Đức Trọng với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em

08:12, 20/12/2016

Sau 5 năm thực hiện chỉ thị, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trên địa bàn huyện Đức Trọng đã có nhiều tín hiệu vui

Xác định việc chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em là vấn đề có tính chiến lược lâu dài, là trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường và toàn xã hội; ngày 5/12/2012, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 20 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới”. Sau 5 năm thực hiện chỉ thị, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trên địa bàn huyện Đức Trọng đã có nhiều tín hiệu vui.
 
Để triển khai thực hiện chỉ thị, ngay từ đầu năm 2013, Ban Thường vụ Huyện ủy Đức Trọng đã ban hành hơn 10 kế hoạch khác nhau liên quan đến các vấn đề cụ thể như: phòng chống tai nạn, thương tích trẻ em, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, phòng ngừa giảm thiểu lao động trẻ em... Đồng thời, Ban Thường vụ Huyện ủy cũng yêu cầu các tổ chức cơ sở đảng, các đơn vị liên quan, các xã, thị trấn phổ biến đến toàn thể cán bộ, đảng viên cũng như tuyên truyền thực hiện rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân. Từ đó, công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực trẻ em được tăng cường; việc huy động và sử dụng nguồn lực để thực hiện các mục tiêu vì trẻ em ngày càng có hiệu quả. 
 
Từ năm 2012 đến nay, tổng kinh phí hỗ trợ cho công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên địa bàn huyện trên 5 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước gần 700 triệu đồng, ngân sách vận động trên 4,5 tỷ đồng. 
 
Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong thực hiện Chương trình bảo vệ trẻ em, trong giai đoạn 2016 - 2020, Ban Thường vụ Huyện ủy Đức Trọng đặt ra các mục tiêu phấn đấu cụ thể như: giảm tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên tổng số trẻ em xuống còn 5%, giảm tỷ lệ số trẻ em bị xâm hại. Trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt được quản lý và có các biện pháp can thiệp, trợ giúp kịp thời; 90% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp, chăm sóc để phục hồi, hòa nhập cộng đồng và có cơ hội để phát triển.
Theo kết quả kiểm tra của UBND huyện Đức Trọng  cho thấy, hiện nay, huyện đã hoàn thành Chương trình quốc gia bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011 - 2015 và đạt 100% kế hoạch đề ra, gồm 2 dự án chính: Dự án truyền thông, giáo dục, vận động xã hội về bảo vệ trẻ em và mô hình 2 dự án, 4 duy trì và nhân rộng mô hình phòng ngừa, trợ giúp trẻ em lang thang, trẻ em phải lao động nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc với chất độc hại dựa vào cộng đồng với kinh phí 163 triệu đồng. 
 
Theo đó, mô hình đã được triển khai tại 4/15 xã, thị trấn. Tư vấn, tham vấn, phục hồi tâm lý, thể chất cho 236 trẻ em. Trợ giúp cho hơn 1.400 trẻ em tiếp cận với các dịch vụ giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí, phúc lợi xã hội khác để hòa nhập cộng đồng. Gần 400 trẻ em được tập huấn kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ. Chủ động phòng ngừa, giảm thiểu, loại bỏ các nguy cơ gây tổn hại trẻ em, hạn chế tình trạng trẻ em bị xâm hại, bị bạo lực, mua bán…
 
Công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em được cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn huyện quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện nhằm tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để trẻ em được đảm bảo các quyền cơ bản, được chăm sóc học tập, vui chơi giải trí trong môi trường an toàn, thân thiện, lành mạnh nhất. 
 
Nhờ đó, công tác chăm sóc sức khỏe, đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ em được cải thiện đáng kể. Tỷ lệ trẻ em được tiêm chủng miễn dịch cơ bản đạt 100%, duy trì bền vững thành quả thanh toán bại liệt, loại trừ bệnh sởi. Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng theo cân nặng còn dưới 9%. Đảm bảo 100% trẻ em dưới 6 tuổi được khám, chữa bệnh miễn phí tại các cơ sở y tế công lập. Công tác giáo dục trẻ em có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ trẻ em đến lớp mầm non đạt 87%, trẻ em 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%. Hiện Đức Trọng đã hoàn thành phổ cập tiểu học đúng độ tuổi, đạt chuẩn phổ cập THCS và phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Công tác bảo vệ, xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em được chú trọng, 15/15 xã, thị trấn được công nhận phù hợp với trẻ em. Trên 90% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được chăm sóc; 70% trẻ em được phát hiện có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt được can thiệp, giúp đỡ, loại bỏ nguy cơ...
 
Mặc dù việc thực hiện Chỉ thị 20 đã có nhiều chuyển biến trên địa bàn, song vẫn còn những hạn chế nhất định. Theo đánh giá từ Văn phòng Huyện ủy Đức Trọng, hiện một số cấp ủy, chính quyền nhận thức chưa đầy đủ về trách nhiệm và tầm quan trọng của công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em, chưa có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng mức cho công tác này. Sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường, các đoàn thể và xã hội trong việc chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em chưa thường xuyên, thiếu chặt chẽ. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em hiệu quả chưa cao; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật về chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em còn hạn chế; môi trường xã hội tiềm ẩn nhiều nguy cơ, tác động không tốt đến trẻ em.
 
Năm 2016, Huyện ủy, UBND huyện Đức Trọng và các ngành chức năng tiếp tục lồng ghép các nội dung của Chỉ thị 20 vào các kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng các cấp như: Kế hoạch thực hiện Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị hàng năm… 
 
Bên cạnh đó, lồng ghép vào kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Nghị quyết đại hội Đảng các cấp; ưu tiên và đảm bảo việc thực hiện đầy đủ các quyền trẻ em theo quy định của pháp luật; xây dựng phong trào “toàn dân chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
 
NGỌC NGÀ