Xuân mới, niềm vui mới

08:01, 10/01/2017

Đã bao đời nay, người dân thôn Păng Tiêng 1 (xã Lát, huyện Lạc Dương) phải sống trong cảnh thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng vào mùa khô. Xuân này, một niềm vui mới đến với họ khi dòng nước mát lành đã về đến từng nhà.

Đã bao đời nay, người dân thôn Păng Tiêng 1 (xã Lát, huyện Lạc Dương) phải sống trong cảnh thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng vào mùa khô. Xuân này, một niềm vui mới đến với họ khi dòng nước mát lành đã về đến từng nhà.
 
 Mùa xuân này, nước sạch là niềm vui mới của người dân thôn Păng Tiêng 1. Ảnh: Đ.Tú
Mùa xuân này, nước sạch là niềm vui mới của người dân thôn Păng Tiêng 1. Ảnh: Đ.Tú

Păng Tiêng 1 là thôn có điều kiện hết sức khó khăn của xã Lát, với 104 hộ, 405 nhân khẩu, trong đó có 22 hộ dân thuộc diện nghèo, cận nghèo. Ông Nguyễn Văn Lâm - Bí thư Chi bộ thôn cho biết: “Păng Tiêng 1 còn nhiều khó khăn lắm, nhất là về nguồn nước sinh hoạt. Vào mùa khô hạn, lượng nước đầu nguồn giảm mạnh, nên hệ thống nước tự chảy bà con tự làm bữa có bữa không. Nay nước đã về đến từng nhà, một tín hiệu đáng mừng đầu xuân mới, Tết Đinh Dậu này bà con không phải băng rừng lội suối xách từng can nước về dùng nữa rồi”. 
 
Trước đây, nguồn nước sinh hoạt của dân cư thôn Păng Tiêng 1 chủ yếu từ nước tự chảy và giếng đào, chưa có kiểm định chất lượng nguồn nước, làm ảnh hưởng đến cuộc sống và sức khỏe của người dân địa phương. Mặt khác, với điều kiện kinh tế khó khăn nên sự đầu tư của người dân để chủ động tìm kiếm nguồn nước là một điều nằm ngoài khả năng của họ. Công trình nước sinh hoạt tập trung tại thôn Păng Tiêng 1 trong thiết kế sẽ cung cấp nước sinh hoạt cho 164 hộ dân, 812 người, 2 trường học và nhà sinh hoạt cộng đồng của thôn. 
 
Gia đình chị Kớ Sá KJông (1977) gồm 6 thành viên, những năm trước đây phải dùng nguồn nước giếng tự đào sát mép ruộng nước, mưa gió thì đục ngàu, nắng nóng thì chịu chung số phận khô hạn cùng đồng lúa. Không thể sống cảnh như vậy, chị Kớ Sá KJông cùng các hộ dân xung quanh đã góp kinh phí cùng nhau bắc một đường ống dẫn nước từ con khe nhỏ cách nhà lên đến 2 km. 
 
Chị KJông tâm sự: “Gia đình tôi cùng với các hộ Kơ Jă K’Mé, Kơ Jăn K’Tim, Kơ Jă K’Him góp chung nhau số tiền trên 12 triệu đồng, mua đến hơn 2.000 mét ống nước bằng cổ tay người lớn để dẫn nước về. Nhưng chỉ được thời gian đầu, còn sau đó thì lượng nước bắt đầu khan hiếm, khiến nhiều hộ dân chúng tôi phải lao đao với cảnh thiếu nước sinh hoạt. Ngoài công việc đồng áng vất vả, chiều đến tôi phải đi gánh nước từ các khe suối để nấu ăn, tắm rửa cho con cái”.
 
Bà K’Dí sống ở đầu thôn đã ngoại lục tuần, đang tranh thủ phơi “lộc rừng” (cây đót) mà con cháu của bà mang từ rừng về. Thương con, thương cháu vất vả, bà phải lê tấm thân già cõng từng can nước xuyên núi rừng, nhưng kể từ nay mỗi khi cần đến nước bà chỉ cần ra trước khoảng sân của mình. Bà rơm rớm nước mắt: “Sống đến ngần này tuổi rồi nay bà con mới có dòng nước tự chảy về ngay trước cổng nhà mình, muốn dùng chỉ cần mang xô ra lấy. Con trai tôi bảo rằng sẽ mua ống nước, dẫn vào tận bếp, không phải tay xách nách mang lấy nước về sinh hoạt nữa”. 
 
Chủ tịch UBND xã Lát, K’Síu dẫn chúng tôi đến phân Trường Tiểu học Păng Tiêng, cây non được trồng đã trổ mầm đầu xuân mới. Ông K’Síu bảo: “Phân trường tiểu học này gồm 3 lớp học, có tổng số 36 học sinh, nước chính là thứ khó khăn nhất ở đây, không có nước công tác giáo dục cũng bị ảnh hưởng một phần, cô trò phải nhờ nguồn nước từ nhà dân, nhà dân khan hiếm thì giáo viên phải xuống suối lấy nước để sử dụng. Giáo viên khổ, học trò khổ, cây cối thì không sống nổi, ngôi trường vàng chóe như nằm trên một chảo rang”. 
 
Cô giáo Glass là người dân địa phương, đã nhiều năm gắn bó với phân Trường Tiểu học Păng Tiêng nên cô hiểu rõ cái cám cảnh khô khát của vùng đất này. Mùa xuân mới, một điều đặc biệt đến với cô trò nơi đây: nước sạch đã về đến trường. Cô cho biết, trước đây, giáo viên phải tranh thủ thời gian nghỉ giữa giờ để xuống con suối Đạ Cho Mo gần đó lấy nước về dùng, bây giờ có nước rồi thì việc trồng được cây cối, các loại hoa để tô thắm cho ngôi trường vùng nghèo khó này cũng thuận tiện hơn. 
 
Păng Tiêng 1 không còn khô khát, người dân, cô trò nơi đây không còn phải dắt dìu nhau xuống suối lấy nước nữa. Và, một màu xanh hi vọng lại về trên mảnh đất, ngôi trường vùng xa còn lắm gian nan.
 
ÐỨC TÚ