Không chỉ "làm đẹp" cho đời

08:01, 24/01/2017

Xuất phát điểm, họ chỉ là những người "tài tử" đam mê, yêu thích hoa, cây cảnh… Thế rồi, khi đến với nhau, họ đã học hỏi lẫn nhau và giúp nhau sáng tạo, mở rộng không gian "sân chơi" để "làm đẹp" cho đời.

Xuất phát điểm, họ chỉ là những người “tài tử” đam mê, yêu thích hoa, cây cảnh… Thế rồi, khi đến với nhau, họ đã học hỏi lẫn nhau và giúp nhau sáng tạo, mở rộng không gian “sân chơi” để “làm đẹp” cho đời. Và trong một thời gian không lâu lắm, nhiều người trong số họ đã phát triển sân chơi nghệ thuật này thành một cái “nghề”, không phải để “cứu cánh” mà thực sự đã làm giàu cho chính mình và tạo thêm công ăn việc làm cho nhiều người khác nữa.
 
Bà Vũ Thị Thu và những sản phẩm chậu cảnh tí hon chuẩn bị phục vụ Tết. Ảnh: B.T
Bà Vũ Thị Thu và những sản phẩm chậu cảnh tí hon chuẩn bị phục vụ Tết. Ảnh: B.T

Cả “làng ” nhộn nhịp vào xuân 
 
Cứ mỗi dịp Tết đến, Xuân về, cả “làng nghề” lại tất bật, nhộn nhịp. Chúng tôi vừa đến thăm Cơ sở sản xuất cây cảnh Quốc Việt (tại thôn Đồng Lạc, xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh) vào một ngày cuối năm. Lúc này, cả chủ cơ sở và hơn 30 lao động giúp việc đang hối hả chuẩn bị “hàng” để xuất bán trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu. Bà Vũ Thị Thu (vợ ông Phạm Quốc Việt, Chủ Cơ sở) niềm nở tiếp đón và dẫn chúng tôi tham quan các công đoạn sản xuất cây cảnh. 
 
Cây cảnh tại Cơ sở Quốc Việt chủ yếu là chậu và tiểu cảnh. Trong đó, đa phần là chậu và tiểu cảnh tí hon. Sản phẩm chậu cảnh, tiểu cảnh ở đây rất đa dạng, phong phú, sản xuất từ cây may mắn, tài lộc, phát tài, tùng la hán, kim giao, cẩm thạch… Sản phẩm của Cơ sở Quốc Việt rất phù hợp với trang trí nội thất, đặt trên bàn làm việc, phòng khách, phòng ngủ. 
 
Ông Nguyễn Phú Sơn kiểm tra vườn hoa hồng môn. Ảnh: B.T
Ông Nguyễn Phú Sơn kiểm tra vườn hoa hồng môn. Ảnh: B.T

“Sản phẩm chậu cảnh, tiểu cảnh mang thương hiệu Quốc Việt có cái rất “riêng” và sáng tạo. Đây là sản phẩm “độc quyền”, được bán rộng rãi ở thị trường trong và ngoài tỉnh, nhiều nhất là tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Đặc biệt, sản phẩm này cũng “có mặt” ở các siêu thị, cửa hàng cây cảnh trong nước. Mặt khác, cơ sở đã bắt đầu xuất bán sang thị trường Singapore và dần dần sẽ kết nối giao thương, trưng bày và giới thiệu sản phẩm để mở rộng dần ra thị trường Thái Lan, Campuchia… Hiện tại, Cơ sở sản xuất cây cảnh Quốc Việt có quy mô diện tích 8 sào đất để vừa gieo hạt, sản xuất cây giống và chế tác các loại sản phẩm. Vốn đầu tư ban đầu (không kể vốn đầu tư hàng năm) trên 2 tỷ đồng. Hàng năm, cơ sở xuất bán trên, dưới 50.000 chậu cảnh và tiểu cảnh. Riêng trong dịp Tết Nguyên đán, cơ sở xuất bán (bán lẻ và bán sỉ theo đơn đặt hàng) trên 20.000 sản phẩm. Chậu cảnh và tiểu cảnh có rất nhiều loại, giá bán từ 35.000 đến 400.000 đồng/ 1 sản phẩm. Sắp đến, cơ sở sẽ mở rộng dần quy mô, vì hiện tại hàng sản xuất ra không đủ bán” - bà Thu giới thiệu với chúng tôi. 
 
Đang chăm chút từng giò lan rừng đang trổ hoa đúng vào dịp phục vụ thị trường Tết, ông Nguyễn Văn Cường (ở thị trấn Di Linh, là một trong số rất ít người đầu tiên ở Di Linh “nuôi” lan rừng và trồng hoa lan các loại, hiện có qui mô hoa lan lớn nhất) cho chúng tôi hay, ngoài lan rừng, ông còn phát triển thêm 7.000 m 2 nhà kính, nhà lưới để trồng hoa hồng môn. Toàn bộ diện tích nhà lưới, ông đầu tư trang bị hệ thống tưới tự động và tưới nhỏ giọt. Riêng trang trại hoa hồng môn của ông giải quyết việc làm quanh năm cho 6 lao động (vào vụ mùa, giải quyết việc làm cho 12 lao động). Hàng năm, chỉ với 7 sào hoa hồng môn, ông thu nhập được khoảng 600 triệu đồng (chưa trừ chi phí).  
 
Trước đây, ông Nguyễn Phú Sơn (ở thị trấn Di Linh) chỉ sinh sống bằng cây cà phê và trồng thêm hoa để giải trí, mua vui. Từ ngày vào Hội Sinh vật cảnh (SVC) Di Linh, ông đã chặt bỏ dần cà phê và theo đuổi nghề trồng hoa. Hơn 10 năm nay, vườn hoa của ông hiện có quy mô gần 1 ha nhà kính, nhà lưới, gồm hồ điệp, lan rừng, hồng môn. Toàn bộ vườn hoa, ông đã lắp đặt hệ thống tưới tự động; luống trồng hoa và đường đi lại được xây, lát bằng gạch. Theo ông Sơn, hồ điệp dễ bán, nhưng chi phí đầu tư rất lớn. Hiện tại, trang trại hoa của ông đã chuẩn bị 30.000 chậu hồ điệp, 20.000 chậu hồng môn và 500 giò lan rừng để sẵn sàng phục vụ thị trường Tết… 
 
Đến với những nghệ nhân trong “làng” hoa, cây cảnh ở Di Linh vào những ngày giáp Tết thì hầu như ai cũng rộn ràng công việc. Họ là những nghệ nhân, hội viên Hội SVC huyện Di Linh. Giờ đây, nhiều nghệ nhân có tên tuổi đã trở thành những ông “chủ” trang trại đang “ăn nên, làm ra”. Từ “mái nhà chung” Hội SVC, họ vừa “chơi” vừa tạo ra của cải vật chất để “cống hiến” những sản phẩm tô thắm thêm vẻ đẹp cho đời.
 
Từ một “mái nhà chung” 
 
Thành lập từ tháng 2/2001, Hội SVC huyện Di Linh ban đầu chỉ có 7 hội viên. Sau 15 năm hoạt động, đến nay, Hội đã thu hút 285 hội viên và thành lập được 10 chi hội, 3 câu lạc bộ (CLB). Số hội viên và các tổ chức của Hội không chỉ phát triển ở thị trấn Di Linh mà đã “lan tỏa” đến 7 xã trong huyện. Hội SVC Di Linh hiện đã hình thành được 8 bộ môn chuyên ngành, gồm: đá cảnh, đá mỹ nghệ, gỗ lũa và cây khô nghệ thuật, bon sai - kiểng cổ, điêu khắc gỗ, hoa các loại, tranh thêu lụa, chim và cá cảnh, tiểu cảnh các loại, thư pháp Việt. 
 
Theo ông Đinh Công Bình, Chủ tịch Hội SVC Di Linh: “Là một tổ chức xã hội và nghề nghiệp, Hội SVC huyện Di Linh đã chuyển hướng, gắn giữa vui chơi, giải trí tao nhã với làm kinh tế bằng SVC. Hội đã hình thành những mô hình có hiệu quả và đã góp phần cùng với địa phương tạo chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đa dạng hóa ngành nghề, chuyển đổi nhiều diện tích cà phê già cỗi sang trồng các loại hoa, cây cảnh… đem lại hiệu quả kinh tế cao”. 
 
Ông Nguyễn Văn Cường bên những giỏ lan rừng trổ bông đúng dịp Tết. Ảnh: B.T
Ông Nguyễn Văn Cường bên những giỏ lan rừng trổ bông đúng dịp Tết. Ảnh: B.T

Trong những năm qua, Hội SVC Di Linh đã khai thác, bảo tồn, lai tạo hoa lan rừng. Hầu hết các giống lan rừng trên địa bàn được gìn giữ và hàng năm phát triển hàng trăm ngàn chậu. Nhiều loại lan rừng quí như Dạ hạc, Hạc đỉnh, Ý thảo, Long tu, Kim Điệp… đã được bảo tồn và phát triển bằng phương pháp tự nhiên và sinh học. Hội đã lai tạo thành công 2 giống lan hiếm là Dạ hạc và Ý thảo thành giống mới Ý Thảo hạc. Ngoài ra, Hội còn sưu tầm thêm một số giống mới, như Hạc đỉnh vàng, Dạ hạc trắng, Hài lạ… Để lưu giữ và phát triển những loại lan quý hiếm và nhân giống những loại lan mới có giá trị, hội viên SVC Đoàn Chí Lý đã xây dựng một nhà cấy mô, đã lai tạo được 7 loài lan giống mới, xuất ra thị trường trên 50.000 cây giống. 
 
Ngoài ra, khai thác lợi thế khí hậu, thiên nhiên ưu đãi, Hội SVC huyện Di Linh đã phát triển mạnh hoa hồng môn, hồ điệp, vũ nữ… Hiện nay, Hội SVC đã có 50 hội viên trồng hoa, cây cảnh chất lượng cao; 30 cơ sở chế tác gỗ mỹ nghệ, đá mỹ nghệ, vườn cây cảnh, tranh thêu… Các CLB hoa đã nhập từ nước ngoài 200.000 cây giống hoa hồng môn, trên 100.000 cây giống hoa hồ điệp, trên 50.000 cây giống hoa vũ nữ để giúp hội viên phát triển, nhân giống các giống hoa này.
 
Nhiều hội viên Hội SVC Di Linh đã tích cực sưu tầm, khai thác và sáng tạo hàng ngàn chậu bon sai - kiểng cổ có giá trị. Rất thú vị, không biết mệt mỏi, nhiều hội viên trong Hội đã từng trèo rừng, leo núi; lội từng con khe, dòng suối để sưu tầm, tìm kiếm những viên đá, những gốc cây khô “vô danh”. Và dưới con mắt nghệ thuật cùng bàn tay khéo léo, những viên đá và những gốc cây khô tưởng chừng “vô danh” ấy, họ đã tư duy, sáng tạo nên những tác phẩm nghệ thuật rất độc đáo và có một cái tên riêng. Một số hội viên đã có những tác phẩm giá trị tới hàng trăm triệu đồng. Hàng năm, hội viên Hội SVC huyện Di Linh cung cấp hàng triệu cành hoa, hàng trăm ngàn chậu hoa, giò lan… cho thị trường trong và ngoài nước, tạo nguồn thu nhập đáng kể. Cũng từ các hoạt động của mình, Hội SVC Di Linh đã giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương. 
 
Đặc biệt, từ “mái nhà chung”, những nghệ nhân hội viên SVC Di Linh đã giúp nhau về kiến thức, chia sẻ nhau về kinh nghiệm. Từ đó, nhiều hội viên đã trưởng thành và có tên tuổi trong “làng nghề” SVC. Ở Hội SVC Di Linh, không chỉ có Phạm Quốc Việt, Nguyễn Văn Cường và Phạm Phú Sơn, mà còn kể đến các nghệ nhân có tên tuổi khác là Đỗ Duy Đạo, Trần Đức Quỳ (gỗ mỹ nghệ), Đoàn Chí Lý, Đào Quyết Thắng (hoa), Nguyễn Minh Tuấn (bon sai - kiểng cổ), Trần Thanh Đam (lan rừng), Vũ Văn Ngoãn (chim, cá cảnh), Lưu Thị Thơm (tranh thêu)… Ngoài vai trò là một hội viên và là những ông, bà “chủ”, họ còn giữ trọng trách ở các chi hội và các CLB của Hội SVC Di Linh.
 
BÙI TRƯỞNG