Phát huy hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở ở Đơn Dương

08:12, 13/12/2016

Để trở thành 1 trong 5 huyện đầu tiên của cả nước về đích nông thôn mới vào giữa năm 2015, những năm qua, Đơn Dương đã luôn chú trọng đầu tư và huy động sức dân xây dựng hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở

Xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở là một trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Để trở thành 1 trong 5 huyện đầu tiên của cả nước về đích nông thôn mới vào giữa năm 2015, những năm qua, Đơn Dương đã luôn chú trọng đầu tư và huy động sức dân xây dựng hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở, đồng thời phát huy có hiệu quả góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân các dân tộc trong huyện. 
 
Nhà văn hóa xã Đạ Ròn được xây dựng khang trang - là nơi diễn ra nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao. Ảnh: Q.Uyển
Nhà văn hóa xã Đạ Ròn được xây dựng khang trang - là nơi diễn ra nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao. Ảnh: Q.Uyển

Nhận thức rõ thiết chế văn hóa là yếu tố quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, góp phần thúc đẩy phong trào văn hóa cơ sở phát triển, những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương huyện Đơn Dương luôn chú trọng quan tâm việc bố trí địa điểm, xây dựng đề án, đưa ra các phương án cụ thể, xây dựng các thiết chế văn hóa, thể dục thể thao gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng nông thôn mới. 
 
Cùng với thành quả “về đích” nông thôn mới, hiện nay, toàn huyện đã có 9/10 xã, thị trấn có nhà văn hóa, đa số đều đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch (VH-TT-DL). Các Nhà văn hóa xã Quảng Lập, Lạc Lâm, Đạ Ròn, Ka Đô, Lạc Xuân… được đầu tư xây dựng lớn.  Riêng các xã, thị trấn đã quan tâm ưu tiên dành quỹ đất cho việc xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng và khu thể thao của thôn, tổ dân phố; toàn huyện có 101/105 thôn, tổ dân phố có nhà sinh hoạt cộng đồng và khu thể thao được xây dựng trên tinh thần “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. 
 
Tất cả hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở đều được trang bị bàn ghế và thiết bị văn hóa; trong đó, có 10/10 xã, thị trấn và 30/105 thôn, tổ dân phố trong huyện được Sở VH-TT-DL cấp trang thiết bị văn hóa (loa, đài, micro, tăng âm, đèn chiếu sáng) theo chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa để phục vụ công tác xây dựng đời sống văn hóa. Hàng năm, huyện đều tổ chức kiểm kê đánh giá chất lượng trang thiết bị ở các thôn, tổ dân phố và các xã, thị trấn. Các thiết bị đều có người phụ trách, bảo quản và hoạt động có hiệu quả. Bên cạnh đó, huyện cũng đã quan tâm hỗ trợ các địa phương trang bị các thiết bị phục vụ hoạt động văn hóa cho các nhà văn hóa, các khu thể thao. 
 
Để các nhà văn hóa xã, thị trấn và nhà sinh hoạt cộng đồng thôn, tổ dân phố đi vào hoạt động nề nếp, năm 2015, căn cứ vào tình hình thực tiễn tại chính địa phương, UBND huyện Đơn Dương đã ban hành Quy chế tổ chức, hoạt động nhà văn hóa xã, thị trấn và Quy chế tổ chức, hoạt động nhà sinh hoạt cộng đồng thôn, tổ dân phố; trở thành một trong 4 huyện đầu tiên của tỉnh xây dựng và ban hành quy chế, đưa thiết chế văn hóa cơ sở vào hoạt động có hiệu quả. Trong đó, các quy chế đều quy định rõ ràng: chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, bộ máy, mối quan hệ công việc, cơ sở vật chất, trang thiết bị, kinh phí hoạt động…
 
Theo đó, đến nay, tất cả hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở trên địa bàn huyện đã triển khai thực hiện theo quy chế. Để có nhiều hoạt động, huyện đã tăng cường công tác quản lý nhà văn hóa theo đúng quy chế. Hiện nay, mỗi xã, thị trấn đều có một cán bộ văn hóa hoặc cán bộ phụ trách trạm truyền thanh kiêm quản lý nhà văn hóa xã, thị trấn. Ở các nhà sinh hoạt cộng đồng, hầu hết là do trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, trưởng ban công tác Mặt trận hoặc bí thư Đoàn Thanh niên quản lý. Hầu hết đội ngũ cán bộ quản lý nhà sinh hoạt cộng đồng và khu thể thao thôn, tổ dân phố còn hạn chế về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về văn hóa - thể thao nên thiếu kinh nghiệm trong việc quản lý và tổ chức các hoạt động văn hóa - thể thao.
 
Thực hiện nhiệm vụ đầu tiên là phục vụ chính trị, đa số các nhà văn hóa cơ sở, nhà sinh hoạt cộng đồng đều là nơi hội họp, tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật cho nhân dân. Nhà văn hóa cũng là nơi diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng và là nơi sinh hoạt của các CLB như: CLB Gia đình văn hóa, CLB phòng chống bạo lực gia đình, CLB không sinh con thứ ba, CLB phòng chống tội phạm… Các nhà văn hóa còn là nơi tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí cho thiếu nhi nhân các ngày: Tết thiếu nhi, Tết Trung thu, sinh hoạt hè… 
 
Nhiều nhà văn hóa thực sự đã trở thành điểm đến sinh hoạt, vui chơi, tập luyện thể thao của nhân dân. Điển hình, Nhà văn hóa Lạc Lâm khang trang, được xây dựng với kinh phí trên 3 tỷ đồng; phía ngoài có sân bóng chuyền luôn có lưới để người dân đến tập luyện mỗi buổi chiều. Nhà văn hóa cũng thường xuyên phối hợp với các đoàn thể trong xã như: Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, MTTQ… để phát huy hết công năng, hiệu quả. Riêng Ka Đơn, có 1 nhà văn hóa xã đạt tiêu chuẩn theo quy định, 10/10 thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng, trong đó 9 nhà sinh hoạt cộng đồng được huy động vốn từ nhân dân (nhân dân đóng góp 50% kinh phí). Cả xã có hơn 1.400 hộ dân với 9.300 nhân khẩu, đa số là đồng bào dân tộc Churu, có đạo. 
 
Anh Nguyễn Huy Hoàng - Trưởng Ban Văn hoá - Xã hội, kiêm Chủ nhiệm Nhà văn hóa xã Ka Đơn cho biết: Nhà văn hóa xã là nơi thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động; bằng cách phối kết hợp với các trường học trong xã, các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, tổ chức chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con nông dân, nên nhà văn hóa xã và các nhà sinh hoạt cộng đồng thôn hoạt động có hiệu quả. 
 
Để các thiết chế văn hóa phát huy hiệu quả, có cơ sở vật chất khang trang chưa đủ mà còn phải có nhân lực quản lý điều hành, có con người lên kế hoạch hoạt động cho từng năm, từng tháng, từng tuần và có bộ máy tạo sức hút, lôi cuốn quần chúng tham gia. Nhân tố con người mới quyết định hiệu quả hoạt động của thiết chế văn hóa cơ sở. 
 
Có thể thấy kinh phí triển khai các hoạt động còn eo hẹp, trình độ chuyên môn nghiệp vụ về văn hóa của đội ngũ cán bộ cơ sở yếu, kiêm nhiệm nhiều việc, không được đào tạo bài bản là những nguyên nhân cơ bản ảnh hưởng đến công tác quản lý và chất lượng hoạt động của nhà văn hóa - ông Nguyễn Văn Vinh, Trưởng Phòng Văn hóa thông tin huyện Đơn Dương nhìn nhận. 
 
Cũng theo ông Vinh, dù đã có quy chế quản lý và tổ chức hoạt động, nhưng vẫn còn một số nhà văn hóa hoạt động chưa đúng mục đích, các hoạt động chưa được tổ chức thường xuyên, nội dung và hình thức chưa phong phú, hiệu quả chưa cao nên chưa thu hút được đông đảo mọi đối tượng tham gia. Vẫn còn tình trạng không ít nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng thường xuyên đóng cửa. Nguyên nhân chính vẫn là do kinh phí và nguồn nhân lực… 
 
Trong thời gian tới, huyện sẽ quan tâm đào tạo, tập huấn kỹ năng, sử dụng tốt đội ngũ cán bộ, đưa nhà văn hóa phát triển với nhiều hoạt động đa dạng phong phú, để các tầng lớp nhân dân được hưởng thụ và tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, nâng cao chất lượng cuộc sống; đẩy mạnh phong trào văn hóa thể thao, phát triển mối đại đoàn kết toàn dân, góp phần nâng cao chất lượng danh hiệu huyện đạt chuẩn nông thôn mới. 
 
QUỲNH UYỂN