Ngày đêm giữ nhịp thận nhân tạo

09:02, 27/02/2017

Trong căn phòng rộng chừng 20 mét vuông, 9 máy lọc máu cho những bệnh nhân bị suy thận mãn tính luôn hoạt động hết công suất bất kể ngày đêm. 2 bác sỹ và 10 điều dưỡng tại đây cũng làm việc quên giờ giấc. Đối lập với những "quả thận" nhân tạo vô tri vô giác là những câu chuyện thấm đẫm tình người giữa các y, bác sỹ và bệnh nhân nơi đây. 

Trong căn phòng rộng chừng 20 mét vuông, 9 máy lọc máu cho những bệnh nhân bị suy thận mãn tính luôn hoạt động hết công suất bất kể ngày đêm. 2 bác sỹ và 10 điều dưỡng tại đây cũng làm việc quên giờ giấc. Đối lập với những “quả thận” nhân tạo vô tri vô giác là những câu chuyện thấm đẫm tình người giữa các y, bác sỹ và bệnh nhân nơi đây. 
 
Bác sỹ Moul Thoàn kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân trong quá trình lọc máu.. Ảnh: H.Sang
Bác sỹ Moul Thoàn kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân trong quá trình lọc máu.. Ảnh: H.Sang

Nằm khuất trong một góc nhỏ của Bệnh viện II Lâm Đồng, trái hẳn với vẻ im ắng bên ngoài cánh cửa luôn đóng kín với dòng chữ “đơn vị lọc máu” thì bên trong mọi thứ lại diễn ra rất tất bật. Từ 4 giờ 30 sáng, 9 máy lọc máu được khởi động và kiểm tra các thông số kỹ thuật. Đúng 5 giờ, những bệnh nhân đầu tiên có mặt để “chạy thận”, bắt đầu ca làm việc đầu tiên của khối thiết bị được gọi là “thận nhân tạo” và cũng là thời khắc khởi động của các y, bác sỹ cho một ngày dài làm việc không ngơi nghỉ. 
 
Ở trọ để “chạy thận”
 
Những bệnh nhân đến đây “chạy thận” chủ yếu là người bị bệnh thận mãn tính. Người mới thì vài tháng, người có “thâm niên” thì cũng gần chục năm. Tất cả họ đều phải dựa vào những trái thận nhân tạo mới có thể kéo dài sự sống. Người gần thì ở ngay trung tâm TP Bảo Lộc, xa hơn thì có cả Di Linh, Cát Tiên... Dù xa hay gần, bệnh mới hay cũ, ở họ đều có điểm chung là kiệt quệ cả về sức lực và tiền bạc. Nói như bác sỹ Moul Thoàn, Trưởng Đơn vị lọc máu Bệnh viện II Lâm Đồng, đã mắc suy thận mãn thì dù có điều kiện kinh tế tới đâu thì rồi cũng dẫn đến kiệt quệ, đó là chưa nói những người có hoàn cảnh khó khăn. 
 
Tôi đến đây khi ca chạy thận thứ 2 trong ngày bắt đầu để chuẩn bị cho việc lọc máu. Người già có, trẻ tuổi có nhưng đều lộ rõ vẻ mệt mỏi sau mỗi lần rút máu ra rồi trả máu về lại cơ thể. Mỗi chu trình như thế mất bình quân khoảng 4 tiếng đồng hồ. Nhìn vào cánh tay của chị Ka Soa, đã được can thiệp bằng y khoa để cho những động mạch lớn ra, thuận tiện cho việc lọc máu khiến tôi không khỏi chạnh lòng. Sờ vào những mạch máu u lớn, thâm tím trên cánh tay, dòng máu nóng chảy qua nhanh hơn bình thường mà theo chị thì “thời gian đầu đau đớn và khó chịu lắm nhưng giờ đã trở nên bình thường”. Dù mới 35 tuổi nhưng chị Ka Soa đã có đến 9 năm phải “chạy thận” nhân tạo. Để đến bệnh viện Bảo Lộc chạy thận, sáng sớm chị phải nhờ người chở bằng xe máy từ xã Gia Bắc (huyện Di Linh) ra đến Quốc lộ 20, sau đó bắt xe buýt đến bệnh viện. Một thân một mình chị phải gồng mình chịu đựng nhiều mỏi mệt trong suốt hành trình gần 80 cây số. Lượt đi còn đỡ, lượt về sẽ mệt nhọc hơn sau một quá trình dài lọc máu. Mỗi tháng bình quân 12 lần như thế nhân lên cho 9 năm trời ròng rã đã khiến cho cơ thể chị rệu rã. Ánh mắt ngấn lệ khi chị nói về quãng đường dài mà mình đã vượt qua. Trị bệnh từ khi mẹ còn sống đến nay mẹ đã mất. Đến bệnh viện từ khi bố còn khỏe để đưa đi đến nay ông cũng đã sức tàn lực kiệt. Nhà có 7 anh chị em nhưng ai cũng khó nên chẳng giúp được gì nhiều. Bệnh tật, sức khỏe yếu nên lúc nào chị cũng nghĩ mình là gánh nặng cho gia đình. Đôi khi muốn từ bỏ chữa trị nhưng khát khao được sống khiến chị cố gắng cho đến nay. 
 
Cách giường bệnh của chị Ka Soa không xa, cụ ông 80 tuổi Nguyễn Văn Quyền cũng đều đặn tuần ba lần từ Phú Hiệp, Di Linh xuống bệnh viện để lọc máu. Người con gái út đưa ông bằng xe máy đến đây. Giọng thều thào không còn chút sức lực, ông lắc đầu cho hay đã tốn vài trăm triệu cho 6 năm “chạy thận” rồi nhưng chắc có lẽ vẫn còn phải sống chung với căn bệnh đến cuối đời. Cũng tuổi già sức yếu nhưng ông Võ Văn Hiền lại có số phận bi đát hơn. Không con cái, không người thân nên để đi từ ngã ba Bà Sa (huyện Đạ Huoai) lên Bảo Lộc, người đàn ông đã 63 tuổi này phải tự chạy xe máy. Gọi là xe máy nhưng nó như một “khối sắt di động”. Hễ thấy chiếc xe ấy dựng bên hông phòng bảo vệ của bệnh viện là nhiều người nhận ra ông Hiền đi “chạy thận”. 
 
Nhân viên kỹ thuật và nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Nga Hương kiểm tra một máy chạy thận. Ảnh: H.Sang
Nhân viên kỹ thuật và nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Nga Hương kiểm tra một máy chạy thận.
Ảnh: H.Sang

Trong hành trang của những người đến đây “chạy thận”, hầu như ai cũng mang theo cho mình một cuộn băng keo bằng giấy. Nó dùng để cố định những mũi kim, những dây nhợ chằng chịt cho mỗi lần rút máu ra, đưa vào máy lọc, rồi lại trả máu về cơ thể. Khác với nhiều người, trong ba lô của anh Lưu Đức Chung (37 tuổi), nhà ở xã Madaguoi, huyện Đạ Huoai, còn có hộp cơm trắng. Một năm “chạy thận” tại Đà Lạt, 5 năm tại Bảo Lộc khiến kinh tế gia đình anh cạn kiệt. Mọi chi phí cho anh điều trị và để lo cho con ăn học đều do một tay vợ anh chạy vạy, túng quá thì lại vay nhờ anh em, hàng xóm. Hộp cơm trắng anh đem theo là bữa ăn chính cho buổi lọc máu xuyên trưa vì không có người thân đi cùng để có thể lấy cơm từ thiện tại bệnh viện, còn quá nhiều chi phí khác để buộc anh phải tiết kiệm. “Tiền xăng xe đi lại, tiền trả thêm ngoài bảo hiểm y tế thì mỗi tháng cũng tốn hết 4 - 5 triệu đồng, trong khi đó mình lại chẳng thể kiếm được đồng nào với sức khỏe như hiện tại. Ngày nào khỏe thì lọc máu xong có thể ra đón xe về ngay, ngày nào bị choáng thì phải nằm lại nghỉ vài tiếng” - anh Chung chia sẻ. Trong ngữ điệu ngập ngừng của anh, tôi cảm nhận được sự bất lực của một thanh niên trai trẻ, đang ở độ tuổi “sức dài vai rộng” nhưng lại phải sống phụ thuộc, phụ thuộc vào thiết bị máy móc, phụ thuộc vào những người thân trong gia đình. 
 
Hơn 80 bệnh nhân suy thận mãn đang phải sống nhờ vào những quả thận nhân tạo tại đơn vị lọc máu này. Người trẻ nhất mới tròn 22 tuổi, người già nhất cũng đã ở tuổi 88.
 
Chỉ trong khoảng thời gian ngắn, tiếp xúc với số ít bệnh nhân nhưng ai cũng có hoàn cảnh đáng thương đến nhói lòng. Vừa thu dọn tư trang gói gọn vào chiếc ba lô, ông Triệu Văn Quý vừa lóng ngóng cho tôi xin số điện thoại. 57 tuổi, ông cũng đã nhiều năm chịu đựng cuộc sống gắn liền với máy móc. Nhà ở tận Đạ Tẻh nên ông phải thuê phòng trọ gần bệnh viện để thuận tiện cho việc “chạy thận”. “Ngày nào lọc máu không khỏe trong người thì nằm ở phòng nghỉ, ngày nào khỏe hơn tôi lấy vé số đi bán để kiếm chút đỉnh. Bệnh “của nhà giàu” mà lại rơi vào nhà nghèo như mình thì phải cố làm mới có cái ăn, có sức để trị bệnh chứ” - ông Quý dí dỏm nói về căn bệnh của mình nhưng ẩn chứa sau đó là nỗi buồn không lối thoát. Trong căn phòng trọ đơn sơ, ông lủi thủi một mình qua ngày dài, tự lo cho bản thân trong sinh hoạt hàng ngày, tự chống chọi với bệnh tật mà lẽ ra ông cần nhận được sự chăm sóc mọi lẽ. 
 
San sẻ yêu thương
 
Bình quân mỗi ngày, mỗi chiếc máy chạy thận tại đây phải hoạt động 5 ca, tương ứng với 5 lượt bệnh nhân. Công suất máy được xem là vượt ngưỡng và so với sức người thì mới thấy được áp lực công việc của những người làm chuyên môn tại đây. Từ 4 giờ 30 sáng đến tận 23 giờ đêm, hai ca làm việc của các y, bác sỹ cứ thế tiếp diễn không một phút nào ngơi tay.
 
Gần 6 năm gắn bó với công việc liên quan đến những bệnh nhân suy thận mãn, nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Nga Hương đã quá thấu hiểu với những nỗi đau và sự cùng cực mà bệnh nhân phải đối mặt. Chưa một lần suy nghĩ công việc của mình là sự hy sinh, khổ cực, chị Hương dành toàn bộ tình cảm của mình để nói về người bệnh cũng như những trăn trở mà mình chưa làm được. “Bệnh nhân suy thận mãn phải đối diện với rất nhiều khó khăn. Có người thì gia cảnh quá nghèo, có người nhà lại ở quá xa. Trong khi đây là căn bệnh phải điều trị suốt đời, tốn kém chi phí rất lớn. Dù đa phần đều có bảo hiểm nhưng còn nhiều khoản chi tiêu khác họ phải lo. Do đó, hầu hết anh chị em làm việc tại đây đều rất sẵn lòng chia sẻ cả về vật chất lẫn tinh thần mỗi khi gặp bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn” - chị Hương chia sẻ.
 
Giữa mỗi lượt lọc máu, thường máy sẽ được nghỉ khoảng 45 phút để lọc rửa và thay dụng cụ. Gọi là được nghỉ nhưng cả máy lẫn người vẫn làm việc để chuẩn bị cho lượt bệnh tiếp theo. Nữ điều dưỡng trưởng Lại Thị Thu Thủy cho biết, khi chu trình lọc máu bắt đầu thì phần việc chủ yếu do máy móc làm. Thế nhưng, những thông số kỹ thuật, những chỉ số sinh tồn đều phải được theo dõi sát sao để tránh những tai biến vì một lượng lớn máu được lấy ra khỏi cơ thể rồi trả lại không phải là điều đơn giản.
 
Đơn vị lọc máu là tên gọi mới, sau khi bộ phận lọc máu được tách riêng ra khỏi Khoa Hồi sức Cấp cứu. Đây cũng được xem là bước đệm để chuẩn bị cho việc thành lập Khoa Thận nhân tạo của Bệnh viện II Lâm Đồng trong thời gian tới. Khi mới triển khai chạy thận nhân tạo, chỉ có hai chiếc máy chạy thận được trang bị. Hầu hết bệnh nhân phải đi chạy thận tại Đà Lạt, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh với rất nhiều chi phí phát sinh. Hiểu được điều này, cách đây vài tháng, ban giám đốc bệnh viện đã quyết định nâng cấp thành đơn vị lọc máu và đầu tư thêm máy móc cho đơn vị.
 
Trong câu chuyện của mình, bác sỹ Moul Thoàn nhắc đi nhắc lại “làm trên tinh thần phục vụ là chính”. Bởi lẽ, đến đây điều trị chủ yếu là người nghèo, họ chỉ chi trả theo đúng chế độ bảo hiểm y tế, còn không phải trả bất cứ một khoản nào như khi đi “chạy thận” ở những nơi khác. Thế nhưng, điều khiến chị trăn trở nhất là trang thiết bị quá ít trong khi số bệnh nhân có nhu cầu thì quá lớn. Hiện, danh sách chờ chính thức để được “chạy thận” là 87 người, còn số người đến hỏi rồi đi nơi khác chạy thận là nhiều vô kể.
 
 Không phải đối diện với những nguy kịch, với lằn ranh mong manh giữa sự sống và cái chết như tại một số khoa nhưng tại đơn vị lọc máu này vẫn có những câu chuyện buồn. “Thường thì giữa bệnh nhân và y, bác sỹ ở đây có sự liên hệ rất mật thiết. Có bất kỳ dấu hiệu gì bất thường khi đang ở nhà là họ gọi ngay để hỏi. Ngược lại, chúng tôi cũng rất hay gọi cho người bệnh để nhắc họ đến lọc máu khi thấy bỏ tua. Thế nhưng, có những cuộc gọi được phản hồi bằng những tin buồn đến nao lòng. Lại một người nữa ra đi, lại một sự mất mát mà cảm tưởng như của chính những người thân trong gia đình mình” - bác sỹ Moul Thoàn tâm sự. 
 
Vẫn có những ưu tiên trong danh sách chờ được chạy thận mà bệnh viện đang lưu giữ. Nhưng, có những trường hợp “dẫu muốn lắm nhưng lực bất tòng tâm”. Nằm trên giường lọc máu, bà Đoàn Thị Rõ ở Đạ Tẻh vẫn đau đáu lo cho đứa con trai mình cũng phải đang chạy thận tại TP Hồ Chí Minh. 6 năm “chạy thận” dường như là nỗi đau quá lớn đối với người phụ nữ sinh năm 1974, càng đau đớn hơn khi cách đây hai năm đứa con trai sinh năm 2000 của chị cũng bị suy thận phải “chạy thận” tại TP Hồ Chí Minh vì tại Bảo Lộc không đủ máy. Có khoảng hơn 200 ca suy thận được ký chuyển viện từ đầu năm đến nay vì trang thiết bị tại bệnh viện không thể đáp ứng. Đây quả là một con số đáng buồn.
 
Trong miên man những câu chuyện buồn vẫn có một chút niềm vui được thắp lên. Theo thông tin từ bác sỹ Huỳnh Ngọc Thành, Phó Giám đốc Bệnh viện II Lâm Đồng, khi chuyển về vị trí mới, Bệnh viện sẽ chính thức thành lập Khoa thận nhân tạo. Khi đó, nhiều trang thiết bị máy móc sẽ được trang bị. Chắc chắn, một chiếc máy chạy thận hiện đại dùng để cấp cứu những bệnh nhân suy thận cấp sẽ được trang bị, còn những chiếc máy chạy thận thông thường khác thì vẫn đang trong giai đoạn chờ duyệt kinh phí.
 
Chờ đợi có lẽ là điều duy nhất mà những bệnh nhân và các y, bác sỹ nói đây có thể làm trong lúc này. 
 
HỮU SANG