Phó giáo sư trẻ đam mê nghiên cứu môi trường

10:01, 24/01/2017

Là một trong những người trẻ tuổi nhất được xét duyệt đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2016 do Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước tổ chức, PGS. TS Nguyễn Hồng Quân (38 tuổi) có niềm đam mê đặc biệt với những công trình nghiên cứu về môi trường nước.

Là một trong những người trẻ tuổi nhất được xét duyệt đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2016 do Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước tổ chức, PGS. TS Nguyễn Hồng Quân (38 tuổi) có niềm đam mê đặc biệt với những công trình nghiên cứu về môi trường nước.
 
PGS. TS Nguyễn Hồng Quân
PGS. TS Nguyễn Hồng Quân
Những ngày cuối năm, trong khi mọi người tất bật với việc sắm Tết thì trong căn phòng nhỏ của gia đình (đường Lữ Gia, phường 9, TP Đà Lạt), PGS. TS Nguyễn Hồng Quân vẫn miệt mài trao đổi chuyên môn với những nhà khoa học nước ngoài về những vấn đề liên quan tới môi trường.
 
Tháng 11/2016 vừa qua, trong Lễ Công bố Quyết định và trao Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2016 do Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước tổ chức, anh Nguyễn Hồng Quân khi đó mới 37 tuổi, là một trong những người trẻ tuổi được đón nhận vinh dự trên. Anh Quân tâm sự, cái duyên đến với “nghề” nghiên cứu Thủy văn học, khoa học môi trường cũng đầy những kỷ niệm. “Năm 1997, tôi thi đậu cùng lúc 3 trường đại học là Đại học Luật TP HCM, Đại học Kinh tế TP HCM và ĐH Bách khoa TP HCM. Sau nhiều ngày suy nghĩ, cuối cùng tôi quyết định theo học Khoa Địa chất dầu khí. Đến năm 3 đại học thì phân sang ngành Địa chất môi trường (Trường Đại học Bách khoa TP HCM), chặng đường nghiên cứu khoa học bắt đầu được nuôi dưỡng từ đây”, anh Quân nhớ lại. 
 
Khi tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại giỏi, năm 2002 anh được nhận vào làm việc tại Viện Môi trường và Tài nguyên (Đại học Quốc gia TP HCM). Anh Quân cho biết: “Tại đây, tôi được tiếp xúc và làm việc với những giáo sư đầu ngành về môi trường như cố Giáo sư Lâm Minh Triết (một trong những người có công lớn trong việc xây dựng ngành môi trường ở phía Nam), được tham gia vào các công trình nghiên cứu tài nguyên nước, thủy văn học cấp tỉnh, sau đó là cấp nhà nước”. 
 
Hơn hai năm công tác và tích lũy kinh nghiệm nghiên cứu khoa học tại Viện Môi trường và Tài nguyên, anh Quân được nhận học bổng thạc sĩ toàn phần do Văn phòng Hợp tác Thụy Sỹ tại Việt Nam (SDC) tài trợ. Khi ấy, anh lựa chọn học ở Hà Lan vì có ngành chuyên về ứng dụng “Địa thông tin và Quan sát trái đất trong quản lý nguồn nước”. Giải thích về điều này, anh Quân cho biết, ở thời điểm đó, đây là một ngành rất mới tại Việt Nam và chưa có người theo, nói đơn giản là ứng dụng khoa học không gian kết hợp với ứng dụng công nghệ thông tin để quan sát, phân tích một số biến động dòng chảy trên bề mặt trái đất từ tư liệu ảnh vệ tinh. 
 
Tại môi trường giáo dục Hà Lan, anh Quân đã học hỏi được nhiều kiến thức bổ ích và kỹ năng làm việc chuyên nghiệp. Khi bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ với đề tài mô hình hóa quá trình mưa, dòng chảy, tính toán lũ lụt tại Bình Phước, anh Quân đã đứng đầu chuyên ngành mình theo học tại Đại học Twente (Hà Lan). 
 
Với những công trình nghiên cứu có tính ứng dụng cao trong thời gian theo học tại Hà Lan, tháng 3/2006 khi chuẩn bị tốt nghiệp thạc sĩ, anh Quân tiếp tục nhận được học bổng toàn phần do Bộ Giáo dục và Nghiên cứu Liên bang Đức tài trợ theo học tiến sĩ tại Trường Đại học Kỹ thuật Braunschweig (Đức). Thời gian theo học tại Đức, anh Quân thường xuyên về Việt Nam để đo đạc, lấy số liệu thực tế phục vụ đề tài nghiên cứu tình trạng ô nhiễm môi trường nước, cụ thể tại tỉnh Tây Ninh, sau đó đưa sang Đức để thực hiện.
 
“Những ngày mưa lớn, nước lũ chảy về kéo theo đủ thứ chất gây ô nhiễm nguồn nước tôi lại lỉnh kỉnh đem theo “đồ nghề” ra lấy mẫu, sau đó đo đạc, mô phỏng. Quá trình này kéo dài 2 mùa lũ và đề tài hoàn thành trong 3 năm”, anh Nguyễn Hồng Quân cho biết. Đề tài sau này đã được ứng dụng vào nghiên cứu, đánh giá bảo vệ môi trường nước tại các tỉnh phía Nam.
 
Sau khi về nước, anh Quân tiếp tục theo đuổi các đề tài nghiên cứu khoa học và tham gia giảng dạy đào tạo đại học và sau đại học tại các Trường ĐH Bách khoa TP HCM, ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP HCM). Đến nay, anh Quân đã tham gia vào nghiên cứu và đã được nghiệm thu 3 đề tài khoa học cấp nhà nước, chủ trì 6 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, cấp tỉnh, cùng nhiều đề tài hợp tác quốc tế với các nhà khoa học Đức, Hà Lan, Nhật Bản...
 
Với bề dày các công trình nghiên cứu khoa học và đóng góp trong giảng dạy, lần lượt tháng 6/2016 tại Hội đồng xét duyệt cấp cơ sở (ĐH Khoa học Tự nhiên TP. HCM) và tháng 9/2016 tại Hội đồng ngành, liên ngành (Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước) đã đồng ý 100% tín nhiệm và công nhận chức danh Phó giáo sư ngành Khoa học trái đất đối với anh Nguyễn Hồng Quân khi mới 37 tuổi.
 
Hiện tại, với vị trí Trưởng nhóm Thủy văn - Xã hội, Trung tâm Quản lý nước và Biến đổi khí hậu (ĐH Quốc gia TP HCM), PSG. TS Nguyễn Hồng Quân cùng các đồng sự thực hiện nhiều đề tài tâm huyết. “Sau khi được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư, tôi nhận thấy mình có thêm trách nhiệm với xã hội và mong muốn sẽ có nhiều đóng góp cho vùng đất Lâm Đồng. Đặc biệt, càng đi sâu nghiên cứu, tôi càng cảm thấy phải làm nhiều hơn để có thể đưa những đề tài khoa học được ứng dụng rộng rãi để góp phần giảm thiểu tác động xấu tới môi trường sống”, PSG. TS Nguyễn Hồng Quân tâm sự.
 
ÐOÀN KIÊN