Tạo giá trị cho bản thân để cạnh tranh và hội nhập

09:01, 23/01/2017

Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 đang rục rịch khởi động với nhiều thay đổi trong chế độ tuyển sinh, trong khi đó, nhiều học sinh lớp 12 vẫn còn đang loay hoay với câu hỏi: Làm thế nào để chọn ngành học phù hợp với bản thân và nhu cầu xã hội...

Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 đang rục rịch khởi động với nhiều thay đổi trong chế độ tuyển sinh, trong khi đó, nhiều học sinh lớp 12 vẫn còn đang loay hoay với câu hỏi: Làm thế nào để chọn ngành học phù hợp với bản thân và nhu cầu xã hội...
 
Tại chương trình tư vấn hướng nghiệp “Bí quyết chọn ngành học phù hợp” được Trường ĐH Yersin tổ chức mới đây, các chuyên gia đã cùng chia sẻ về những trăn trở này của học sinh cuối cấp.
 
Nhiều bạn học sinh lớp 12 vẫn còn băn khoăn trong lựa chọn nghề nghiệp tương lai. Ảnh: V.Quỳnh
Nhiều bạn học sinh lớp 12 vẫn còn băn khoăn trong lựa chọn nghề nghiệp tương lai. Ảnh: V.Quỳnh
Hãy dùng lý trí để xử lý tương lai 
 
Đó là lời khuyên của các chuyên gia tư vấn hướng nghiệp dành cho các bạn học sinh lớp 12 đang chưa biết chọn ngành học nào cho phù hợp trong kỳ thi THPT Quốc gia 2017 sắp tới.
 
Nhiều câu hỏi đã được các em học sinh lớp 12 đặt ra để mong các chuyên gia tư vấn. Em Nguyễn Trọng Quyền, (học sinh lớp 12B8 Trường THCS&THPT Tây Sơn) đã đưa ra một lo lắng chung của nhiều bạn học sinh cuối cấp: “Hiện tại, rất nhiều bạn học sinh lớp 12 vẫn chưa định hướng được ngành nghề mình yêu thích trong tương lai. Vậy chúng em phải làm gì để xác định được mình muốn làm gì và có thể làm gì?”. 
 
Trả lời câu hỏi này, TS. Huỳnh Anh Bình - GĐ Trung tâm hướng nghiệp TP Hồ Chí Minh dí dỏm so sánh: “Hãy đốt tất cả các que diêm, bạn sẽ biết que diêm nào sáng nhất. Hãy trải nghiệm nhiều để biết được mình giỏi điều gì”. Anh cũng nhấn mạnh với các bạn học sinh rằng: Hãy đi trên đôi chân của mình để đi được đường dài, chọn nghề mình thích chứ đừng chọn nghề người khác thích. Dùng lý trí để xử lý tương lai cho chính bản thân.
 
Tương tự, em Trần Tuyết Mai (Trường THPT Trần Phú) lại đưa ra thắc mắc: “Làm sao để biết được nghề mình thích có phù hợp với bản thân hay không?”. TS Huỳnh Anh Bình đưa ra lời khuyên: Khi xác định mình thích một nghề nào đó và quyết tâm theo đuổi nó, hãy tìm hiểu thật kỹ về nghề. Chẳng hạn như tìm hiểu về chuẩn đầu ra, yêu cầu của nhà tuyển dụng đối với nhân sự ngành nghề đó. Bên cạnh đó, các bạn học sinh có thể sử dụng công nghệ như Facebook để tìm kiếm, theo dõi các trang thông tin liên quan, đồng thời học hỏi, nhờ sự giúp đỡ, tư vấn từ các anh chị là cựu SV, SV ngành đó.
 
Bạn Lê Anh Phong (THPT Trần Phú) đặt ra câu hỏi: “Nếu ngành em yêu thích không phù hợp với nhu cầu thị trường và không đúng với xu hướng của tương lai thì em nên làm thế nào?”. Đây cũng chính là điều khiến không chỉ các học sinh lớp 12 lo lắng mà còn là trăn trở chung của các bậc phụ huynh. Trả lời câu hỏi này, ông Trần Anh Tuấn - Phó GĐ Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực và thị trường lao động TP Hồ Chí Minh, chia sẻ: “Không quan trọng bạn học trường nào hay ngành nào, mà quan trọng là bạn học tập và rèn luyện như thế nào. Đừng suy nghĩ nghề đó ít nhu cầu lao động, vấn đề là bạn có đủ năng lực và đủ giỏi hay không. Chỉ khi học bằng niềm đam mê, yêu thích và học tập, rèn luyện kiến thức và kỹ năng một cách bài bản, nghiêm túc thì bạn mới có thể thành công”.
 
Giai đoạn hiện nay là thời kỳ học một nghề nhưng làm được nhiều nghề, tức là yêu cầu trong quá trình học, SV phải có ý thức hình thành và rèn luyện nhiều kỹ năng cần thiết, đồng thời không ngừng học hỏi, nâng cao nền tảng kiến thức của bản thân để hội nhập tốt hơn với thị trường lao động hiện tại.
 
Tạo dựng giá trị cho bản thân
 
Tại buổi tư vấn hướng nghiệp, các chuyên gia cũng đã có những chia sẻ về tình trạng thất nghiệp hiện nay, đồng thời đưa ra lời khuyên cho các bạn học sinh để tránh rơi vào tình trạng này sau khi tốt nghiệp ĐH.
 
Ông Nguyễn Quốc Cường - Phó Ban đào tạo Hội Giáo dục nghề nghiệp TP Hồ Chí Minh, chia sẻ: Tại hội nghị toàn quốc bàn về giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học đầu tháng 1 vừa qua, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng chất lượng giáo dục ĐH còn thấp và tồn tại nhiều hạn chế, phần lớn các trường thiếu định hướng, dự báo nghề nghiệp tương lai cho tân SV. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ thất nghiệp sau tốt nghiệp của SV ngày càng tăng cao và trở thành vấn đề đáng báo động. Hiện nay, cả nước có hơn 400 trường CĐ, ĐH với nhiều ngành nghề đào tạo khác nhau. Tuy nhiên, không phải lúc nào số lượng ngành đào tạo cũng song hành cùng chất lượng đào tạo. Bên cạnh đó, với xu hướng chuyển dịch cơ cấu ngành nghề và sự biến đổi không ngừng của nền kinh tế, nhu cầu về nguồn nhân lực cũng không ổn định. Chỉ khi hiểu biết rõ ràng, đúng đắn về ngành học, nhu cầu doanh nghiệp và những dự báo nhu cầu nguồn nhân lực trong tương lai mới có thể giúp tân SV chọn đúng ngành nghề đáp ứng được nhu cầu xã hội, và khả dĩ hơn, có thể chọn đúng ngành học phù hợp với bản thân.
 
Với thực trạng trên, ông Trần Anh Tuấn đã đưa ra lời khuyên cho các bạn học sinh: “Phải hình thành một giá trị cho bản thân để có cơ hội cạnh tranh trên thị trường lao động”. Ông Tuấn cho biết, nhu cầu lao động trong thời gian tới tại vùng kinh tế phía Nam nói riêng và thị trường lao động ASEAN nói chung đang tăng cao, nhất là khi Việt Nam đã gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN. Chúng ta đã không còn chỉ bó hẹp trong môi trường lao động trong nước, mà phải hình thành kỹ năng để sẵn sàng trở thành một công dân, một lao động ASEAN. Thế nhưng, thực tế hiện nay là những người trẻ của chúng ta đang di chuyển chậm, không cạnh tranh nổi với lao động nước ngoài. 
 
Ông Tuấn cũng đưa ra 8 nhóm ngành nghề cơ bản hiện nay để đưa ra lời khuyên: “Dù chọn ngành nghề nào cũng phải hình thành nguồn nhân lực chất lượng cao”.
 
Kết thúc buổi tư vấn hướng nghiệp, bạn Trịnh Thị Bảo Quyên (Trường THPT Bùi Thị Xuân) tỏ ra bối rối với câu hỏi cuối cùng: “SV Lâm Đồng cần phải học như thế nào để khi ra trường có thể cạnh tranh với môi trường lao động ở TP Hồ Chí Minh?”. Trước lo lắng này, ông Nguyễn Quốc Cường khẳng định, SV Lâm Đồng hoàn toàn có thể tự tin và bản lĩnh như SV tại TP Hồ Chí Minh, tuy nhiên, các em cần phải xác định mục tiêu: Làm sao để việc tự tìm mình chứ không phải mình đi tìm việc. Đồng thời, cần phải trau dồi để cạnh tranh quốc tế chứ không phải chỉ là cạnh tranh trong vùng hay trong nước.
 
VIỆT QUỲNH