Đạt chuẩn nông thôn mới sau khi thoát nghèo

08:01, 05/01/2017

Sau khi thoát khỏi xã nghèo vào đầu năm 2016, xã Quảng Trị (huyện Đạ Tẻh) đã bứt phá "cán đích" nông thôn mới (NTM) vào cuối năm. Việc đạt chuẩn NTM của xã được hoàn thiện trên cơ sở "lấy sức dân để lo cho dân".

Sau khi thoát khỏi xã nghèo vào đầu năm 2016, xã Quảng Trị (huyện Đạ Tẻh) đã bứt phá “cán đích” nông thôn mới (NTM) vào cuối năm. Việc đạt chuẩn NTM của xã được hoàn thiện trên cơ sở “lấy sức dân để lo cho dân”.
 
Đường giao thông nông thôn ở Quảng Trị được “bê tông hóa”. Ảnh: K.P
Đường giao thông nông thôn ở Quảng Trị được “bê tông hóa”. Ảnh: K.P

Dễ làm trước, khó làm sau
 
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Quốc, Chủ tịch UBND xã Quảng Trị cho biết: “Cách làm NTM của địa phương chúng tôi, là lấy sức dân để lo cho dân. Vì vậy, ngay từ ngày bắt tay vào xây dựng NTM, Đảng bộ, chính quyền, đoàn thể luôn họp bàn lấy ý kiến của quần chúng nhân dân để chọn cái dễ làm trước, cái khó làm sau. Chủ trương của xã là không vội vàng, nhất quyết không chạy theo thành tích, không lạm dụng vào NTM để huy động người dân đóng góp quá sức”.
 
Ông Nguyễn Quốc cho biết thêm, ban đầu, do nội lực địa phương còn yếu, nên Ban chỉ đạo xây dựng NTM của xã xác định đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ mà đặc biệt là chuyển từ trồng mía sang trồng dâu nuôi tằm. Nhưng muốn làm được điều đó, xã chủ trương cho cán bộ, đảng viên làm trước để bà con cùng học hỏi làm theo. Đến nay, xã đã thành lập được 2 tổ hợp tác trồng dâu nuôi tằm với gần 50 hộ dân tham gia.
 
Ông Nguyễn Văn Tư, Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng dâu nuôi tằm số 1 (xã Quảng Trị) phấn khởi nói: “Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mà đặc biệt là chuyển đổi từ cây mía năng suất kém sang trồng dâu nuôi tằm là một việc làm đi đúng hướng. Hiện nay, tuy chưa phải là cây trồng chủ lực nhưng trồng dâu nuôi tằm bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao giúp gia đình chúng tôi và bà con phát triển kinh tế và ý thức rất rõ về sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Từ khi xã đưa cây dâu vào trồng đến nay mới được hơn 5 năm, nhưng đời sống người dân đã có những bước tiến vượt bậc trong phát triển kinh tế. Bà con ai cũng phấn khởi vì nhờ xây dựng NTM mà cuộc sống người dân đã thay đổi hơn trước nhiều lần”.
 
Song song với việc phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm, xã Quảng Trị còn chuyển đổi từ trồng 3 vụ lúa sang trồng 2 lúa, 1 bắp và cải tạo vườn điều. Đồng thời, chăn nuôi gia súc, gia cầm với các mô hình tập trung và phát triển các mô hình chăn nuôi hộ gia đình để giúp người dân tăng thu nhập. Nhờ vậy, đến nay, tỉ lệ hộ nghèo của xã đã giảm từ hơn 29% (năm 2011) xuống còn 5,83%; thu nhập bình quân đầu người của xã đã đạt 27 triệu đồng/người/năm.
 
Lấy sức dân lo cho dân
 
Đó chính là cách làm thiết thực mà xã Quảng Trị đã áp dụng để xây dựng NTM suốt những năm qua. Cũng chính từ cách làm này, mà ngay sau khi thoát khỏi xã nghèo vào đầu năm 2016 thì đến cuối năm Quảng Trị đã vững vàng đạt chuẩn NTM.
 
Khi bắt tay vào xây dựng NTM, Ban chỉ đạo của xã xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, nguồn huy động các hạng mục đầu tư xây dựng là: Các công trình phúc lợi công cộng như trụ sở, nhà văn hóa xã, trạm y tế, trường học là do ngân sách đầu tư hỗ trợ. Các nhà sinh hoạt cộng đồng, khu thể thao thôn, đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, nghĩa trang… là do nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ vật tư đối ứng. Từ đó đã chuyển từ thế thụ động, trông chờ nguồn đầu tư của Nhà nước, sang thế chủ động, huy động nội lực kết hợp với sự hỗ trợ của Nhà nước nên đã huy động tối đa các nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng. 
 
Nhưng để làm được điều đó, trước hết phải tuyên truyền, bàn bạc với người dân. Khi người dân đồng thuận, thì mới làm được NTM. Điều đáng mừng là, khi họp dân, xin ý kiến của dân, thì đa số người dân Quảng Trị đều đồng thuận. Nhờ vậy, đến nay, Quảng Trị đã “bê tông hóa” hơn 17 km đường giao thông nông thôn, “cứng hóa” được 5 km đường nội đồng; xây mới công sở xã, nhà văn hóa, trạm y tế, trường học, 7/7 thôn đã có nhà sinh hoạt cộng đồng… 
 
“Trong 5 năm qua, toàn xã như một “công trường xây dựng” và đã tăng cường cơ sở hạ tầng đáng kể cho xã nhằm đảm bảo các tiêu chí về NTM. Tổng nguồn lực xây dựng NTM trong 5 năm là 120,1 tỷ đồng. Trong đó, nhân dân đóng góp khoảng 50 tỷ đồng (chiếm 41,6%), ngân sách Nhà nước là 56,6 tỷ đồng và còn lại là các nguồn vốn khác. Ngoài ra, người dân còn đóng góp hàng ngàn ngày công lao động và hiến hàng ngàn mét vuông đất để xây dựng NTM. Đến nay, xã đã hoàn thành 18/18 tiêu chí xây dựng NTM” - ông Nguyễn Quốc thông tin.
 
KHÁNH PHÚC