Triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục

08:01, 20/01/2017

Tại Hội nghị sơ kết học kỳ I năm học 2016 - 2017 của ngành Giáo dục Lâm Đồng vừa diễn ra vào trung tuần tháng 1, được nhắc đến nhiều nhất là các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục.

Tại Hội nghị sơ kết học kỳ I năm học 2016 - 2017 của ngành Giáo dục Lâm Đồng vừa diễn ra vào trung tuần tháng 1, được nhắc đến nhiều nhất là các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục.
 
Học kỳ I năm học 2016 - 2017 thực hiện Thông tư 22 về đổi mới đánh giá học sinh tiểu học. Ảnh: V.Hào
Học kỳ I năm học 2016 - 2017 thực hiện Thông tư 22 về đổi mới đánh giá học sinh tiểu học. Ảnh: V.Hào

Thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới
 
Để đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục mầm non (GDMN) mới, ngành Giáo dục đã tăng cường công tác quản lý, tập trung các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, ưu tiên xây dựng thêm phòng học, mua sắm trang thiết bị, bồi dưỡng cán bộ quản lý và giáo viên bậc mầm non. Đến nay, 100% xã đều có trường mầm non, mẫu giáo. Tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo ra lớp đạt 78,93%, trong đó, số trẻ em DTTS được huy động đến lớp đạt 41,2%. 
 
Chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ ngày càng được nâng cao, số trường có tổ chức bán trú chiếm tỷ lệ 100%. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và suy dinh dưỡng thể thấp còi đều giảm trên 2% so với đầu năm học. Trong học kỳ I, ở bậc mầm non đã triển khai thí điểm cho trẻ làm quen với ngoại ngữ ở những cơ sở GDMN có điều kiện như Đà Lạt, Bảo Lộc, Bảo Lâm, Di Linh. Đồng thời, giám sát, quản lý việc tổ chức cho trẻ làm quen với ngoại ngữ theo yêu cầu đảm bảo nội dung, phương pháp, hình thức phù hợp với trẻ mầm non.
 
Bên cạnh đó, theo Phòng GDMN (Sở GDĐT), xây dựng trường chuẩn quốc gia là một giải pháp quan trọng, toàn diện để nâng cao chất lượng và hiệu quả chăm sóc, giáo dục trẻ với những điều kiện chuẩn tương đương với các nước phát triển trong khu vực. Việc xây dựng trường chuẩn quốc gia nhằm đảm bảo cho trẻ được chăm sóc, giáo dục một cách toàn diện, làm cơ sở cho việc nâng cao chất lượng nguồn lực sau này. Xây dựng trường chuẩn quốc gia là phát huy sức mạnh của cộng đồng xã hội, huy động được nguồn lực đầu tư cho GDMN, cũng chính là dịp để toàn dân cùng tham gia vào công tác giáo dục, cùng chăm lo đến chất lượng cuộc sống của trẻ, tạo được mối quan hệ tốt giữa gia đình - nhà trường và xã hội.
 
Trong học kỳ I năm học 2016 - 2017, tỉnh Lâm Đồng đã công nhận mới 7 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, nâng số trường mầm non đạt chuẩn lên 78/228 trường, chiếm tỷ lệ 34,21%, tăng 19 trường so với cùng kỳ năm học trước; trong đó, 75 trường đạt mức độ 1 và 3 trường đạt mức độ 2. 
 
Bậc phổ thông dạy học và đánh giá theo chuẩn kiến thức, kỹ năng môn học
 
Sở GDĐT tiếp tục chỉ đạo các trường thực hiện phân phối chương trình trên cơ sở bám sát và vận dụng hợp lý chuẩn kiến thức, kỹ năng các môn học, tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá...
 
Ở bậc tiểu học, thực hiện đổi mới đánh giá học sinh theo Thông tư 22 với những nội dung điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung cho Thông tư 30 trước đây đã giao quyền chủ động cho cán bộ quản lý và giáo viên các trường tiểu học, tăng quyền tự chủ, nâng cao trách nhiệm cho đội ngũ giáo viên trực tiếp dạy học, giảm áp lực hồ sơ, giải tỏa việc ghi nhận xét như trước. Kết quả đánh giá các môn học của học sinh tiểu học toàn tỉnh cuối học kỳ I ổn định, tỷ lệ học sinh hoàn thành môn học bình quân đạt từ 96% trở lên. 
 
Bậc trung học áp dụng chọn lọc các mô hình và phương pháp giảng dạy tiên tiến, hình thức tổ chức dạy học tích cực phù hợp với đối tượng và điều kiện dạy học giúp học sinh vận dụng kiến thức liên môn vào giải quyết các vấn đề thực tiễn. Đồng thời, tiếp tục đổi mới nội dung và hình thức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh. Chất lượng giáo dục bậc trung học có nhiều chuyển biến, tỷ lệ học sinh xếp loại học lực khá, giỏi tăng, tỷ lệ học sinh yếu, kém giảm so với cùng kỳ năm học trước. 
 
Ða dạng hóa hình thức đào tạo
 
Nhằm nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về mục đích, ý nghĩa của việc học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập, ngành Giáo dục phối hợp với Hội Khuyến học các cấp đẩy mạnh việc tuyên truyền cho nhân dân nội dung này. Trong đó, Sở GDĐT tiếp tục chỉ đạo củng cố hoạt động của các trung tâm giáo dục thường xuyên (TT GDTX), trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) và các trung tâm tin học, ngoại ngữ. Toàn tỉnh hiện có 2 TTGDTX cấp tỉnh, 10 trung tâm giáo dục nghề nghiệp (GDNN) cấp huyện. Hiện nay, mỗi huyện, thành phố đều có một TT GDTX hoặc TT GDTX - GDNN thực hiện nhiệm vụ GDTX và hướng nghiệp, dạy nghề phổ thông. Toàn tỉnh có 147 TTHTCĐ/147 đơn vị cấp xã, trong đó, 82 TTHTCĐ kết hợp với Nhà văn hóa xã để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia học tập. 
 
Bên cạnh đó, hiện toàn tỉnh có 37 trung tâm ngoại ngữ, tin học đáp ứng nhu cầu mở rộng và nâng cao kiến thức cho người dân. Qua kết quả kiểm tra thực tế hoạt động của một số trung tâm, đa số các trung tâm đều có cơ sở vật chất khang trang, kiên cố, thiết bị dạy học đảm bảo điều kiện giảng dạy, đội ngũ giáo viên cơ bản đạt chuẩn theo quy định của Bộ GDĐT.
 
Đối với giáo dục chuyên nghiệp, tiếp tục đa dạng hóa các ngành nghề, hình thức đào tạo… gắn với đảm bảo chất lượng, phù hợp với khả năng cung ứng nhân lực của cơ sở đào tạo và quy hoạch phát triển nhân lực của địa phương. Đồng thời, đẩy mạnh công tác phân luồng, hướng nghiệp, đào tạo theo nhu cầu xã hội trong giáo dục nghề nghiệp.
 
VIỆT HÀO