Kiểm tra, giám sát các chính sách bình đẳng giới

09:12, 02/12/2016

Hoạt động kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách liên quan đến phụ nữ là một nhiệm vụ quan trọng của Hội LHPN các cấp nhằm bảo vệ quyền hợp pháp và lợi ích chính đáng của phụ nữ. Trong thời gian qua, Hội Phụ nữ huyện Đơn Dương đã làm tốt công tác kiểm tra, giám sát chính sách bình đẳng giới.

Hoạt động kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách liên quan đến phụ nữ là một nhiệm vụ quan trọng của Hội LHPN các cấp nhằm bảo vệ quyền hợp pháp và lợi ích chính đáng của phụ nữ. Trong thời gian qua, Hội Phụ nữ huyện Đơn Dương đã làm tốt công tác kiểm tra, giám sát chính sách bình đẳng giới (BĐG).
 
Chị em tham quan mô hình sản xuất giỏi của hội viên DTTS ở Đơn Dương. Ảnh: A.Nhiên
Chị em tham quan mô hình sản xuất giỏi của hội viên DTTS ở Đơn Dương. Ảnh: A.Nhiên

Đơn Dương là huyện nằm phía đông nam Đà Lạt có 10 xã, thị trấn, 105 thôn, tổ dân phố với dân số hơn 100.000 người; trong đó, đồng bào DTTS chiếm hơn 1/3 dân số. Hội viên phụ nữ huyện có hơn 12.000 hội viên với 11 Hội cơ sở (10 Hội LHPN xã, thị trấn và Hội Phụ nữ Công an huyện). Phần lớn chị em hội viên phụ nữ làm nông nghiệp.
 
Thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, Hội LHPN huyện đã xây dựng kế hoạch chỉ đạo Hội phụ nữ các xã, thị trấn triển khai thực hiện. Trong đó, chú trọng công tác đẩy mạnh tuyên truyền tới nhân dân để đảm bảo các chế độ chính sách được thực hiện kịp thời, đúng đối tượng. Bên cạnh đó, thông qua các lớp tập huấn, các buổi sinh hoạt ở chi hội phụ nữ thôn, tổ dân phố, các buổi họp dân lồng ghép để giới thiệu, hướng dẫn các chủ trương liên quan đến quyền lợi phụ nữ, trẻ em để nhân dân hiểu rõ.
 
Trong 5 năm qua, cùng với các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, Hội LHPN từ huyện đến cơ sở phối hợp với cơ quan, ban, ngành chức năng giám sát các vấn đề an sinh xã hội như: Giám sát việc thực hiện Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ, hỗ trợ người nghèo, gia đình chính sách trong dịp lễ, tết; cấp phát tiền cho đối tượng bảo trợ xã hội, cấp phát phân bón cho hộ nghèo; cấp thẻ BHYT; giám sát thực hiện Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị về “Công tác phụ nữ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” và giám sát việc thực hiện Nghị định 56/2012/NĐ-CP ngày 16/7/2012 của Chính phủ Quy định trách nhiệm của bộ, ngành, UBND các cấp trong việc bảo đảm cho các cấp Hội LHPN Việt Nam tham gia quản lý nhà nước... 
 
Bà Phan Thị Hoài Thanh - Chủ tịch Hội LHPN huyện Đơn Dương cho biết: Thông qua hoạt động tuyên truyền, triển khai giám sát, kiến nghị sau giám sát, công tác giám sát đã đạt được một số kết quả cơ bản, trong đó công tác thực hiện cấp thẻ BHYT đã có chuyển biến rõ rệt so với trước, tình trạng cấp trùng, in sai đã hạn chế rất nhiều; quyền lợi của nhân dân trong việc thụ hưởng chính sách được quan tâm. Từ đó góp phần đảm bảo các chế độ chính sách được thực hiện kịp thời hơn và đúng đối tượng; góp phần làm tốt việc đảm bảo chính sách, chế độ cho người dân, trong đó có hội viên phụ nữ và trẻ em.
 
Ngoài ra, thực hiện công tác tham mưu, giới thiệu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ tham gia cấp ủy và giới thiệu quần chúng ưu tú để Đảng xem xét kết nạp, trong 5 năm qua, Hội LHPN các cấp đã giới thiệu 144 cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia học lớp cảm tình Đảng và đã kết nạp 110 chị vào Đảng (trong đó có 29 chị đảng viên là cán bộ Hội).
 
Hành động thiết thực vì bình đẳng giới
 
Trong Tháng hành động vì BĐG và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2016 từ ngày 15/11 - 15/12 với chủ đề: “Chung tay xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái”, các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và UBND các huyện, thành phố trong tỉnh tùy vào tình hình thực tế của đơn vị, địa phương triển khai các hoạt động như: Hội nghị, tọa đàm, tập huấn, truyền thông, tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao về chủ đề BĐG và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới. Đẩy mạnh tuyên truyền chủ đề, các thông điệp và các hoạt động của Tháng Hành động trên các phương tiện thông tin đại chúng; treo băng rôn, khẩu hiệu, panô, áp phích tại trụ sở, cơ quan, trường học, các trục đường chính, nơi công cộng, khu đông dân cư. Tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành vì sự tiến bộ của phụ nữ và BĐG.
Nhờ sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự tham mưu tích cực của Hội LHPN huyện, Ban Vì sự tiến bộ Phụ nữ huyện và công tác giám sát, phản biện được triển khai thường xuyên, tỷ lệ nữ tham gia vào vị trí quản lý, lãnh đạo vẫn giữ mức ổn định trong 2 nhiệm kỳ gần đây. Cụ thể, nhiệm kỳ 2015 - 2020 tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy huyện chiếm tỷ lệ 11,6% (nhiệm kỳ 2011 - 2015 là 11.63 %); nữ tham gia BCH cấp xã chiếm tỷ lệ 21% (nhiệm kỳ 2011 - 2015 20,9%).
 
Bên cạnh đó, có những chủ trương, chính sách liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích chính đáng của phụ nữ, Hội LHPN các cấp đã phối hợp với cơ quan chức năng lập đoàn giám sát, chủ trì giám sát như: Giám sát công tác giới thiệu nữ tham gia ứng cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 đảm bảo theo luật định. Kết quả, tỷ lệ nữ đại biểu HĐND huyện nhiệm kỳ 2016 - 2021 đạt 35% (nhiệm kỳ 2011-2016 đạt 35%); nữ đại biểu HĐND xã đạt 31,33% (nhiệm kỳ 2011 - 2016 đạt 23,6%).
 
Đồng thời để bảo đảm quyền lợi của phụ nữ, bà mẹ, trẻ em trong các phiên tòa, Hội LHPN huyện giới thiệu cán bộ Hội tham gia Hội thẩm nhân dân huyện, tham gia xét xử một số vụ án về hôn nhân gia đình, bạo lực gia đình, bạo hành trẻ em, lạm dụng tình dục trẻ em, quyền thừa kế, các vụ án ly hôn, tranh chấp quyền nuôi con và phân chia tài sản, giải quyết các vụ án tội phạm, mại dâm, ma túy… qua đó bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ và trẻ em.
 
Song song với các hoạt động giám sát, thực hiện Quyết định 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị về ban hành Quy định MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, Hội LHPN các cấp quan tâm xây dựng văn bản triển khai các hoạt động phản biện. Năm 2015, 2016 các cấp Hội Phụ nữ trong toàn huyện đã tổ chức lấy ý kiến góp ý của các tầng lớp phụ nữ về một số dự thảo luật: Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Bộ luật Hình sự; Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. Tổ chức cho cán bộ, hội viên tham gia góp ý xây dựng văn kiện Đại hội Đảng, văn kiện Đại hội Phụ nữ các cấp. Kết quả hơn 95% cán bộ, hội viên phụ nữ là đảng viên đã tham gia ý kiến vào dự thảo văn kiện Đại hội Đảng và văn kiện Đại hội Phụ nữ các cấp. Đa số các ý kiến tập trung vào vai trò, đóng góp của các cấp Hội trong việc thực hiện nghị quyết, các chỉ tiêu, nhiệm vụ liên quan đến công tác Hội và bình đẳng giới, công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và thực hiện chính sách đối với cán bộ nữ...
 
Với tinh thần trách nhiệm cao, các cấp Hội LHPN trên địa bàn huyện cùng chung sức phấn đấu nâng cao chất lượng hoạt động Hội, thực hiện tốt chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ; xứng đáng là cầu nối giữa phụ nữ với Đảng, Nhà nước, phát huy đầy đủ vai trò nòng cốt trong công tác phụ nữ, góp phần đưa Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị (khóa X) về Công tác Phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNH - HĐH đất nước vào cuộc sống.
 
Theo bà Phan Thị Hoài Thanh - Chủ tịch Hội LHPN huyện Đơn Dương, để phát huy những kết quả đạt được trong 5 năm qua, thời gian tới, Ban Thường vụ Hội LHPN huyện tiếp tục chỉ đạo thực hiện chương trình giám sát các nội dung liên quan đến quyền lợi hợp pháp và chính đáng của chị em cán bộ, hội viên, phụ nữ và trẻ em trên địa bàn huyện. Tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng công tác tham mưu và tham gia góp ý xây dựng, hoàn thiện và thực hiện hệ thống luật pháp, chính sách liên quan đến phụ nữ và bình đẳng giới, tạo điều kiện cho sự phát triển của phụ nữ, phát huy giá trị của người phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ CNH - HĐH đất nước. 
 
AN NHIÊN