Phải có ý chí, nghị lực, quyết tâm để từ bỏ hút thuốc lá

08:12, 14/12/2016

Bác sỹ (BS) Trần Danh Tài - nguyên Giám đốc Bệnh viện YHCT Phạm Ngọc Thạch Lâm Ðồng, năm nay 81 tuổi, gần 35 năm công tác trong ngành Y tế Lâm Ðồng. Từ khi nghỉ hưu đến nay, ông đã tư vấn miễn phí giúp cho nhiều người từ bỏ thuốc lá thành công, góp phần không nhỏ trong việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng...

Bác sỹ (BS) Trần Danh Tài - nguyên Giám đốc Bệnh viện YHCT Phạm Ngọc Thạch Lâm Ðồng, năm nay 81 tuổi, gần 35 năm công tác trong ngành Y tế Lâm Ðồng. Từ khi nghỉ hưu đến nay, ông đã tư vấn miễn phí giúp cho nhiều người từ bỏ thuốc lá thành công, góp phần không nhỏ trong việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Sau đây là trao đổi giữa PV Báo Lâm Ðồng với BS về những lời khuyên cần thiết cho người hút thuốc lá và những người có liên quan.
 
Bác sỹ Trần Danh Tài để biển Cấm hút thuốc tại phòng khách gia đình. Ảnh: D.Hiền
Bác sỹ Trần Danh Tài để biển Cấm hút thuốc tại phòng khách gia đình. Ảnh: D.Hiền
PV: Thưa BS! Được biết trong thời gian qua, BS đã hướng dẫn cho nhiều người từ bỏ thuốc lá, câu chuyện đó như thế nào ạ?
 
BS Trần Danh Tài: Khi tư vấn bao giờ tôi cũng nói rõ tác hại của thuốc lá. Có trường hợp 1 bác sĩ người DTTS có người em ruột hút thuốc lá nhưng khuyên không được. Tôi khuyên hãy nói cậu ấy đến gặp tôi. Và cậu ấy ngoài 30 tuổi đã hút thuốc lá lâu rồi, đến nhà tôi trò chuyện, bây giờ cậu ấy đã bỏ thuốc lá rồi. 
 
Khi người ta hiểu được tác hại của thuốc lá không chỉ hại cho mình mà cho người xung quanh, cho con cái mình, cháu mình, chắt mình, có hại đến nhiều đời sau thì phải tự giác bỏ. 
 
PV: Thưa BS! Nhiều người hút thuốc lá biết là tác hại đấy nhưng việc từ bỏ là không dễ?
 
BS Trần Danh Tài: Cái khó ở chỗ này: người hút phải vượt lên chính mình bởi kẻ thù nằm trong mình. Nhiều người nói hùng hổ lắm, nói tác hại của thuốc lá thế này, thế kia, khuyên nhủ người khác từ bỏ nhưng mình thì vẫn hút thuốc lá. Vì thói quen hút thuốc lá là nhu cầu tự nhiên thành ra người hút thuốc như con nghiện, đã là con nghiện rồi thì làm đủ mọi cách để hút.
 
PV: Thưa BS, ở Đà Lạt nói riêng và Lâm Đồng - Tây Nguyên nói chung, có khí hậu lạnh thì người hút thuốc lá càng có lý do khó từ bỏ vì hút cho ấm người?
 
BS Trần Danh Tài: Tư vấn cho nhiều thành phần, tôi thấy những người dân bình thường thì dễ tiếp thu nhưng những anh “trí thức” trong dấu nháy khó tiếp thu vì họ nhiều lý luận ngụy biện lắm. Không phải trời lạnh hút thuốc cho ấm, hút thuốc để sáng tạo mà ngược lại, hút thuốc làm hại não, hại phổi. Khi đã nghiện rồi, họ dùng mọi lý lẽ để bao biện chống lại mọi lời khuyên, dùng lý lẽ để bảo vệ cho hành vi cá nhân của mình. Cơ bản thì người ta phải hiểu thật kỹ tác hại của thuốc lá gây ra không chỉ đối với anh mà còn đối với con, cháu, chắt anh nhiều đời sau. Khi hiểu tác hại rồi thì lúc đó từ bỏ. Bên cạnh đó, nhà nước phải kiên quyết trong việc kiểm soát, chế tài xử phạt việc hút thuốc lá, phải có biện pháp cụ thể. 
 
PV: Vậy BS có bài thuốc gì để giúp nhiều người cai nghiện thành công thuốc lá, thưa BS?
 
BS Trần Danh Tài: Tôi dành thời gian giúp tư vấn miễn phí cho nhiều người. Tôi chỉ khuyên chứ không có thuốc nào có thể cai nghiện được thuốc lá. Hiện nay, có thể thấy nhiều quảng cáo thuốc nọ thuốc kia giúp cai nghiện thuốc lá nhưng đó chỉ là những thứ hỗ trợ tức thời chứ không có giá trị triệt để. Các thuốc giúp hỗ trợ cho người hút những lúc thèm thuốc đỡ đi, chứ cơ bản của phòng, chống hút thuốc lá là: người hút phải hiểu sâu sắc nguyên nhân gây ra nghiện và tác hại của thuốc lá. Hiểu được rồi thì tự giác bỏ vì muốn bỏ thuốc lá thì không có thuốc nào bằng nghị lực, ý chí. Không có nghị lực, ý chí, quyết tâm thì không bỏ được vì thuốc lá khi tái lại thì nặng hơn.
 
PV: Nghĩa là BS tư vấn về mặt tâm lý để giúp cho người hút hiểu được tác hại của thuốc lá. Cụ thể, BS thường khuyên họ những điều gì?
 
“Biện pháp tức thời cho người mới cai thuốc lá là bấm vào 2 cánh mũi: dùng 2 đầu ngón tay bấm mạnh vào 2 bên cánh mũi (gọi là huyệt Nghinh hương) thì hết cơn thèm đi - đấy là chữa mẹo, đông y người ta cũng châm cứu như vậy”.
(BS Trần Danh Tài )

BS Trần Danh Tài: Nếu không hiểu được tác hại sâu sắc của thuốc lá thì không thể bỏ được. Ví dụ, nhẹ nhất là viêm họng, viêm phế quản; nặng thì ung thư phổi…, hơn 98% những người ung thư phổi có liên quan đến thuốc lá. Thật đáng tiếc, mà phần lớn khi phát hiện ung thư đã muộn! Tôi chứng kiến nhiều người bị cắt nửa lá phổi, tôi cũng chứng kiến nhiều người bỏ thuốc lá béo mập, khỏe lên. 

Thuốc lá có hơn 7.000 tạp chất, trong đó tôi nhấn mạnh 3 thứ độc nhất đó là: nicotin, dioxin, hắc ín. Cứ tưởng tượng cái ống điếu hút thuốc lào chỉ vài hôm lấy ra nó đen kịt - đó là hắc ín đấy. Còn dioxin thì rất nguy hiểm, nó có mấy tác hại: gây ra dị biến, ví dụ tim bẩm sinh, dị dạng..., trong chất độc da cam, thuốc trừ sâu, diệt cỏ có chất này, gây vô sinh ở nam giới do tinh trùng yếu đi, ở phụ nữ thì trứng không tốt do hút thuốc lá thụ động rất nguy hiểm. Nicotin gây nghiện, tác động đến thần kinh làm cho con người ta mất dần lý trí. 
 
Thuốc lá càng thơm, càng nhẹ bao nhiêu càng nguy hiểm bấy nhiêu, bởi người hút càng hít sâu. Mà hít sâu vào lá phổi (có những phế nang nếu trải ra rộng 100 m2) trong đó có những mạch máu rất nhỏ khi khói thuốc vào sẽ tản ra, hấp thu vào máu, đi khắp cơ thể, đi lên não nên gây ra say thuốc, nhất là người lâu không hút, khi hút lại có hiện tượng say thuốc, rất nguy hiểm.
 
PV: Thưa BS! Có một thực tế là các cơ quan, công sở thực hiện nghiêm việc cấm hút thuốc lá thì nhiều người lại tăng cường hút thuốc lá trong gia đình. Làm thế nào để khuyên họ từ bỏ việc hút thuốc lá tại nhà?
 
BS Trần Danh Tài: Những người đã nghiện hút thuốc lá rồi thì mình khuyên, nói lý với họ không được đâu! Họ có nhiều lý do lắm, chẳng hạn như: ông này, bà kia hút thuốc lá, lãnh đạo còn hút huống gì là tôi, rồi tôi hút thuốc tôi vẫn khỏe có sao đâu… Tôi đã gặp có trường hợp 1 bác sĩ đặt 3 - 4 stent rồi cũng vì hút thuốc lá, lúc trước khỏe lắm, đến bây giờ mới thấy ra bệnh, bỏ hút thuốc rồi. Có bác sĩ đi họp với tôi mà hút thuốc như trêu ngươi, tôi khuyên thì bảo không có sao đâu anh, giờ thì mắc bệnh phổi rồi, bỏ hút thuốc thì đã muộn.
 
Nhiều người bảo là không thể bỏ được thuốc lá, có người nói “Tôi bỏ vợ bỏ con chứ không bỏ hút thuốc lá”, những người như vậy thì các chị em phụ nữ phải đấu tranh mới được... Các thành viên trong gia đình phải lên tiếng vì một môi trường trong lành cho sức khỏe gia đình, giống nòi.
 
Khi từ bỏ thuốc lá, nếu thèm thuốc thì người có nghị lực sẽ vượt qua. Nhưng có khi họ nghe người khác gièm pha, chê yếu kém này kia, đã bỏ rồi mà hút lại thì tác hại càng lớn, càng nghiện nặng hơn. Cái chính là phải có nghị lực để bỏ lập tức, bỏ vĩnh viễn, chứ giảm hút, hôm nay hút 10 điếu ngày mai giảm còn 6 điếu như thế thì càng hút ít nhưng hít càng sâu để bù lại, cái đó càng mau chết bởi tâm lý lâu lâu mới hút nên hít sâu vào phổi.
 
PV: Như vậy, chủ yếu người có nghị lực, ý chí, quyết tâm bỏ thuốc lá mới thành công?
 
BS Trần Danh Tài: Rất nhiều người, đặc biệt trong ngành Y tế nghe tôi khuyên đã bỏ hút thuốc. Ở nhà tôi để bảng cấm hút thuốc, trong nhà không có ai hút thuốc lá, bảng này dành cho khách đến nhà. Tôi nhấn mạnh thuốc lá càng nhẹ, càng thơm thì gây nghiện càng mạnh, chất gây nghiện trong thuốc lá buộc người hút phải gắn bó không bỏ được. Cái khó bỏ hút thuốc lá đó là cái khó của người không đủ nghị lực.
 
Cả đời tôi không có phòng mạch tư, trước đây tôi khám ở phòng khám của Hội Đông y, tiếp xúc bệnh nhân tôi biết ngay là họ có hút thuốc lá. Thế là tôi hỏi, tư vấn, khuyên bỏ ngay. Có rất nhiều người vô sinh vì thuốc lá, họ tìm đến tôi vì tìm hiểu hút thuốc lá là một nguyên nhân gây vô sinh. Bây giờ, nhiều người tìm đến nhà cần tư vấn bỏ thuốc thì tôi khuyên nhủ. Tôi chưa lấy tiền của ai, hoàn toàn tự nguyện, miễn phí.
 
PV: Điều gì làm BS trăn trở và tự nguyện dành thời gian để tư vấn giúp nhiều người từ bỏ thuốc lá?
 
BS Trần Danh Tài: Tôi rất buồn khi những lần đi họp thấy có nhiều người ở trong hội trường thì không hút nhưng giải lao ra các vị phì phà phì phèo. Tôi nhìn rất đau lòng nhưng mình không có quyền gì để xử phạt họ. Một người hút thuốc lá bị ung thư phổi, bao nhiêu tiền phải chữa bệnh cho người đó, ảnh hưởng kinh tế gia đình mà đừng nói kinh tế là của tôi, nó ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội.
 
Tôi cũng rất buồn vì theo dõi cả mấy năm nay có Luật phòng chống tác hại của thuốc lá, nhưng có xử phạt được một ai hút thuốc lá đâu!. Trong ngành Y tế, bác sĩ vẫn còn hút thuốc lá. Giờ có quy định bố trí có nơi cho người hút thuốc lá nhưng phải hiểu khói thuốc đâu chỉ quẩn quanh trong buồng hút, nó khuếch tán ra không trung, người hút thuốc lá thụ động rất nguy hiểm. 
 
Cho nên Luật phải thực thi nghiêm, nhà nước phải thấy lợi nhuận thu được từ thuốc lá không thể bù được tiền chữa bệnh của nhân dân do thuốc lá gây nên. Mọi người phải hiểu việc chăm lo sức khỏe không phải một đời mình mà ảnh hưởng đến nòi giống. Dân mình là một trong những dân tộc hút thuốc lá nhiều nhất thế giới. Quan sát xung quanh, tôi thấy con gái cũng hút thuốc lá, thanh thiếu niên đã tụ tập hút thuốc lá. Điều đó thật đau lòng, nên mỗi lần tôi khuyên được một người bỏ thuốc lá đã thấy hạnh phúc.
 
DIỆU HIỀN