Thay đổi nhận thức để bảo vệ môi trường

08:01, 20/01/2017

Với những việc làm thiết thực và các mô hình cụ thể, thời gian qua, Hội LHPN huyện Lạc Dương đã tạo nên sự thay đổi đáng kể trong nhận thức của hội viên về bảo vệ môi trường, xây dựng cuộc sống xanh - sạch - đẹp, từ đó cải thiện chất lượng cuộc sống và góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Với những việc làm thiết thực và các mô hình cụ thể, thời gian qua, Hội LHPN huyện Lạc Dương đã tạo nên sự thay đổi đáng kể trong nhận thức của hội viên về bảo vệ môi trường, xây dựng cuộc sống xanh - sạch - đẹp, từ đó cải thiện chất lượng cuộc sống và góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
 
Những vườn rau sạch quanh nhà vừa giúp chị em phụ nữ tiết kiệm chi phí, vừa góp phần bảo vệ môi trường sống. Ảnh: V.Quỳnh
Những vườn rau sạch quanh nhà vừa giúp chị em phụ nữ tiết kiệm chi phí,
vừa góp phần bảo vệ môi trường sống. Ảnh: V.Quỳnh

Mùa mưa năm nay, xung quanh ngôi nhà của chị Liêng Hot Kiều Mi (thôn Bnơ B, thị trấn Lạc Dương) đã không còn cảnh cỏ dại mọc um tùm, gia đình chị cũng không còn phải lo thiếu rau xanh trong mỗi bữa ăn, bởi mảnh đất nhỏ bên nhà đã được chị phát quang để trồng rau cải, bắp sú, đậu đũa… “Mình tận dụng đất bỏ không để đảm bảo chất lượng bữa ăn cho gia đình lại tiết kiệm được một khoản tiền mua thức ăn hàng ngày. Lợi đủ đường”- chị Kiều Mi cho hay. 
 
Mảnh vườn của chị nằm trong mô hình “Trồng rau sạch phục vụ gia đình”, được Hội LHPN huyện phát động thực hiện từ đầu năm 2016 đến nay. Theo đó, 30 hội viên phụ nữ tại xã Đưng Knớ và thị trấn Lạc Dương đã được hỗ trợ hạt giống, hướng dẫn kỹ thuật để xây dựng những vườn rau sạch trong gia đình, vừa nâng cao chất lượng cuộc sống, vừa góp phần bảo vệ môi trường sống. Đây là một trong những hoạt động thiết thực nhằm thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “5 không, 3 sạch” trong Hội LHPN.
 
Bên cạnh đó, hoạt động bảo vệ môi trường cũng được các chị em phụ nữ đặc biệt quan tâm. Những năm gần đây, người dân ở đây đã không còn lạ gì với hình ảnh mỗi ngày cuối tháng, các bà, các mẹ lại hăm hở mang chổi ra đường nhặt rác, nhổ cỏ, dọn vệ sinh. Chị Cil Lem (thôn Bon Đơn 1, thị trấn Lạc Dương) vẫn còn tự hào vì những lời khen về đường ngõ sạch đẹp của những vị khách tới thăm trong dịp lễ Giáng sinh vừa rồi, chị vui vẻ nói: “Mình là phụ nữ, mình đã biết dọn dẹp trong nhà sạch sẽ thì bây giờ cũng phải góp tay để giữ sạch môi trường bên ngoài của nhà nữa”. Đây cũng chính là mục đích mà Hội LHPN huyện Lạc Dương hướng đến - thay đổi ý thức bảo vệ môi trường ngay từ trong nhận thức, nhất là đối với hội viên là người đồng bào dân tộc thiểu số.
 
Để làm được điều này, Hội đã phát động và xây dựng được nhiều mô hình hoạt động tạo hiệu quả thiết thực, tạo sức lan tỏa mạnh trong địa bàn. Ban đầu, các chị em phụ nữ được triển khai dọn vệ sinh môi trường xung quanh nơi ở. Sau khi hình thành được thói quen giữ gìn vệ sinh chung, Hội đã xây dựng các tổ phụ nữ tự quản về môi trường. Mỗi chi hội lập ra một nhóm thu gom rác thải trong cộng đồng khu dân cư, sau đó tiếp tục thành lập và xây dựng mô hình thu gom rác thải đồng ruộng của từng chi hội. Hiện tại, mô hình này đã được triển khai ở cả 12 chi hội của thị trấn Lạc Dương. Mỗi tháng đi dọn dẹp 1 lần ở xung quanh dọc các tuyến đường. 2 tháng 1 lần thu gom rác thải đồng ruộng, dọc các tuyến suối. Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp cũng đã đặt các thùng thu gom rác thải đồng ruộng, giúp chị em thuận tiện và có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường chung. 
 
Chị Lê Thị Nga, Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Lạc Dương cho biết, phong trào giữ gìn vệ sinh môi trường được thực hiện có hiệu quả nhờ vào việc đánh vào ý thức của chị em hội viên, nhất là chị em người đồng bào dân tộc thiểu số. Trước đây, nhiều người vẫn còn thói quen hay vứt rác bừa bãi, hiện tại đã thay đổi được tình trạng này. Tỷ lệ hội viên người dân tộc tham gia khá cao do các chị thấy được lợi ích mà mình sẽ được hưởng. Các chị em được giúp đỡ về vốn, về cây giống, sửa chữa nhà vệ sinh,… đảm bảo quyền lợi nên được các hội viên chấp hành tốt. 
 
Hưởng ứng phong trào thi đua “Phụ nữ chung tay xây dựng nông thôn mới, các chi hội cơ sở đã xây dựng nhiều mô hình khác như “Tuyến đường tự quản làm sạch môi trường”, “Mô hình chăm sóc cây mai anh đào”, xây dựng mô hình chăn nuôi có chuồng trại… Hàng tuần, chị em hội viên tập trung dọn vệ sinh, khơi thông cống rãnh, thu gom rác thải. 
 
Chị Trần Thị Thuyên, Chủ tịch Hội LHPN huyện Lạc Dương cho biết, năm 2016, Hội đã thành lập 13 mô hình thu gom, xử lý rác thải trong sản xuất nông nghiệp tại 12/12 chi hội tại thị trấn Lạc Dương và 1 mô hình tại xã Đạ Sar với 223 chị tham gia. 
 
Ngoài ra, Hội còn vận động hội viên hiến đất, ngày công lao động để sửa chữa, mở rộng và làm mới các hạng mục công trình như làm đường, làm nhà sinh hoạt cộng đồng, làm sân bóng...
 
Những mô hình bảo vệ môi trường của Hội LHPN huyện Lạc Dương không chỉ tạo ra sự thay đổi lớn trong ý thức của chị em hội viên, mà còn lan tỏa mạnh đến cộng đồng dân cư trên địa bàn. Bằng nhiều cách làm khác nhau, cán bộ, hội viên phụ nữ có sự tác động, làm thay đổi nhận thức của người dân về vấn đề bảo vệ môi trường, hướng đến sự phát triển môi trường bền vững, sạch đẹp.
 
VIỆT QUỲNH