"Giáo dục là việc của con tim"

09:12, 26/12/2016

Có những lớp học mà nơi đó có em 10 tuổi, 13 tuổi mới bước vào lớp 1. Có những em sáng miệt mài bên con chữ nhưng chiều lại về với xấp vé số trên tay để bươn chải mưu sinh. Có những đứa trẻ sinh ra chưa một lần nhìn thấy mặt trời. Và cũng có những em chưa từng nghe thấy những âm thanh của cuộc sống…

Có những lớp học mà nơi đó có em 10 tuổi, 13 tuổi mới bước vào lớp 1. Có những em sáng miệt mài bên con chữ nhưng chiều lại về với xấp vé số trên tay để bươn chải mưu sinh. Có những đứa trẻ sinh ra chưa một lần nhìn thấy mặt trời. Và cũng có những em chưa từng nghe thấy những âm thanh của cuộc sống…
 
Có những lớp học mà nơi đó: Có giáo viên là những người đã về hưu nhưng vẫn nặng lòng với nghiệp gieo chữ; cũng có khi là người trẻ muốn trao yêu thương cho những mảnh đời nghèo khó, lang thang…
 
Đó là sự hòa hợp tốt đẹp giữa Đạo và Đời suốt gần 15 năm qua ở các lớp học tình thương nơi Học viện triết học Don Bosco Đà Lạt.
 
Chưa bao giờ những đứa trẻ này thôi hào hứng với việc học. Ảnh: N.Ngà
Chưa bao giờ những đứa trẻ này thôi hào hứng với việc học. Ảnh: N.Ngà

Những mảnh đời bất hạnh
 
“Các em học sinh ở đây đều là những mảnh đời bất hạnh. Các em không khó khăn về vật chất cũng khiếm khuyết về tinh thần” - cô giáo Nguyễn Kiều Diễm - giáo viên giảng dạy môn tiếng Anh ở các lớp học tình thương này đã nói với chúng tôi như thế khi kể về những học trò của mình. Năm học này các lớp học tình thương có 90 em học sinh từ lớp 1 đến lớp 5. Có em, nhỏ nhất chỉ vừa 6 tuổi nhưng có em cũng đã 16, 18 tuổi đời. Đa phần là những hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ mưu sinh bằng nghề bán hàng rong, bán vé số dạo không đủ tiền hoặc không đủ giấy tờ để cho các em theo học ở các trường công lập. 
 
Suốt 15 năm qua, buổi sáng từ thứ hai đến thứ sáu trong tuần lẫn trong tiếng chuông nhà thờ bình yên ở Don Bosco là tiếng trẻ thơ vui đùa rộn rã. Các lớp học tình thương ở Don Bosco Đà Lạt đã tiếp nhận hàng trăm em nhỏ không phân biệt tôn giáo, dân tộc.
Lâm Lương Nhân - cậu bé 6 tuổi nhưng cân nặng không nổi 10 kg. Không có chồng, không có công việc, không biết chữ, mẹ Lương Nhân đã mang em từ Phan Rang lên phố núi mưu sinh. Tuy không biết chữ, nhưng người mẹ ấy đã đặt cho con trai mình cái tên Lương Nhân chất chứa đầy hy vọng mai này em sẽ trở thành một con người lương thiện. Có lẽ vì mong ước đó mà người phụ nữ này đã đưa Lương Nhân đến với lớp học tình thương ở Don Bosco. 
 
Hay như câu chuyện của ba chị em Kim Chi (lớp 1), Mộng Lành (lớp 2), Diệu Hiền (lớp 3). Cả ba chị em đều đi học khi đã quá tuổi. Diệu Hiền năm nay đã 14 tuổi nhưng em chỉ mới học lớp 3 bởi bố mẹ em đi bán vé số không đủ tiền cho con đi học. Suốt nhiều năm liền Hiền ở nhà trông chừng các em để bố mẹ bươn chải mưu sinh. Các lớp học tình thương ở Don Bosco Đà Lạt đã đón chào cả ba cô bé để ươm mầm con chữ trong các em và đồng thời cũng gieo thêm hy vọng về một ngày mai tươi sáng cho bố mẹ chúng...
 
Đó là những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn, nhưng nơi này cũng còn những em học sinh khiếm khuyết một phần cơ thể hoặc bị bệnh thiểu năng trí tuệ. Có em không nhớ nổi tên mình. Bởi vậy, ngoài việc dạy con chữ, các giáo viên ở đây còn chia sẻ để các em hòa nhập hơn với cuộc sống. Các em được nhà dòng cũng như những nhà hảo tâm tài trợ ăn uống và cung cấp đồ dùng học tập như quần áo, sách vở… 
 
Tất cả vì tình mến
 
Mục tiêu và phương hướng hoạt động của các lớp học tình thương ở nơi này được thực hiện theo câu phương châm của nhà giáo dục Don Bosco: “Giáo dục là công việc của cõi lòng”. Và tất cả những con người ở đây cũng vậy họ sống và cho đi, tất cả vì tình mến. 
 
Trong câu chuyện với Linh mục Đinh Văn Triển, ông đã nói với chúng tôi về câu chuyện của sự cho đi rằng: “Sống là phải cho đi. Như một dòng sông nếu cứ chảy sẽ bồi đắp phù sa cho nhiều vùng đất và nhiều người sẽ được dùng nước của dòng sông đó. Còn nếu đắp lại nó sẽ thành ao tù”. 
 
Giáo viên trong các lớp học tình thương hầu hết là những cô giáo trước đây đã dạy tại các trường trong TP Đà Lạt nay đã về hưu. Họ đa phần là những người không theo đạo Thiên Chúa nhưng có lòng nhiệt huyết với nghề và nhất là lòng thương cảm đối với những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn. Cô giáo Nguyễn Thị Thu - người có 4 năm giảng dạy ở nơi này nói rằng: Các cô giáo đến với lớp học tình thương tất cả vì tình cảm đối với học trò. Các em ở nhiều độ tuổi khác nhau, hoàn cảnh khác nhau và cả sự khiếm khuyết khác nhau. Nhìn ánh mắt rạng rỡ của học trò, sự hào hứng học tập của các em và ánh mắt hy vọng của những người cha, mẹ khốn khó khiến cho những cô giáo đứng trên bục giảng càng khao khát hơn việc làm tròn nghĩa vụ thiêng liêng của mình. 
 
Ở nơi này, có những đứa trẻ đã 17, 18 tuổi rất cá biệt và ương bướng nhưng các giáo viên và linh mục Đinh Văn Triển vẫn kiên nhẫn bởi “nếu mình buông tay thì các em sẽ tiếp tục lang thang, sẽ lầm lỡ trong cuộc đời xô bồ, phức tạp”. 
 
Linh mục Đinh Văn Triển đã kể với chúng tôi với giọng nói đầy vui mừng rằng: có nhiều em học sinh ở lớp học tình thương thi đậu vào các trường cấp 2 công lập. Nhiều em đã khôn lớn trưởng thành. Nhiều năm trôi qua, nhưng ngày 20/11 hằng năm, các em vẫn trở về thăm lại thầy cô nơi này và mang theo mong muốn chia sẻ như những gì các em đã nhận. Không hẳn chỉ là vật chất, có em trở về và nói “Cha ơi, con muốn làm gì đó cho các em. Con không có tiền, con muốn cắt tóc cho các em được không ạ”. Chỉ đơn giản vậy thôi nhưng đã làm cho Cha, cho thầy cô và cho mọi người trào dâng niềm hạnh phúc. Bởi điều đó chứng tỏ rằng trong các em luôn có lòng biết ơn.
 
N. NGÀ