"Chỗ dựa" của công nhân lao động nghèo

08:12, 13/12/2016

Hơn 20 năm hoạt động, "Quỹ trợ vốn cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn" của Liên đoàn Lao động tỉnh ngày càng trở thành "chỗ dựa", trao "cần câu" giúp cho nhiều hoàn cảnh khó khăn vươn lên.

Hơn 20 năm hoạt động, “Quỹ trợ vốn cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn” của Liên đoàn Lao động tỉnh ngày càng trở thành “chỗ dựa”, trao “cần câu” giúp cho nhiều hoàn cảnh khó khăn vươn lên.
 
Nguồn Quỹ trợ vốn cho CNVCLĐ nghèo đã giúp nhiều CNVCLĐ giải quyết khó khăn trước mắt. Ảnh: T.Vũ
Nguồn Quỹ trợ vốn cho CNVCLĐ nghèo đã giúp nhiều CNVCLĐ giải quyết khó khăn trước mắt.
Ảnh: T.Vũ

Tìm đúng địa chỉ cần vay
 
Anh Dương Đức Văn (Chủ tịch Công đoàn Công ty Apec (phường 3, TP Đà Lạt) cho biết, nhiều năm qua, công nhân của công ty đều được thụ hưởng từ Quỹ trợ vốn cho công nhân lao động (CNLĐ) có hoàn cảnh khó khăn của Liên đoàn Lao động tỉnh.
 
Nếu như từ năm 2013 trở về trước, trung bình mỗi năm Công đoàn Công ty được phân bổ khoảng 40 triệu đồng (trung bình là 8 người được vay) thì từ năm 2014 trở lại đây, số tiền được phân bổ mỗi năm là 60 triệu đồng, cho 12 người được vay. 
 
“Hiện, Công ty có 4 tổ công đoàn, với 170 công nhân lao động. Để được vay vốn từ nguồn quỹ này, Ban Chấp hành Công đoàn Công ty sẽ phân bổ số lượng đoàn viên được vay về các tổ công đoàn, các tổ công đoàn sẽ bình bầu, xét danh sách công nhân có hoàn cảnh khó khăn đưa lên BCH xét lại một lần nữa, sau đó mới giải ngân. Vì vậy, nguồn vốn đến được đúng đối tượng cần vay, đó là những công nhân lao động trực tiếp, có hoàn cảnh thật sự khó khăn; những trường hợp đau ốm bệnh tật hay mẹ đơn thân nuôi 3 con nhỏ...” - anh Văn cho biết thêm. 
 
Cũng với cách làm như trên, 10 năm nay, Liên đoàn Lao động huyện Lâm Hà đã giải ngân cho hàng trăm lượt công nhân lao động nghèo được vay vốn. 
 
“Để nguồn vốn thật sự phát huy hiệu quả, Liên đoàn Lao động huyện đã thành lập ban xét duyệt vốn vay, hướng dẫn công đoàn cơ sở khảo sát đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn. Sau đó, Ban chấp hành cơ sở sẽ bình xét đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn nhất trong số đó để trình lên Liên đoàn Lao động huyện xét thêm một lần nữa trước khi giải ngân. Đồng thời, ngay sau khi thu hồi vốn, chúng tôi lại xoay vòng cho vay lại ngay, không để nguồn vốn “chết”. Vì vậy, nhiều năm qua, nguồn vốn trên đã thật sự tìm đúng những địa chỉ cần vốn nhất và cũng rất kịp thời” - ông K’Dung - Chủ tịch LĐLĐ huyện Lâm Hà nói.
 
Không ngừng lớn mạnh
 
Theo ông Phạm Hồng Thọ, Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật (LĐLĐ tỉnh), được thành lập trên cơ sở sáp nhập từ 2 quỹ “Công nhân lao động nghèo” và “Nữ công nhân lao động nghèo”, qua hơn 20 năm hình thành và phát triển, “Quỹ trợ vốn cho CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn” của LĐLĐ tỉnh ban đầu với số vốn 58,64 triệu đồng (1993) đến nay đã tăng dần lên gần 7 tỷ đồng.
 
Hàng năm, từ nguồn quỹ này đã góp phần giúp đỡ và giải quyết việc làm cho hàng ngàn lượt lao động nhàn rỗi trong gia đình CNVCLĐ. 
 
Mục tiêu hoạt động của Quỹ CEP
 
• Cung cấp các dịch vụ tài chính vi mô cho người nghèo và nghèo nhất nhằm giúp họ bắt đầu và phát triển công việc làm ăn, sản xuất nhỏ.
• Giảm nghèo thông qua các hoạt động tạo thu nhập của người nghèo giúp họ cải thiện an sinh gia đình.
• Giảm tỉ lệ thất nghiệp trong người nghèo.
• Tham gia giúp người nghèo xây dựng cộng đồng, chia sẻ trách nhiệm và ý thức cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường xã hội lành mạnh.
• Mở rộng cung cấp các dịch vụ tài chính vi mô cho số lượng người nghèo và duy trì sự bền vững tài chính của tổ chức.
Việc huy động phát triển, cũng như quản lý sử dụng quỹ luôn được đổi mới để phù hợp với tình hình thực tiễn của phong trào CNVCLĐ, hoạt động công đoàn nói chung và của LĐLĐ tỉnh nói riêng. Qua đó, nhiều hoạt động thiết thực đã được triển khai như: Phát hành vé số (năm 2001); vận động đoàn viên, CNVCLĐ đóng góp mỗi tháng 1.000 đồng. Đặc biệt, từ năm 2011, Ban Chấp hành LĐLĐ tỉnh đã quyết nghị vận động đóng góp xây dựng Quỹ từ mức vận động 12.000 đồng/người/năm lên mức 40.000 đồng/người/năm.
 
Với 7 tỷ đồng hiện có, “Quỹ trợ vốn cho CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn” của LĐLĐ tỉnh từ định mức cho vay 2 triệu đồng/lượt vay đến nay tăng lên 10 triệu đồng/lượt vay; từ thời hạn cho vay tối đa 12 tháng đến nay đã được nâng lên 24 tháng; từ số lượng đoàn viên được vay vốn là 29 người/năm đến nay đã tăng lên 1.125 người/năm. 
 
Không chỉ tạo điều kiện cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn có thêm kinh phí trang trải khó khăn trước mắt mà trong số đó, có nhiều trường hợp đặc biệt khó khăn đã được LĐLĐ tỉnh xóa nợ, với những lý do như: bản thân đoàn viên vay vốn bị chết; gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn không có điều kiện chi trả... Tính đến nay, đã có 4 trường hợp ở 4 đơn vị trong tỉnh được xóa nợ với những lý do trên.
 
Nhằm thuận lợi hơn trong công tác quản lý, điều hành, cho vay và thu hồi vốn, năm 2007, LĐLĐ tỉnh đã quyết định phân cấp “Quỹ trợ vốn cho CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn” tới LĐLĐ các huyện, thành phố, các công đoàn ngành trực thuộc LĐLĐ tỉnh trực tiếp quản lý và cho vay vốn. Từ đó, công tác quản lý, cho vay và thu hồi vốn đã hợp lý hơn, tiết kiệm được thời gian cho cán bộ làm công tác cho vay cũng như người được vay vốn so với khi quản lý cho vay tại LĐLĐ tỉnh. 
 
“Từ khi nguồn vốn được phân cấp về LĐLĐ huyện, thành phố, các công đoàn ngành, việc cho vay và thu hồi vốn đã thật sự có hiệu quả hơn; đồng thời, nợ khó đòi và nợ quá hạn giảm đáng kể” - ông Thọ cho biết thêm.
 
Cần thiết mở rộng nguồn vốn, tăng số tiền cho vay
 
Đó là ý kiến của hầu hết các lãnh đạo công đoàn khi nói về Quỹ trợ vốn cho CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn. Bởi, hiện, do nguồn vốn có hạn nên số lượt đoàn viên, CNLĐ nghèo, khó khăn được vay vốn còn hạn chế. Bên cạnh đó, mức vay thấp nên chưa đủ tạo việc làm có quy mô lớn và có tính bền vững.
 
“Thật sự là mỗi đợt giải ngân, lượng công nhân cần vay lúc nào cũng nhiều hơn số công nhân được vay rất nhiều lần. Vì số lượng có hạn nên chúng tôi cũng chỉ xét những trường hợp là CNLĐ trực tiếp, có thâm niên làm việc từ 2-3 năm trở lên mới được vay vốn. Vì vậy, chúng tôi cũng rất mong số lượng CNLĐ được vay vốn sẽ được tăng lên, mức vay cũng kéo dài ra để tạo điều kiện cho người lao động có cuộc sống tốt hơn. Vì khi đời sống được ổn định, họ sẽ làm việc tốt hơn” - anh Dương Đức Văn - Chủ tịch Công đoàn Công ty Apec chia sẻ thêm.
 
Ông K’Dung - Chủ tịch LĐLĐ huyện Lâm Hà cũng cho rằng, từ khi triển khai đến nay, nguồn vốn đã thật sự phát huy hiệu quả và thiết thực với CNLĐ nghèo. Bởi, CNLĐ khó khăn hiện vẫn còn rất nhiều, nhất là giáo viên mầm non, công nhân vệ sinh, người lao động tại các công ty, xí nghiệp... Chính nguồn vốn này đã tạo điều kiện cho họ có thêm nguồn vốn để phát triển việc làm, chăm sóc gia đình. “Tuy nhiên, nhu cầu vay vốn hiện nay vẫn lớn hơn rất nhiều so với nguồn cung. Vì vậy, chúng tôi rất mong có thêm nhiều nguồn vốn vay hơn nữa, số tiền cho vay cũng nhiều hơn và thời hạn cho vay cũng nâng lên khoảng từ hai năm rưỡi đến 3 năm thì tốt nhất. Có như thế mới tạo điều kiện cho người lao động xoay vòng vốn có hiệu quả hơn”- ông K’Dung góp thêm ý kiến.
 
Nói thêm về vấn đề này, ông Phạm Hồng Thọ - Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật cho biết: “Để có thêm nguồn vốn, LĐLĐ tỉnh vừa chỉ đạo từ quý 4 năm 2016 đến tháng 6/2017, cần phải phát triển quỹ thêm 3 tỷ đồng nữa, đưa tổng quỹ lên 10 tỷ đồng. Và đến thời điểm này, nhiều công đoàn cơ sở đã vào cuộc. Cùng đó, nguồn vốn cũng được bổ sung thêm bằng cách lấy tiền lãi từ số tiền cho công nhân vay sau khi hết hạn để bổ sung vào nguồn quỹ để cho vay tiếp. Đồng thời, LĐLĐ tỉnh cũng đang tiến tới thành lập Quỹ CEP (Quỹ trợ vốn cho người lao động nghèo tự tạo việc làm) theo chỉ đạo của Tổng Liên đoàn Lao động”.

Ông Lưu Văn Lợi - Chủ tịch Công đoàn LĐLĐ huyện Đức Trọng:
 
LĐLĐ huyện Đức Trọng được phân cấp 295 triệu đồng từ nguồn quỹ này và đã giải ngân. Với mức vay 9 - 10 triệu đồng/người, cùng với lãi suất thấp đã giúp cho nhiều gia đình giải quyết khó khăn trước mắt. Tuy nhiên, nguồn vốn thì ít, người cần vay lại rất nhiều nên chúng tôi rất mong sẽ được bổ sung thêm nguồn vốn vay để có thêm nhiều CNLĐ nghèo được hỗ trợ.
 
Ông Nguyễn Đình Hòe - Chủ tịch Công đoàn viên chức:
 
Phải nói rằng, nguồn vốn trên thật sự rất thiết thực. Chính nguồn vốn này đã giúp giải quyết khó khăn nhất thời cho một số CNVCLĐ khó khăn, trong một số trường hợp cấp bách như: Cần tiền đóng học cho con, cần tiền đưa con đi thi hay ốm đau, bệnh tật bất ngờ… Vì vậy, tôi nghĩ nên duy trì hoạt động của nguồn vốn này, đồng thời, nên bổ sung thêm nguồn vốn để có thêm suất vay cho người lao động vì trên thực tế, “cung” vẫn không đủ “cầu”.
 
Ông Từ Hồng Hải - Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Đà Lạt:
 
Vì nguồn vốn ít nên cũng chỉ giúp người lao động giải quyết khó khăn tạm thời, hoặc có thể vay để mua sắm một số vật dụng trong gia đình như tủ lạnh, ti vi, xe máy… còn nếu để dùng nguồn vốn vay này để phát triển kinh tế thì không thể đủ! Vì vậy, để tạo điều kiện cho CNVCLĐ thì nên mở rộng thêm nguồn vốn và tăng số tiền cho vay hơn nữa.
 
Phạm Thị Xuân - Đoàn viên Công đoàn cơ sở xã Ninh Gia, Đức Trọng:
 
Tôi và chồng tôi công tác cùng cơ quan, tôi làm ở Văn phòng Ủy ban xã, còn chồng tôi là anh Lê Đăng Hạnh làm ở Ban Địa chính xã. Đều là công chức nên cuộc sống cũng không khấm khá gì. Tháng 7/2016 vừa qua, vợ chồng tôi được Công đoàn xã tạo điều kiện cho vay một suất từ nguồn “Quỹ trợ vốn cho CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn”. Đối với vợ chồng cùng làm công chức xã và mới cưới như chúng tôi, số tiền 9 triệu đồng từ nguồn quỹ này, giúp chúng tôi rất nhiều. Ngay sau khi được giải ngân, tôi đã bỏ thêm vào một ít vốn nữa để mua ngay một con bò cái về để chăn nuôi, có thêm thu nhập. Tôi thấy nguồn vốn trên thật sự rất thiết thực.

THY VŨ