Để mỗi thầy cô thực sự là tấm gương cho học sinh noi theo

08:11, 15/11/2016

Nhân dịp kỷ niệm 34 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2016), PV Báo Lâm Đồng đã có cuộc trao đổi với bà Đàm Thị Kinh, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Lâm Đồng về công tác xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên của tỉnh hiện nay.

Nhân dịp kỷ niệm 34 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2016), PV Báo Lâm Đồng đã có cuộc trao đổi với bà Đàm Thị Kinh, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) Lâm Đồng về công tác xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên của tỉnh hiện nay.
 
PV: Thưa bà, ngành GD-ĐT Lâm Đồng đang thực hiện nhiệm vụ đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW. Để thực hiện nhiệm vụ này, người giáo viên có vai trò như thế nào?
 
Bà Đàm Thị Kinh, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Lâm Đồng
Bà Đàm Thị Kinh, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo
Lâm Đồng
Bà Đàm Thị Kinh: Năm học 2016 - 2017 này là năm thứ tư ngành GD-ĐT Lâm Đồng triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 hội nghị lần thứ 8 BCH TW khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Có thể nói, vai trò của giáo viên trong việc thực hiện nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT là một trong những nhân tố quyết định thắng lợi hiện nay. 
 
Ngành GD-ĐT Lâm Đồng lâu nay chú trọng đổi mới nhận thức của đội ngũ giáo viên, xem việc thực hiện nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT là một mệnh lệnh tất yếu của thời đại; giáo viên cần đổi mới phương pháp giảng dạy, phát triển năng lực của người học, giúp học sinh tiếp cận và thay đổi phương pháp học tập, hướng tới mục tiêu của GD-ĐT.
 
Người giáo viên cần học hỏi, cập nhật kiến thức thường xuyên nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nhận thức của cá nhân đối với xã hội và thời đại… Từ đó, có định hướng giúp học sinh đến với tư duy và thế giới quan khoa học mới mẻ, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại. Giáo viên không chỉ có kiến thức tổng hợp, kỹ năng, phương pháp giảng dạy, mà còn phải có nhân cách tốt; vai trò người thầy không chỉ dạy học sinh qua kiến thức những tiết dạy trên lớp mà cần phải giáo dục thông qua hành động của bản thân.
 
PV: Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên lâu nay được ngành GD-ĐT Lâm Đồng thực hiện như thế nào?
 
Bà Đàm Thị Kinh: Có thể nói, đây là một trong những nhiệm vụ ưu tiên mà ngành đang thực hiện; ngay sau khi Nghị quyết số 29-NQ/TW ban hành, Sở GD-ĐT Lâm Đồng đã xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục theo từng giai đoạn, từng năm học cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế để từng bước chuẩn hóa đội ngũ theo từng cấp học và trình độ đào tạo. 
 
Năm học 2016 - 2017:
1. Toàn ngành có 24.167 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; trong đó cán bộ quản lý: 1.779; giáo viên: 17.982; các loại hình nhân viên: 4.406. 
2. Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn, trên chuẩn
- Mầm non: đạt chuẩn 95,3%; trên chuẩn 39,7% 
- Tiểu học: đạt chuẩn 99,7%; trên chuẩn 71,2% 
- Trung học cơ sở: đạt chuẩn 99,8%; trên chuẩn 61,5%
- Trung học phổ thông: đạt chuẩn 99,9%; trên chuẩn 6,4% 
- Trung cấp chuyên nghiệp: đạt chuẩn 100%; trên chuẩn 5,2% 
- Cao đẳng: đạt chuẩn 100%; trên chuẩn 35%.
Hiện nay, đội ngũ giáo viên các cấp học của tỉnh đã cơ bản đạt trình độ chuẩn theo quy định, trong đó ,giáo viên ở bậc tiểu học, trung học cơ sở (THCS) có trình độ từ đại học trở lên cùng giáo viên cấp trung học phổ thông (THPT), cao đẳng có trình độ thạc sỹ trở lên đang ngày càng tăng.
 
Chỉ tính trong 3 năm qua, toàn ngành trung bình mỗi năm có khoảng 1.000 giáo viên mầm non và phổ thông đào tạo trên chuẩn; có gần 140 giáo viên hoàn thành hoặc đang theo học thạc sỹ; hiện có trên 10 cán bộ, giáo viên đã hoàn thành hoặc đang theo học trình độ tiến sỹ.
 
Ngành cũng tăng cường công tác bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh các cấp học theo yêu cầu của Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020. Đến nay, Lâm Đồng đã tiến hành khảo sát, bồi dưỡng 718/1.261 giáo viên Tiếng Anh (đạt 57%), bồi dưỡng ở nước ngoài 22 giáo viên (18 giáo viên tại Malaysia và 4 giáo viên tại Singapore). Có 39 trường THCS với 173 lớp và 5.963 học sinh; 7 trường THPT với 22 lớp và 798 học sinh học theo chương trình Tiếng Anh 10 năm.
 
Ngành đã phối hợp với các đơn vị từ trung ương đến địa phương mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý cho đội ngũ cán bộ quản lý đương nhiệm và nguồn trong quy hoạch đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn cán bộ lãnh đạo.
 
Ngành chỉ đạo Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt đổi mới mạnh mẽ mục tiêu, nội dung, phương pháp đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng và đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của sinh viên và nhà giáo theo yêu cầu nâng cao chất lượng, trách nhiệm, đạo đức và năng lực nghề nghiệp.
 
Công tác tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục trên cơ sở đánh giá năng lực, đạo đức nghề nghiệp và hiệu quả công tác của từng giáo viên, nhân viên đều thực hiện đúng theo tiêu chuẩn, điều kiện quy định; qua đó giúp cho đội ngũ nhà giáo của ngành yên tâm công tác. Việc bố trí giáo viên giảng dạy ở từng môn học, cấp học cơ bản thực hiện đúng bằng cấp, trình độ chuyên môn và phù hợp với năng lực của giáo viên, không có tình trạng bố trí giáo viên giảng dạy chéo môn, trái chuyên môn.
 
Ngành cũng thực hiện nghiêm túc đánh giá, phân loại công chức, viên chức đúng quy định, kiên quyết đưa ra khỏi ngành đối với những người không đủ phẩm chất, năng lực, không đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; khuyến khích đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý tự bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; tăng cường hỗ trợ các nhà giáo có tinh thần nghiên cứu khoa học, đổi mới phương pháp để tăng cường tính chủ động, sáng tạo của người học.
 
Học sinh Trường DTNT huyện Lạc Dương. Ảnh: Văn Báu
Học sinh Trường DTNT huyện Lạc Dương. Ảnh: Văn Báu

PV: Thưa bà, làm thế nào để mỗi thầy, cô giáo là tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo mà ngành đang phát động?
 
Hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
1. Ngày 16/11/2016, Sở Giáo dục và Đào tạo và Công đoàn ngành GD-ĐT tổ chức chương trình tuyên dương nhà giáo, cán bộ quản lý năm 2016 và kỷ niệm 34 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2016). Có 89 nhà giáo, cán bộ quản lý năm 2016 được tuyên dương. 
2. Trong dịp này, nhiều đơn vị, trường học tổ chức đón nhận khen thưởng cấp Nhà nước, khen thưởng năm học 2015 - 2016, Bằng công nhận trường đạt chuẩn quốc gia, kỷ niệm 15 năm thành lập trường.
* Trường THPT Chuyên Thăng Long - Đà Lạt đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì. 
* Trường THPT Đức Trọng đón nhận Cờ thi đua của Chính phủ (năm 2016).
* 19 tập thể được Bộ GD-ĐT, UBND tỉnh tặng Cờ thi đua năm học 2015 - 2016; 17 tập thể, 25 cá nhân được tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT “Đạt thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua Dạy tốt, Học tốt năm học 2015 - 2016”.
* 6 cá nhân ngoài ngành và 218 cá nhân trong ngành được Bộ GD-ĐT tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Giáo dục”.
* Trường THPT Trần Phú và THPT Đạ Tông tổ chức kỷ niệm 15 năm ngày thành lập trường, được tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT và Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh. 
Bà Đàm Thị Kinh: Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân từng cho rằng để phát triển GD, mấu chốt vấn đề là ở các thầy cô giáo, mà điều căn bản, cốt lõi nhất của thầy cô giáo phải là tấm gương về đạo đức; bởi ở cấp phổ thông, nhiệm vụ chính là dạy học sinh trở thành công dân tốt; muốn như vậy, thầy cô giáo trước hết phải là công dân tốt và trong một xã hội không ngừng phát triển, thầy cô giáo cũng phải không ngừng phát triển, phải là một tấm gương tự học, tự nỗ lực.
 
Để là tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo, mỗi thầy cô giáo cần có ý thức tổ chức kỷ luật, có trách nhiệm thực hiện pháp luật và tinh thần phục vụ nhân dân trong các hoạt động GD, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các tiêu cực trong GD; yêu ngành, yêu nghề, gần gũi với nhân dân, đồng nghiệp, thương yêu học sinh; đoàn kết giúp đỡ đồng nghiệp cùng hoàn thành tốt nhiệm vụ, tận tâm giúp đỡ học sinh khi các em gặp khó khăn.
 
Các thầy cô giáo cần không ngừng học tập nâng cao phẩm chất đạo đức, trình độ chính trị, chuyên môn và tin học, đáp ứng yêu cầu về chuẩn nghề nghiệp giáo viên; khắc phục khó khăn, có kế hoạch và ý chí vươn lên rèn luyện kĩ năng, phương pháp tự học, tự nghiên cứu để chiếm lĩnh kiến thức, hoàn thiện kĩ năng GD và nghệ thuật sư phạm. 
 
Cần coi rằng việc tự học của nhà giáo và cán bộ quản lý trong nhà trường vừa là quá trình để tự hoàn thiện mình vừa là tấm gương cho học sinh noi theo.
 
Mỗi thầy cô giáo cũng cần là người đi đầu trong sáng tạo, vận dụng kiến thức đổi mới phương pháp, đưa tri thức và công nghệ mới vào quá trình giảng dạy, tham gia nghiên cứu khoa học; tích cực nghiên cứu tự làm thêm đồ dùng dạy học, cải tiến đồ dùng đã có phù hợp với điều kiện thực tế của lớp dạy và học sinh; biết cách phát hiện bồi dưỡng những học sinh giỏi có năng khiếu, phụ đạo học sinh yếu kém. 
 
Mỗi nhà giáo cũng không ngừng học tập và rèn luyện theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh mà toàn ngành đang phát động; tuân thủ các chuẩn mực đạo đức nhà giáo; phát huy tinh thần trách nhiệm, giữ gìn uy tín để phát triển bền vững nhà trường. Các trường học cũng cần nâng cao vai trò, uy tín của thầy cô giáo, cán bộ viên chức nhà trường trong hoạt động GD; xây dựng những tấm gương sinh động, điển hình về đạo đức, về tinh thần tự học và sáng tạo để thầy cô giáo và học sinh trong trường noi theo.
 
PV: Xin chân thành cảm ơn bà!
 
VIẾT TRỌNG (thực hiện)