Ánh sáng cho đời

08:11, 14/11/2016

Dân gian thường nói: "Giàu hai con mắt, khó đôi bàn tay", ngày càng có nhiều người trẻ cũng như già, mắc những căn bệnh về mắt ảnh hưởng đến việc học hành và chất lượng cuộc sống, luôn mơ ước được khôi phục lại thị lực.

Dân gian thường nói: “Giàu hai con mắt, khó đôi bàn tay”, ngày càng có nhiều người trẻ cũng như già, mắc những căn bệnh về mắt ảnh hưởng đến việc học hành và chất lượng cuộc sống, luôn mơ ước được khôi phục lại thị lực. Vì vậy, nhiều chương trình chăm sóc mắt nhân đạo trong thời gian qua đã giúp cho người dân Lâm Đồng có cơ hội “làm giàu” từ đôi mắt của mình.
 
Đo khúc xạ miễn phí cho học sinh ở Đơn Dương. Ảnh: A.Nhiên
Đo khúc xạ miễn phí cho học sinh ở Đơn Dương. Ảnh: A.Nhiên

Chị Nguyễn Thị Kim Liên ở Đà Lạt đưa người mẹ 76 tuổi từ Lâm Hà lên Khoa Mắt của Trung tâm Phòng chống Bệnh xã hội Lâm Đồng (TTPCBXH) để mổ đục thủy tinh thể, cho biết: Mẹ tôi được các bác sĩ chương trình khám sàng lọc đục thủy tinh thể miễn phí ở huyện phát hiện bệnh, chỉ định mổ. Nay mẹ tôi nhận được giấy mời lên TTPCBXH để mổ mắt miễn phí. Qua tìm hiểu, có 2 phương pháp mổ, trong đó mổ phaco thay thủy tinh thể nhân tạo thì gia đình chịu chi phí mua kính nên tôi quyết định mua loại kính tốt nhất giá 3,9 triệu đồng để thay thủy tinh thể cho mẹ. Được biết, có bác sĩ ở Bệnh viện Mắt Đà Nẵng vào mổ nên tôi rất yên tâm. Phương pháp mổ hiện đại, sáng mổ thì chiều được xuất viện, chúng tôi còn được ăn miễn phí cháo tình thương. Tôi thấy bác sĩ khám, chăm sóc tốt, cấp thuốc miễn phí và cấp kính để đeo và được hướng dẫn tận tình cách phòng chống nhiễm trùng sau mổ. 
 
Những năm qua, nhiều chương trình khám, mổ mắt miễn phí được triển khai trong tỉnh đã giúp cho hàng ngàn bệnh nhân tìm lại ánh sáng. Ông Nguyễn Văn Lực, Chủ tịch Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo - Người tàn tật và Trẻ mồ côi Lâm Đồng cho biết: Hội đã phối hợp với Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo TP Hồ Chí Minh, các bác sĩ của Bệnh viện Mắt TP Hồ Chí Minh, Khoa Mắt Kỹ thuật cao Bệnh viện Nguyễn Trãi TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Lạt tổ chức nhiều chương trình đem ánh sáng cho bệnh nhân nghèo bị đục thủy tinh thể. Kết quả, đến nay, chương trình đã thực hiện hơn 6.500 ca mổ đục thủy tinh thể miễn phí cho bệnh nhân nghèo trong tỉnh. Chương trình miễn phí hoàn toàn từ khám, phẫu thuật, cấp thuốc, giường nằm và bữa ăn, hỗ trợ tiền xe đi lại khi có điều kiện.
 
Theo kế hoạch phòng chống mù lòa của tỉnh đến năm 2020 với kinh phí khoảng 2,8 tỷ đồng, mục tiêu hạ thấp tỉ lệ mù lòa có thể phòng tránh được nhằm đạt mục tiêu “Thị giác 2020” bằng cách cải thiện sự tiếp cận đến các dịch vụ chăm sóc mắt toàn diện lồng ghép với hệ thống y tế. 
Theo Thạc sĩ - BS Phạm Thị Hạnh, Thư ký Dự án Phát triển mô hình chăm sóc mắt toàn diện tại Lâm Đồng do Quỹ FHF (Fred Hollows Foundation) tài trợ trong 4 năm qua đã khám và tư vấn các bệnh về mắt cho 37.987 lượt bệnh nhân trong tỉnh, thực hiện 716 ca phẫu thuật đục thủy tinh thể miễn phí, phẫu thuật mộng ghép kết mạc miễn phí 304 ca. Chương trình triển khai khám khúc xạ cho toàn bộ học sinh khối tiểu học và THCS trên địa bàn Đà Lạt, Đơn Dương, Đạ Tẻh với 37.642 học sinh, phát hiện 2.990 học sinh bị tật khúc xạ; cấp 547 cặp kính miễn phí cho học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn mắc tật khúc xạ.
 
Qua phỏng vấn các bệnh nhân trong các đợt khám mổ mắt miễn phí tại cộng đồng, chúng tôi nhận thấy kiến thức chăm sóc bảo vệ đôi mắt của người dân còn hạn chế. 
 
Hầu hết người dân không đi khám mắt định kỳ, khi nào thấy đau mắt thì tự đi mua thuốc về nhỏ mắt; có trường hợp đã được bác sĩ khám, chỉ định mổ nhưng không dám mổ vì sợ mổ mắt bị mù thì sao?! Chị Đỗ Thị Xoan, 34 tuổi, giáo viên ở Đơn Dương cho biết: Khoảng 5 năm nay, mắt tôi luôn bị đau, rát, ngủ dậy đổ ghèn, đi khám bác sĩ tư nhiều lần, bác sĩ nói tôi bị dị ứng, viêm kết mạc, cho thuốc về uống hết đợt khỏi rồi bị đau lại. Cứ khi nào thấy mắt khó chịu là tôi mua thuốc nhỏ mắt. Tương tự, bà Nguyễn Thị Tri, 63 tuổi cho biết: Khoảng 3 năm nay, tôi tự đi mua thuốc nhỏ mắt thường xuyên vì cứ sáng sớm thức dậy là chảy nước mắt. Lần đầu được các bác sĩ khám mắt miễn phí mới biết tôi bị viêm bờ mi, bị cườm, BS nói mổ nhưng mà tôi sợ không dám mổ. 
 
Vấn đề nan giải hơn là những trường hợp trẻ em bị nhược thị không được can thiệp sớm rất đáng tiếc, bởi sau 10 tuổi thì không thể tập nhược thị. Đó là những trường hợp chúng tôi gặp từ thực tế khám mắt ở cộng đồng tại Lâm Hà và Đơn Dương, các bé mới học cấp 1, cấp 2 bị nhược thị, không đeo kính được nữa, mắt đã bị liệt không nhìn thấy, không mổ được, thường là bị mù một bên mắt. Ths -BS Hạnh cho rằng, những trường hợp này bị bẩm sinh, do cấu trúc nhãn cầu, nếu được phát hiện sớm, sàng lọc nhược thị từ mẫu giáo (sàng lọc 3 mét) thì các cháu sẽ được hướng dẫn tập nhược thị để sớm phục hồi thị lực. 
 
Để thực hiện kế hoạch phòng chống mù lòa đến năm 2020, Lâm Đồng sẽ đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức; huy động sự tham gia góp sức của cộng đồng cho công tác phòng chống mù lòa. Phát triển nguồn nhân lực chăm sóc mắt ở các tuyến đảm bảo số lượng và chất lượng chuyên môn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của từng tuyến, góp phần củng cố mạng lưới chăm sóc mắt trong tỉnh. Nâng cấp cơ sở hạ tầng, cung cấp trang thiết bị để triển khai các dịch vụ chăm sóc mắt tại các tuyến theo quy định của Bộ Y tế. Tăng cường kiểm soát các bệnh về mắt gây mù có thể phòng tránh được như: bệnh đục thủy tinh thể, bệnh Glocom, bệnh võng mạc tiểu đường, tật khúc xạ ở trẻ em. Trong đó, tỉ lệ học sinh được khám sàng lọc phát hiện tật khúc xạ đạt từ 30% năm 2017 lên 70% vào năm 2020. 
 
Kiểm soát bệnh đục thủy tinh thể là nhiệm vụ trọng tâm trong Chiến lược phòng chống mù lòa nhằm nhanh chóng hạ thấp tỉ lệ mù lòa trên địa bàn toàn tỉnh. Phấn đấu đạt tỉ lệ mổ đục thủy tinh thể 800 ca /1 triệu dân vào năm 2017; đạt 1.000 ca / 1 triệu dân năm 2018 và 1.500 ca /1 triệu dân vào năm 2020. 
 
AN NHIÊN