Đạ Huoai: Để học sinh dân tộc thiểu số sử dụng tốt tiếng Việt

09:02, 15/02/2017

Tăng cường học liệu, đồ dùng, đồ chơi, trang thiết bị dạy học cho các trường mầm non và tiểu học, Đạ Huoai đang nỗ lực xây dựng môi trường thuận lợi để học sinh các cộng đồng dân tộc thiểu số trên địa bàn sử dụng tốt tiếng Việt từ các lớp đầu cấp.

Tăng cường học liệu, đồ dùng, đồ chơi, trang thiết bị dạy học cho các trường mầm non và tiểu học, Đạ Huoai đang nỗ lực xây dựng môi trường thuận lợi để học sinh các cộng đồng dân tộc thiểu số trên địa bàn sử dụng tốt tiếng Việt từ các lớp đầu cấp.
 
Trong giờ tiếng Việt. Ảnh: V.T
Trong giờ tiếng Việt. Ảnh: V.T
Tăng cường tiếng Việt cho học sinh đầu cấp
 
Đạ Huoai hiện có 12 trường mầm non với trên 2.000 trẻ đang theo học và 10 trường tiểu học với trên 3.300 học sinh, mạng lưới trường mầm non và tiểu học được phân bổ khá đều trên địa bàn. 
 
Trong bậc mầm non tổng cộng có 78 nhóm lớp, trong đó 56 nhóm lớp hệ công lập, 11 nhóm lớp hệ tư thục, 3 nhóm trẻ tình thương và 8 nhóm trẻ gia đình. Nhiều năm gần đây, Đạ Huoai làm rất tốt việc đưa trẻ 5 tuổi ra lớp, tỷ lệ huy động luôn đạt 100%.
 
Với bậc tiểu học, huyện hằng năm tổ chức các lớp tăng cường tiếng Việt trong hè từ 1 - 1,5 tháng cho học sinh DTTS chuẩn bị vào lớp 1, đặc biệt là ở các xã vùng đồng bào DTTS chiếm đa số như Phước Lộc, Đạ Ploa và Đoàn Kết. Trong cấp tiểu học, huyện đã đưa chương trình Công nghệ Tiếng Việt vào áp dụng.

Đến nay, tất cả các trường mầm non trên địa bàn từ trung tâm huyện đến các xã vùng sâu đều thực hiện bán trú dưới hình thức nấu ăn cho trẻ hoặc gia đình mang cơm cho trẻ khi đi học. Các trường tích cực phối hợp với ngành y tế, các trạm y tế xã, thị trấn thực hiện tốt việc khám sức khỏe định kỳ cho trẻ, kiểm tra bếp ăn tập thể; phát huy vai trò nhân viên y tế trường học để giáo dục vệ sinh cá nhân các cháu, phối hợp với các bậc phụ huynh trong việc chăm sóc trẻ. 

 
Theo ông Nguyễn Văn Trinh, Trưởng phòng Giáo dục Đạ Huoai, Phòng luôn yêu cầu các trường mầm non trên địa bàn thực hiện tốt chủ trương lấy trẻ làm trung tâm, giáo viên được yêu cầu áp dụng phương pháp dạy học tích cực, biết cách hướng dẫn trẻ khai thác các nội dung trong từng chủ đề dạy, tận dụng cơ hội để phát triển toàn diện cho trẻ. Đặc biệt, việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ người dân tộc thiểu số (DTTS) được các trường mầm non lâu nay thực hiện khá tốt, tất cả các trẻ DTTS khi đến trường đều được tăng cường tiếng Việt thông qua các hoạt động lớp ghép.
 
Về cơ sở vật chất, theo Phòng Giáo dục huyện, trường học trên địa bàn trong đó có bậc mầm non và tiểu học cơ bản đã được kiên cố hóa, trong đó có 6 trong 10 trường mầm non tại huyện đã đạt chuẩn quốc gia, còn trong 10 trường bậc tiểu học của huyện cũng có 8 trường đã đạt chuẩn quốc gia.
 
“Hầu hết học sinh DTTS tại các trường học trên địa bàn khi qua các lớp tăng cường tiếng Việt đã dần tránh được lỗi chính tả, giảm lỗi phát âm theo vùng miền, phân biệt được từ ngữ; nhiều em sử dụng tiếng Việt rất tốt không kém trẻ người Kinh” - ông Trinh cho biết. 
 
Vận động cộng đồng 
 
Tháng 12/2016 vừa qua, UBND huyện Đạ Huoai đã ban hành kế hoạch thực hiện Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến 2025” trên địa bàn toàn huyện.
 
Mục tiêu chung của kế hoạch này nhằm tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng đồng bào DTTS, đảm bảo giúp các em có kỹ năng cơ bản trong sử dụng tiếng Việt để hoàn thành chương trình giáo dục mầm non và bậc tiểu học, tạo tiền đề để các em lĩnh hội kiến thức trong những bậc tiếp theo, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển bền vững các vùng đồng bào DTTS tại huyện. 
 
Theo lộ trình, đến năm 2020, có ít nhất 35% trẻ DTTS trong độ tuổi nhà trẻ và 92% trẻ em người DTTS trong độ tuổi mẫu giáo đi học được tập trung tăng cường tiếng Việt; con số này sẽ tăng dần lên cho đến năm 2025. Riêng học sinh người DTTS trong bậc tiểu học, 100% được tăng cường tiếng Việt.
 
Để thực hiện kế hoạch, trong thời gian đến, huyện sẽ chú ý tăng cường, bổ sung, thay thế, cung cấp thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi dạy học tiếng Việt phù hợp với tất cả nhóm lớp, điểm trường trong bậc mầm non và tiểu học ở các xã vùng sâu vùng đồng bào DTTS khó khăn; xây dựng và đảm bảo môi trường tiếng Việt trong các cơ sở giáo dục mầm non và tiểu học có học sinh DTTS.
 
Đạ Huoai cho biết, sẽ xây dựng và thí điểm mô hình tăng cường tiếng Việt tại các xã trong huyện, đặc biệt là các xã có đông đồng bào DTTS như các xã Phước Lộc, Đoàn Kết, Đạ Ploa... Yêu cầu các trường tiểu học trên địa bàn cần tạo “góc” tiếng Việt trong lớp, trưng bày tranh ảnh, đồ chơi, vật liệu, mô hình, hình ảnh trực quan… tại góc này để giúp học sinh người DTTS thuộc từ vựng tiếng Việt khi nhìn vào góc tiếng Việt này; chú ý bổ sung, thay đổi theo thời gian, chủ đề của chương trình giảng dạy đồng thời xây dựng thư viện thân thiện để học sinh có thể dễ dàng tiếp xúc với sách như hình thức thư viện tại lớp, thư viện ngoài trời (thư viện xanh). 
 
Các trường học cũng cần thành lập các câu lạc bộ học sinh nói - viết tiếng Việt, góc ngôn ngữ Việt, giao lưu tiếng Việt giữa các lớp, các khối, trường; thường xuyên tổ chức các hoạt động để học sinh DTTS tham gia nhằm đảm bảo các em tự tin sử dụng tốt tiếng Việt. 
 
Huyện cũng sẽ điều chỉnh chương trình tiếng Việt lớp 1 từ 350 tiết lên 500 tiết/năm theo qui định để học sinh DTTS có đủ thời gian thực hành, đạt chuẩn kiến thức và kỹ năng môn tiếng Việt ngay từ lớp đầu cấp. 
 
Bên cạnh việc nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên trực tiếp đứng lớp, Đạ Huoai cho biết sẽ vận động các nguồn lực từ xã hội cho công tác tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS; huy động cán bộ hưu trí, hội viên đoàn viên của các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là Hội Cựu giáo chức, Hội Khuyến học huyện, Hội Phụ nữ huyện cùng các trung tâm học tập cộng đồng trong huyện cùng tham gia hỗ trợ tăng cường tiếng Việt cho cha mẹ lẫn cho trẻ người DTTS trên địa bàn.
 
VIẾT TRỌNG