Nhớ ngày truyền thống học sinh, sinh viên

08:01, 09/01/2017

Ngày 9/1/1950, Đoàn Thanh niên Cứu quốc và Đoàn học sinh Sài Gòn - Chợ Lớn đã vận động và tổ chức cho học sinh, sinh viên (HS, SV) các trường biểu tình đòi bảo đảm an ninh cho học sinh, sinh viên học tập và trả tự do cho những học sinh, sinh viên yêu nước bị bắt. Trần Văn Ơn, người thanh niên tiêu biểu cho lòng yêu nước và ý chí đấu tranh bất khuất của HS, SV đã bị bọn chúng giết hại trong cuộc xung đột đó.

Ngày 9/1/1950, Đoàn Thanh niên Cứu quốc và Đoàn học sinh Sài Gòn - Chợ Lớn đã vận động và tổ chức cho học sinh, sinh viên (HS, SV) các trường biểu tình đòi bảo đảm an ninh cho học sinh, sinh viên học tập và trả tự do cho những học sinh, sinh viên yêu nước bị bắt. Trần Văn Ơn, người thanh niên tiêu biểu cho lòng yêu nước và ý chí đấu tranh bất khuất của HS, SV đã bị bọn chúng giết hại trong cuộc xung đột đó. Noi gương và ghi nhận tinh thần đấu tranh bất khuất của anh Trần Văn Ơn và HS, SV; Đại hội toàn quốc Liên đoàn Thanh niên Việt Nam lần thứ nhất tháng 2/1950 tại Việt Bắc đã quyết định lấy ngày 9/1 hàng năm là Ngày truyền thống HS - SV. Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ V tháng 11/1993 tại thủ đô Hà Nội đã quyết định đồng thời lấy ngày 9/1 làm ngày truyền thống của Hội Sinh viên Việt Nam.
 
Đoàn Khối Các cơ quan tỉnh thăm và tặng quà cụ Tô Đình Cắm. Ảnh: Phan Nhân
Đoàn Khối Các cơ quan tỉnh thăm và tặng quà cụ Tô Đình Cắm. Ảnh: Phan Nhân
Trong những năm 1949-1950, phong trào đấu tranh của thanh niên, HS, SV các đô thị diễn ra liên tục, rầm rộ và rộng khắp, nhất là ở Sài Gòn - Gia Định. Ngày 9/1/1950, đã nổ ra một cuộc biểu tình lớn của Đoàn Thanh niên cứu quốc và Đoàn học sinh Sài Gòn - Chợ Lớn với hơn 2.000 HS, SV các trường cùng nhiều giáo viên và 7.000 nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn biểu tình đòi bảo đảm an ninh cho HS, SV học tập và trả tự do cho những HS, SV bị bắt, trong đó có Ban lãnh đạo học sinh cứu quốc Sài Gòn. Vào lúc 13 giờ, khi đoàn biểu tình kéo đến Nha học chính và Dinh Thủ Hiến bù nhìn Trần Văn Hữu đưa đơn thỉnh nguyện, thì bọn cảnh sát và lính lê dương ra đàn áp dã man đoàn biểu tình. Thái độ đó đã làm đám đông phẫn nộ, bùng nổ cuộc xung đột. Những người biểu tình dùng mọi thứ vũ khí có trong tay chống trả quyết liệt với lính Pháp, lính Âu Phi và công an Bình Xuyên. Trần Văn Ơn, người thanh niên tiêu biểu cho lòng yêu nước và ý chí đấu tranh bất khuất của HS, SV đã bị bọn chúng giết hại trong cuộc xung đột đó. Anh hy sinh vào lúc 15 giờ 30 phút chiều ngày 9/1/1950 khi chưa tròn 19 tuổi. Tin Trần Văn Ơn mất đã ngay lập tức gây náo động trong giới HS, SV Sài Gòn, trở thành tâm điểm và đồng loạt các tờ báo lớn của Sài Gòn đã đưa tin. Ngày 12/1/1950, đám tang anh Trần Văn Ơn tại Sài Gòn đã biến thành cuộc biểu tình thị uy của trên 5 vạn người đứng trên các hè phố tiễn đưa anh. 
 
Lễ tang anh Trần Văn Ơn cũng đã được cử hành trên khắp các tỉnh thành trong cả nước. Hàng triệu lượt HS, SV và đồng bào các giới đã đeo băng tang truy điệu với lòng thương tiếc và xuống đường tuần hành bày tỏ lòng căm thù giặc và ý chí đấu tranh kiên quyết chống thực dân Pháp xâm lược và bè lũ tay sai. 
 
67 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Ðảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hội Sinh viên Việt Nam đã trưởng thành vượt bậc qua các thời kỳ lịch sử cách mạng. Ðến nay, cả nước có hơn 1,3 triệu hội viên đang sinh hoạt tại hơn 200 hội sinh viên trường, 24 hội sinh viên tỉnh, thành phố, 45 hội sinh viên cấp trường trực thuộc Trung ương và 7 hội sinh viên Việt Nam ở nước ngoài.
 
Phong trào HS, SV và tổ chức Hội Sinh viên Việt Nam đã có những cống hiến xuất sắc cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và là niềm tự hào của thế hệ HS, SV ngày nay. Trong quá trình phát triển, Hội Sinh viên Việt Nam luôn phát huy truyền thống là một tổ chức chính trị - xã hội của sinh viên, nhịp cầu gắn bó giữa sinh viên với Đảng, Nhà nước; lực lượng giáo dục quan trọng trong nhà trường.
 
Ở thời kỳ nào HS, SV cũng là lực lượng đi đầu trong các phong trào và để lại dấu ấn sâu đậm, có những phong trào đã đi vào lịch sử. Trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc trước đây, lớp lớp HS, SV đã nô nức tham gia các phong trào: “Ba sẵn sàng”, Năm xung phong”, xếp bút nghiên lên đường chiến đấu, hát cho dân tôi nghe”, dậy mà đi… Hình ảnh sinh viên mặc áo lính, cầm súng ra trận chiến đấu quên mình cho độc lập, tự do của Tổ quốc đã trở thành một biểu tượng đẹp về lớp trí thức trẻ Việt Nam kiên trung, giàu lòng yêu nước, dám xả thân vì tương lai của đất nước, hạnh phúc của nhân dân. 
 
Kế tục và phát huy truyền thống vẻ vang của các thế hệ đi trước, thời kỳ xây dựng và đổi mới đất nước tiếp tục nổi lên nhiều phong trào thi đua yêu nước của HS, SV Việt Nam; tiêu biểu như các phong trào: “Dạy tốt, học tốt”, “Học tập, rèn luyện vì ngày mai lập nghiệp”, “Thi đua học tập tốt, rèn luyện tốt”, phong trào sinh viên tình nguyện... Hình ảnh những sinh viên mặc áo xanh tình nguyện, bất chấp trời nắng hay mưa tích cực tham gia phân làn chống ùn tắc giao thông, “Tiếp sức mùa thi”; hoặc không quản ngại khó khăn về tận vùng sâu, vùng xa, tổ chức các chương trình “mùa đông ấm”, “mùa hè xanh”, “xuân yêu thương”… thực sự đã làm nức lòng người. Phong trào sinh viên tình nguyện đã để lại những con số ấn tượng, giàu ý nghĩa, nói lên tính hiệu quả, thiết thực của phong trào. 
 
Thế hệ HS, SV Việt Nam hôm nay hết sức vinh dự và tự hào về tổ chức của mình đã trải qua 67 năm xây dựng và phát triển, trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng luôn kế tục, phát huy một cách xứng đáng và làm tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của các thế hệ đi trước. Những truyền thống đó là: Yêu nước nồng nàn, trung thành với Đảng, với nhân dân, tự hào về dân tộc và Bác Hồ kính yêu; Hiếu học, say mê sáng tạo, nghiên cứu để vươn tới đỉnh cao của khoa học, công nghệ, văn học - nghệ thuật, thể dục thể thao...; Đoàn kết, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau trong học tập nghiên cứu khoa học, chia sẻ khó khăn với nhân dân, không đòi hỏi cho riêng mình khi đất nước còn nghèo, nhân dân còn thiếu thốn…
 
Trong giai đoạn mới, Hội Sinh viên Việt Nam xác định tiếp tục đổi mới, sáng tạo trong nội dung và hình thức hoạt động, góp phần giáo dục, bồi dưỡng để hình thành lớp HS,SV mới “vừa hồng, vừa chuyên”; có kiến thức vững vàng, phong phú, có khả năng tiếp cận trí tuệ của thời đại, thiết tha với lý tưởng độc lập dân tộc và CNXH, có hoài bão lớn, lối sống đẹp, phát huy sức mạnh truyền thống và bản sắc dân tộc, có trách nhiệm cao với cộng đồng; củng cố và phát triển rộng rãi tổ chức Hội Sinh viên Việt Nam, tập hợp, đoàn kết đông đảo HS, SV thi đua học tập, rèn luyện, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HĐH đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.
 
VĂN NHÂN