Thương yêu, gần gũi học trò để giúp các em vươn lên

08:10, 03/10/2016

Dạy học vùng nông thôn vốn còn rất nhiều khó khăn nhưng nhiều năm liền, cô giáo Nguyễn Thị Ánh Kiều luôn có học sinh giành được thành tích cao trong các kỳ thi cấp huyện và cấp tỉnh.

Dạy học vùng nông thôn vốn còn rất nhiều khó khăn nhưng nhiều năm liền, cô giáo Nguyễn Thị Ánh Kiều luôn có học sinh giành được thành tích cao trong các kỳ thi cấp huyện và cấp tỉnh.
 
Cô giáo Nguyễn Thị Ánh Kiều (hàng sau thứ ba bên trái sang) cùng học trò trong một buổi lễ tại trường
Cô giáo Nguyễn Thị Ánh Kiều (hàng sau thứ ba bên trái sang) cùng học trò trong một buổi lễ tại trường

Là người Cát Tiên, năm 1996, khi tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt, cô giáo dạy Văn Nguyễn Thị Ánh Kiều (sinh 1975) về dạy học tại Trường THCS Quảng Ngãi - xã quê nhà của mình. Đến nay, cô đã có trên 20 năm gắn bó với ngôi trường vùng nông thôn này.
 
THCS Quảng Ngãi là một ngôi trường nhỏ, thanh bình, nằm khá xa trung tâm huyện lỵ Cát Tiên, học trò hầu hết là con nhà nông quanh vùng. Trường mới được xây dựng thêm khá khang trang trong năm học vừa qua với một dãy 6 phòng học mới bên cạnh dãy phòng học cũ. Năm học này, trường có trên 160 học sinh học ở 8 lớp, công tác ở đây có 25 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. 
 
Là người trong xã nên cô biết mặt hầu hết các em trong trường, biết rõ cha mẹ, gia cảnh từng học sinh trong lớp mình chủ nhiệm và các lớp mình dạy. Trước đây, các lớp học ở đây còn đông nhưng những năm gần đây học sinh trong vùng ngày càng giảm dần (chủ yếu do tỷ lệ sinh thấp), mỗi lớp học hiện nay chỉ chừng trên dưới 20 học sinh, có hai lớp 6 mới vào mỗi lớp cũng chỉ có trên 15 học sinh. 
 
“Học sinh nông thôn nên rất thuần tính, ngoan, hiền, dễ dạy, chấp hành nội qui nhà trường rất tốt. Tuy nhiên, có nhiều em hoàn cảnh rất khó khăn, có em bố mẹ đi làm ăn xa, gửi con lại cho ông bà nuôi; nhiều em gia đình khó khăn, cha mẹ đầu tắt mặt tối quanh năm suốt tháng nên việc học hành của con cái dường như giao hết cho trường. Nhiều em đi học về phải phụ giúp cha mẹ làm đồng, chăn nuôi. Có những hoàn cảnh khi đến nhà mới thấy thật thương cho các em, để các em đến được trường cũng là một nỗ lực lớn của nhiều gia đình nên nhà trường, thầy cô giúp đến đâu được thì phải giúp”- cô Kiều nói. 
 
Học sinh ít, trường vắng nhưng đây cũng là một điều thuận lợi. Theo cô Kiều, do học sinh từng lớp ít nên các giáo viên có nhiều cơ hội quan tâm đến việc học của từng em, biết thế mạnh, điểm hạn chế của từng học sinh mà có kế hoạch bồi dưỡng, phụ đạo, giúp đỡ cụ thể, phân công bạn học hỗ trợ, kèm học. 
 
Chính vì vậy, trong nhiều năm liền, THCS Quảng Ngãi luôn duy trì tỷ lệ học sinh đến lớp hầu như đạt 100%. Tỷ lệ học sinh trường tốt nghiệp THCS hằng năm luôn đạt 100%; 100% học sinh có hạnh kiểm từ khá trở lên, tỷ lệ học lực khá luôn đạt cao.
 
Là giáo viên dạy Văn, cô Kiều đã tìm cách hướng học sinh yêu thích môn học mình dạy, yêu thích đọc sách. Đặc biệt qua những năm dạy học, cô đã phát hiện và tìm cách bồi dưỡng niềm say mê môn Văn cho nhiều học sinh một cách có hệ thống ngay từ lớp 6, lớp 7, để đến lớp 8, lớp 9 hướng các em vào các kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh. Để bồi dưỡng cho học sinh giỏi văn của trường, cô đã không tiếc công sức, thời gian. Ngày trước, trường chỉ có 6 phòng, 2 phòng dành cho Ban Giám hiệu và thầy cô, 4 phòng học còn lại mỗi buổi có 4 lớp học nên không có phòng trống cho công tác bồi dưỡng; cô đã đưa học sinh về nhà vốn cũng gần trường để dạy. Trong bồi dưỡng học sinh giỏi, bên cạnh việc luyện tập các đề thi học sinh giỏi, cô còn chú ý rèn luyện để các em có cảm xúc viết văn, đưa các vấn đề xã hội thực tiễn vào bài viết dưới góc nhìn và suy nghĩ của học sinh, tạo nét độc đáo cho bài viết. 
 
Trong năm học 2015 - 2016 vừa qua, trong 4 học sinh môn Văn của THCS Quảng Ngãi do cô bồi dưỡng đi thi học sinh giỏi cấp huyện thì cả 4 em đều đoạt giải, trong đó có 2 giải ba, 2 giải khuyến khích. Huyện đã chọn 3 trong 4 học sinh này dự thi học sinh giỏi Văn cấp tỉnh, cả 3 em cũng đều đạt; trong đó có 2 giải ba, một giải khuyến khích. 
 
Những năm học trước đó, rất nhiều học sinh giỏi Văn do cô bồi dưỡng cũng đều có giải từ cấp huyện đến cấp tỉnh. Như năm học 2014 - 2015, cả 3 học sinh của cô đều giành 3 giải cấp huyện gồm 1 giải ba, 2 giải khuyến khích; khi dự thi cấp tỉnh cả 3 đều đoạt giải gồm 2 giải ba, 1 giải khuyến khích. Trong năm học 2012 - 2013, 3 học sinh cử đi thi cũng đều có giải cấp huyện (1 giải nhì, 1 giải ba, 1 giải khuyến khích), 2 trong số này cử thi cấp tỉnh đều đạt 2 giải ba.
 
Là tổ trưởng chuyên môn, trong nhiều năm liền, tổ Văn đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của trường, tất cả thành viên đều là giáo viên dạy giỏi của trường, chất lượng giáo dục các môn xã hội đều tăng. Bản thân cô là giáo viên giỏi cấp huyện, nhiều năm liền là Chiến sỹ thi đua cơ sở, liên tục được UBND huyện Cát Tiên khen thưởng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học, đặc biệt là trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi. Nhiều năm liền, cô đoạt giải cao trong cuộc thi dạy học theo chủ đề tích hợp cùng rất nhiều các cuộc thi khác.
 
Với cô Nguyễn Thị Ánh Kiều, niềm vui lớn nhất là thấy học sinh trường mình chăm chỉ học tập, học hành vươn lên, kết quả học tập học sinh vùng nông thôn không thua kém trường vùng thuận lợi; thấy được niềm vui và ánh mắt tự hào của các bậc cha mẹ khi có con học giỏi. Để bồi dưỡng học sinh giỏi, bên cạnh tìm ra một cách dạy riêng cho mình, theo cô, điều quan trọng nhất là phải thật sự thương yêu, gần gũi với học trò. “Càng tâm huyết với nghề, lại càng thương yêu các em nhiều hơn. Học trò khi thấy mình được thương yêu, quí mến cũng sẽ nỗ lực hơn để khỏi phụ lòng cha mẹ thầy cô” - cô chia sẻ.
 
VIẾT TRỌNG