Nối tiếp niềm tự hào...

08:11, 17/11/2016

Tháng 11, Đà Lạt nắng mà se sắt, mỗi con đường như càng rộng rãi, thênh thang. Hòa vào không khí kỉ niệm 34 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, thầy cô và học sinh Trường THPT Chuyên Thăng Long - Đà Lạt càng chộn rộn hơn bởi tấm Huân chương Lao động hạng Nhì của Chủ tịch nước trao tặng…

Tháng 11, Đà Lạt nắng mà se sắt, mỗi con đường như càng rộng rãi, thênh thang. Hòa vào không khí kỉ niệm 34 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, thầy cô và học sinh Trường THPT Chuyên Thăng Long - Đà Lạt càng chộn rộn hơn bởi tấm Huân chương Lao động hạng Nhì của Chủ tịch nước trao tặng…
 
Lãnh đạo tỉnh biểu dương các học sinh Trường THPT Chuyên Thăng Long - Đà Lạt đạt thành tích xuất sắc trong học tập . Ảnh: V.Báu
Lãnh đạo tỉnh biểu dương các học sinh Trường THPT Chuyên Thăng Long - Đà Lạt
đạt thành tích xuất sắc trong học tập. Ảnh: V.Báu

Về ngôi trường ấy là “một thời để nhớ” của mấy chục khóa học sinh; là niềm vui, rộn ràng như lần giở từng trang giáo án của các thầy cô; là niềm tự hào của biết bao phụ huynh khi gửi gắm con vào một môi trường có nhiều sáng tạo…
 
Chất lượng dạy và học
 
Những ngày này, bước vào trường, không khí chuẩn bị cho các bài giảng tham gia Hội thi Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học (E-learning) và Dạy học theo chủ đề tích hợp đang khẩn trương trong chuỗi hoạt động của các thầy, cô giáo. Tại những lớp học, học trò với màu áo đỏ “boọc- đô” đặc trưng vẫn miệt mài cùng thế giới như vô tận của tri thức. 
 
Đã 21 năm công tác tại trường, cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Ngọc Dung không quá khó để nhớ về những ngày đã qua; trong đó, ấn tượng nhất vẫn là một môi trường sư phạm “vô cùng tốt” cho cả thầy cô và học sinh, bởi nơi đây thầy và trò đều được thể hiện mình, được phấn đấu vươn lên. Trong đó, tinh thần đoàn kết, nhiệt tâm, sẵn sàng lao vào những mục tiêu mới của đội ngũ giáo viên như đã truyền lửa cho học sinh để trường hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đào tạo mũi nhọn.
 
Trong Phòng Truyền thống, những “bảng vàng” thành tích về kết quả giáo dục toàn diện và mũi nhọn; học sinh đỗ thủ khoa tốt nghiệp THPT và đại học; danh sách học sinh đoạt giải Casio, Olympic, Tin học trẻ, Hùng biện Tiếng Anh, Nghiên cứu khoa học… như một sự hun đúc của những nỗ lực không ngừng nghỉ. Trong đó, không thể không kể đến hàng trăm giải học sinh giỏi quốc gia, những gương mặt như Nguyễn Kim Phượng là thủ khoa Đại học Y dược TPHCM (năm học 2011-2012) với số điểm tuyệt đối 30/30 hay thủ khoa kép của hai trường đại học gồm Đại học Đà Lạt và Đại học Công nghệ là Phạm Hữu Tâm (năm học 2013-2014)… Từ vài năm nay, THPT Chuyên Thăng Long - Đà Lạt đã lọt vào top 50 trường có điểm bình quân thi đại học cao nhất cả nước. 
 
Từ năm 2009, Cuộc thi Khoa học - kỹ thuật được khởi xướng trong cả nước và THPT Chuyên Thăng Long - Đà Lạt đã tiên phong trong nội dung này, có học sinh đại diện quốc gia dự thi quốc tế. Để đến năm học 2015-2016 vừa qua, hai học sinh Hoàng Lữ Đức Chính và Nguyễn Thu Minh Châu đã xuất sắc đoạt giải Ba Hội thi Khoa học - Kỹ thuật lớn nhất hành tinh dành cho học sinh - Intel ISEF được tổ chức tại Hoa Kỳ…
 
Tiết Ngoại ngữ tại Trường THPT Chuyên Thăng Long - Đà Lạt. Ảnh: V.B
Tiết Ngoại ngữ tại Trường THPT Chuyên Thăng Long - Đà Lạt. Ảnh: V.B

Áp lực, động lực và những nỗ lực
 
Thành tích nổi bật 5 năm qua của Trường THPT Chuyên Thăng Long
 
- Cuộc thi Khoa học- Kỹ thuật cấp Quốc tế: có 2 đề tài được Bộ GD- ĐT chọn cử tham dự Hội thi Intel ISEF tại Mỹ, 1 đề tài đoạt giải Ba cấp Quốc tế lĩnh vực Tế bào - Sinh học phân tử.
- HSG cấp Quốc gia:  đoạt 120 giải (9 giải Nhì, 40 giải Ba, 71 giải Khuyến khích).
- Có 2 học sinh được Bộ GD-ĐT chọn vào đội dự tuyển Olympic Quốc tế (môn Vật Lý và môn Tin học). 
- Giải Khoa học - Kỹ thuật cấp Quốc gia: đoạt 17 giải (5 Nhất, 7 Nhì, 5 Ba).
- Giải IOE (thi Tiếng Anh trên mạng Internet) cấp quốc gia: 56 giải (13 giải Nhất, 18 giải Nhì, 17giải Ba, 8 giải Khuyến khích).
- Giải Violympic (thi giải Toán trên mạng Internet) cấp quốc gia: 17 giải (4 giải Nhất, 7 giải Nhì, 3 giải Ba, 3 giải Khuyến khích).
- Giải Olympic truyền thống 30/4 khu vực phía Nam: 235 huy chương (39 Vàng, 107 Bạc, 89 Đồng).
Với vai trò của một trường thực hiện cả nhiệm vụ giáo dục toàn diện và giáo dục mũi nhọn, trong đó giáo dục mũi nhọn là “niềm hy vọng” của cả tỉnh; nếu không có giải cao trong các cuộc thi thì hiển nhiên sẽ là nỗi lo, nhưng khi đã giành được thành tích cao thì chưa hẳn nhà trường đã an lòng, bởi đó chính là áp lực cho những năm kế tiếp. Đây là những tâm lý rất dễ được sẻ chia của Ban giám hiệu nhà trường và các thầy cô…
 
Từ nhiều mùa hè gần đây, thầy cô các bộ môn đều dành khoảng thời gian này để làm việc, đó là đi thực tế tại các trường chuyên trong nước với mục tiêu nghiên cứu, tìm hiểu, áp dụng các phương pháp hay của trường bạn để áp dụng cho chính mình. Để phát triển, nhà trường đã có những phương án giải quyết phù hợp cho các bộ môn với mục tiêu: những môn chưa có giải sẽ đoạt giải, những môn đã có giải thì phải giữ và phát triển. Qua các chuyến đi và bằng trải nghiệm sâu sắc trên bục giảng, ý kiến của thầy cô đã được Liên tịch mở rộng (gồm Ban giám hiệu, tổ trưởng chuyên môn và các thành phần mở rộng) lắng nghe, trân trọng và đưa ra giải pháp. Thành tích của học sinh đã là đáp án cho giải pháp đúng của các nhà giáo.
 
Trong môi trường của những chuỗi sáng tạo, suy nghĩ học sinh trường chuyên rất “mọt sách” đã trở nên lỗi thời bởi những hoạt động trải nghiệm đã góp phần phát huy năng lực toàn diện của “học sinh thế kỷ 21”. Nhà trường đã xin chủ trương để có thể đổi mới chương trình, đổi mới phương pháp và có những hoạt động trải nghiệm, đưa học sinh ra Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà khi nghiên cứu về sinh thái học; đến với Tháp Bà Ponagar nhằm đo các tỉ lệ vàng trong kiến trúc; đến với Mộc bản Triều Nguyễn để nghiên cứu Lịch sử; tham gia các Đêm hội Nguyên tiêu và thêm yêu những vần thơ…
 
Mùa thu vừa qua, học sinh các lớp cùng làm bánh trung thu, làm lồng đèn để tạo quỹ giúp đỡ những trường còn khó khăn như Tiểu học Nam Thành, Tiểu học Cửu Long, Tiểu học Tà Nung…
 
Ở trong môi trường ấy, học tập trở thành niềm vui và như cô Ngọc Dung chia sẻ thì phải biến áp lực thành động lực và thật nỗ lực để đạt mục tiêu đề ra. Từ năm 2010, Trường THPT Chuyên Thăng Long - Đà Lạt đã vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước trao tặng. Từ đó đến nay, nhà trường tiếp tục 2 lần đón nhận Cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ, 3 Cờ thi đua xuất sắc của UBND tỉnh, 2 Bằng khen của Bộ GD-ĐT, 7 Bằng khen của UBND tỉnh.
 
Bảng thành tích vẫn cứ dài thêm và Huân chương Lao động hạng Nhì vừa được Nhà nước trao tặng lại khắc ghi thêm một cột mốc để nối tiếp những niềm tự hào ăm ắp yêu thương…
 
HẢI YẾN