ngoài của vách ván, hoặc lồ ô kia đắp lên một lớp tole hoặc bạt nhựa để luôn ấm bên trong, và bảo vệ lớp gỗ hay lồ ô đó. Nhà chắc, nhưng nhẹ, có thể dịch chuyển bất cứ lúc nào. Tùy theo số người trong gia đình mà nhà bè cần làm to hay bé. Có nhà hai ba thế hệ chung sống, có nhà của vợ chồng mới cưới, có nhà của người mới trưởng thành, và cả nhà của người độc thân. Cứ thế, họ tung hoành trên mặt nước.
 
*
 
Người sống “giữa bốn bức tường đô thị” mà bước xuống căn nhà họ ở sẽ cảm giác về một không gian sống thanh khiết vô bờ. Mái nhà bè của người Du ngư vững chãi, an lạc, xa xỉ khác thường lắm, mà có khi ta phải mơ tưởng để được sống, được bằng. Thói thường đám đông, cũng có khi nhìn cuộc sống bằng tọa độ khác, mà ngỡ tưởng rằng cảnh này là tha nhân đang chịu đựng, kham khổ, tạm bợ, nổi trôi. Nhưng đời người thoáng chốc, sống đâu mà chả “tạm”, hỡi Con người!
 
Bút ký: NGUYỄN HÀNG TÌNH