Đồng bào Cil dưới chân Núi Bà đẩy lùi hủ tục trong hôn nhân

09:11, 14/11/2016

Trong đời sống của đồng bào Cil dưới chân Núi Bà, bên cạnh những phong tục tập quán tốt đẹp trong hôn nhân cũng song song tồn tại nhiều hủ tục lạc hậu ngăn cản sự tiến bộ của xã hội cần được xóa bỏ như: hôn nhân cận huyết, tảo hôn, thách cưới, sinh nhiều con… 

Trong đời sống của đồng bào Cil dưới chân Núi Bà, bên cạnh những phong tục tập quán tốt đẹp trong hôn nhân cũng song song tồn tại nhiều hủ tục lạc hậu ngăn cản sự tiến bộ của xã hội cần được xóa bỏ như: hôn nhân cận huyết, tảo hôn, thách cưới, sinh nhiều con… Những năm qua, phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa đã đẩy lùi những hủ tục lạc hậu trong hôn nhân của đồng bào nơi đây.
 
Phục dựng phong tục tập quán tốt đẹp của đồng bào trong các lễ hội.  Ảnh: Q.Uyển
Phục dựng phong tục tập quán tốt đẹp của đồng bào trong các lễ hội. Ảnh: Q.Uyển

Những hủ tục trong hôn nhân của người Cil 
 
Ông Kon Sơ Ha Vương - Chủ tịch UBND xã Đạ Nhim - Lạc Dương kể: Khi xưa, các cụ thường có câu “ông cậu đi trước, con chị theo sau”, có nghĩa là người con trai được “bắt” về nhà vợ, đến khi sinh con gái thì sẽ quay lại “bắt” con trai của chị em gái mình về làm rể. Qua nhiều đời, người Cil vẫn phổ biến hôn nhân cận huyết con cô - con cậu lấy nhau, việc cưới xin là do hai chị em quyết định. Từ đó sinh ra những đứa con yếu ớt, khuyết tật, bệnh tật, rất khó nuôi, tuổi thọ không cao… 
 
Hôn nhân của người Cil xưa thường diễn ra khi con gái, con trai bắt đầu biết yêu, 14 - 16 tuổi; đã ưng bụng, phải lòng nhau là tiến hành các thủ tục đám cưới. Trước khi con gái cưới con trai, nhà gái phải đến nhà trai 2 - 3 lần. Lần đầu tiên là chạm ngõ, nếu nhà trai đồng ý, thì sẽ định ngày đám hỏi với những thỏa thuận quà tặng cho họ nhà trai (cậu, dì) trong đám hỏi, thường là vòng đồng, chuỗi hạt cườm, 20 tô chén bằng sứ. Khi đám hỏi, nhà trai sẽ thách cưới trâu, bò, heo để đôi bên cùng thỏa thuận và định ngày tổ chức lễ cưới. 
 
Người Cil xưa coi việc thách cưới là một cách để định “giá trị” của người con trai trưởng thành. Một chàng trai khỏe mạnh, chỉ cần biết làm ăn, thông minh, lanh lẹ, khi có con gái đến hỏi, cha mẹ “hét” đến 2 - 4 trâu, heo, gà, thóc gạo. Việc thách cưới cũng là một cách để “trả hiếu” vì con trai được cha mẹ sinh ra, nuôi dưỡng, khi gả về nhà vợ sẽ không còn điều kiện chăm sóc cha mẹ, mà “làm giàu” cho nhà vợ, một chút của cải thách cưới cũng là để đền đáp công sinh dưỡng, chăm sóc cha mẹ khi tuổi già nên họ nghĩ việc thách cưới là lẽ thường tình.
 
Nhiều cặp trai gái yêu nhau vì thách cưới mà không đến được với nhau, nhiều cô gái nghèo không có tiền bắt chồng làm cho duyên phận lỡ làng. Cũng vì thách cưới kiểu trao đổi gả bán mà vị trí của chàng rể khi về gia đình nhà vợ thường không có tiếng nói, hoặc tiếng nói không được coi trọng, mọi quyết định đều do gia đình nhà vợ quyết định, những anh trai em trai, những “ông cậu” bên vợ quyết định. 
 
Đám cưới của người Cil xưa kéo dài đến 3-5 ngày, ăn uống linh đình. Đám cưới thường diễn ra, khi mùa khô bắt đầu, tiết trời khô ráo, lúa trên nương rẫy đã thu hoạch. Gia đình cưới cho con phải đi đến từng nhà mời hết anh em, họ hàng ở buôn gần, làng xa. Thời đó phương tiện giao thông không có, đường sá đi lại khó khăn, có đoạn phải băng rừng vượt suối nên cha mẹ đi mời cưới con cũng vô cùng vất vả. Lâu ngày gặp nhau, chủ nhà lại mang rượu cần ra uống, uống cho say thì mới được coi là thật lòng. Gặp tình cảnh đó, người đi mời mất ròng rã cả tháng... 
 
Hôn nhân của người Cil dưới chân Núi Bà hôm nay
 
15 năm qua, phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa đã đi vào tận thôn buôn, hình thành các quy ước, hương ước dựa trên những nét đẹp văn hóa truyền thống, kết hợp với những quy định mới của pháp luật về độ tuổi kết hôn đã đẩy lùi nạn tảo hôn, sinh ra thế hệ sau khỏe mạnh, vì sự phát triển giống nòi. 
 
Trong tâm lý của giới trẻ ai cũng muốn có một lễ cưới trang trọng ghi dấu ngày trọng đại của đời mình nên cưới xin đủ tuổi theo pháp luật. Đám cưới diễn ra chỉ trong vòng 1 - 2 giờ đồng hồ, rồi chú rể về ở bên nhà vợ, cả hai vợ chồng cùng có vị thế ngang nhau, cùng nhau làm ăn xây dựng hạnh phúc gia đình.
Những cuộc vận động sinh đẻ có kế hoạch, phổ cập giáo dục, chăm sóc sức khỏe sinh sản được thực hiện, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng nâng lên, đồng thời làm thay đổi nếp nghĩ đã ăn sâu vào đời sống của đồng bào. 
 
Cùng với việc xóa bỏ hôn nhân cận huyết, không còn con cô con cậu, anh em họ hàng lấy nhau; trai gái người Cil dưới chân Núi Bà đã mở rộng mối quan hệ lấy người cùng dân tộc ở khác xã, khác huyện như Di Linh, Đam Rông, Lâm Hà, hoặc tìm hiểu ở các buôn làng trong xã. Ngoài ra, việc lấy vợ, lấy chồng là người Kinh đã trở nên phổ biến. Riêng xã Đạ Sar, dân số có 4.909 nhân khẩu, 1.177 hộ thì đa số là đồng bào Cil chiếm 4.450 khẩu, 1.058 hộ, 100% đồng bào dân tộc theo đạo Tin lành, 95% đồng bào vẫn ở nhà gỗ với kiến trúc truyền thống. Ông Liêng Jrang Ha Rô Ky - Phó Chủ tịch UBND xã Đạ Sar cho biết, đa số đồng bào đã xóa bỏ hủ tục lạc hậu, cưới xin theo nếp sống mới, mở rộng phạm vi và đối tượng hôn nhân. Xung quanh khu dân cư nơi ông ở có 5 cặp vợ chồng là người đồng bào kết hôn với người Kinh; hôn nhân hỗn hợp giữa các dân tộc anh em, không bó hẹp trong dòng tộc, trong buôn làng, trong dân tộc…
 
Do cuộc sống thay đổi, đời sống kinh tế phát triển, hôn nhân dựa trên tình yêu nên việc thách cưới đã thực sự được đẩy lùi, giảm đáng kể, không còn đặt nặng. Lễ vật bằng tiền nhà gái đưa qua nhà trai chỉ mang ý nghĩa tượng trưng, thường chỉ là tiền mặt khoảng 15 - 20 triệu đồng, là chi phí để nhà trai tổ chức tiệc mừng. Thế hệ trẻ được học hành, được trang bị kiến thức về tiền hôn nhân và sức khỏe sinh sản, vì vậy vấn đề tảo hôn không còn nhiều, hiếm xảy ra.
 
Ở xã Đạ Nhim có 867 hộ với 4.274 nhân khẩu thì đồng bào dân tộc Cil chiếm đến 88% (736 hộ). Thực tế hiện nay, cùng với nhiều hủ tục lạc hậu trong hôn nhân của đồng bào Cil được đẩy lùi thì những phong tục tập quán tốt đẹp trong hôn nhân cũng dần bị phai mờ và mất dần đi khiến Chủ tịch xã Kon Sơ Ha Vương trăn trở. Đó là không còn những nét đẹp sinh hoạt văn hóa truyền thống trong các đám cưới như: đánh cồng chiêng, hát đối đáp giao duyên, trang phục thổ cẩm truyền thống của cô dâu chú rể được thay bằng trang phục hiện đại. Hôn nhân của người Cil là hôn nhân bền vững, khi đã lấy nhau thì không được bỏ nhau, bên cạnh trách nhiệm còn là quy tắc đạo đức cộng đồng, sự ràng buộc bởi luật tục. Ai chủ động bỏ người kia (bất kể là vợ, là chồng) thì phải chịu phạt vạ, bồi thường, nên việc ly hôn bị coi là xấu, cộng đồng không chấp nhận, đặc biệt trong gia đình người Cil xưa không có bạo lực gia đình. Dù vậy, hiện vẫn có những gia đình xảy ra mâu thuẫn, bạo lực trong gia đình, đã xuất hiện những vụ ly hôn, dù ít hơn so với các dân tộc khác.
 
Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa truyền thống cũng có sự biến thiên, song song với việc đẩy lùi những hủ tục lạc hậu trong hôn nhân, phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa đang vận động nhân dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống mới trên nền tảng văn hóa truyền thống tốt đẹp. Trong đó, việc xây dựng hôn nhân bền vững, gia đình hòa thuận, nuôi con khỏe dạy con ngoan, gia đình không có bạo lực là những việc làm cần chú trọng để những yếu tố truyền thống vẫn được nuôi dưỡng và phát huy trong đời sống hiện đại - ông Ha Vương cho biết.
 
QUỲNH UYỂN