Cô giáo hết lòng vì học sinh

09:01, 03/01/2017

Với tâm niệm "Mình là giáo viên thì trước hết phải là tấm gương đạo đức cho học sinh noi theo", cô giáo Phan Thị Thảo - Trường THPT Nguyễn Du (Bảo Lộc) luôn tận tụy, hết lòng vì học sinh thân yêu.

Cô giáo Phan Thị Thảo
Cô giáo Phan Thị Thảo
Với tâm niệm “Mình là giáo viên thì trước hết phải là tấm gương đạo đức cho học sinh noi theo”, cô giáo Phan Thị Thảo - Trường THPT Nguyễn Du (Bảo Lộc) luôn tận tụy, hết lòng vì học sinh thân yêu. Cô vinh dự được Thành ủy Bảo Lộc tặng giấy khen “Đã có thành tích xuất sắc tiêu biểu trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh giai đoạn 2011 - 2015” và được ngành Giáo dục Lâm Đồng tuyên dương là nhà giáo tiêu biểu năm 2016. 
 
Về công tác tại Trường THPT Nguyễn Du, trước đây là trường bán công với chất lượng đầu vào của học sinh thấp và nhiều học sinh cá biệt. Đó cũng là khó khăn và thử thách của một giáo viên trẻ mới ra trường như cô Phan Thị Thảo. Nhưng bằng lòng yêu nghề và nhiệt huyết tuổi trẻ, với vai trò vừa là giáo viên tiếng Anh vừa là Bí thư Đoàn trường, cô Thảo dành hết tâm huyết không chỉ đề truyền đạt kiến thức mà còn dạy kỹ năng sống cho học sinh. Nhiều năm làm chủ nhiệm, cô luôn trăn trở “làm sao để giúp học sinh trung bình, học sinh yếu có niềm vui, hứng thú, tự giác, tự học và có thái độ tự tin trong học tập?”. Vậy là cô “đầu tư” kỹ hơn về phương pháp giảng dạy của mình, cô giúp học sinh đạt được yêu cầu cơ bản và tối thiểu về kiến thức, kỹ năng, nhất là phải phù hợp với khả năng tiếp thu của học sinh, đồng thời, tăng cường thực hành cho các em. Mặt khác, cô luôn chú trọng đến việc động viên, khuyến khích kịp thời sự tiến bộ dù rất nhỏ của học sinh trong quá trình học tập, cùng với đó là phê bình, nhắc nhở những học sinh học tập chưa tích cực. 
 
Theo cô, “trong các phương pháp học thì cốt lõi là phương pháp tự học, nếu rèn luyện cho học sinh trung bình, yếu có được kỹ năng, thói quen, ý chí tự học thì sẽ tạo cho các em lòng ham học, khơi dậy nội lực vốn có trong mỗi học sinh”. Đó cũng là kinh nghiệm được cô đúc kết qua những năm giảng dạy. Kết quả cô thu được là giúp học sinh hứng thú, có ý thức tự giác học tập, và lớp cô chủ nhiệm kết quả học tập luôn vượt mặt bằng chung của tổ và khối. 
 
Theo cô, bản chất học sinh là hiền lành, ngoan ngoãn, nhưng do những yếu tố khác nhau làm ảnh hưởng đến đời sống, tâm lý của học sinh nên các em có những biểu hiện khác nhau. Vì vậy, ở lứa tuổi các em cần có sự hỗ trợ, tư vấn của người lớn hay nói cách khác các em cần có sự giáo dục.
Một thành quả mà Ban giám hiệu Trường THPT Nguyễn Du luôn ghi nhận về cô Thảo là giáo dục học sinh cá biệt. Đó là việc làm không hề dễ, nhưng cô Thảo luôn ghi nhớ lời Bác: “Ngủ thì ai cũng như lương thiện/Tỉnh dậy phân ra kẻ dữ hiền/Hiền dữ đâu phải là tính sẵn/Phần nhiều do giáo dục mà nên”. 
 
Do đó, cô tâm niệm là giáo viên thì phải hiểu rõ học sinh về năng lực, tính cách, sở thích... phải luôn quan tâm, gần gũi và chia sẻ để học sinh thấy sự quan tâm của người thầy như người cha, người mẹ. Từ việc tìm hiểu và thống kê đặc điểm tâm sinh lý của từng đối tượng học sinh, cô luôn gần gũi, chia sẻ, quan tâm giúp đỡ và chỉ bảo học sinh “từng li từng tí”. Chính điều này đã làm nhiều học sinh cá biệt không còn mặc cảm, kết quả học tập ngày càng tiến bộ. 
 
Ở trường, cô luôn tích cực tham gia các phong trào; ở nhà, cô là người vợ, người con hiếu thảo, người mẹ hiền nuôi dạy hai con chăm ngoan, học giỏi. Tranh thủ thời gian rảnh, cô cùng bạn bè tham gia các hoạt động thiện nguyện ở địa phương. Theo lời thầy Nguyễn Văn Tài - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du: “Trong công việc cô Thảo luôn tận tụy, với học sinh cô luôn hết lòng, với đồng nghiệp cô luôn hòa đồng và chia sẻ, cô là tấm gương để đồng nghiệp và học sinh noi theo”.
 
TUẤN HƯƠNG