Xuất hiện nhiều điển hình tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước

08:02, 21/02/2017

Với tinh thần "Càng khó khăn càng thi đua", trong năm 2016, phong trào thi đua yêu nước của Lâm Đồng đã có những kết quả tích cực, xuất hiện nhiều điển hình tiêu biểu. 

* Chú trọng khen thưởng những người lao động trực tiếp
 
Với tinh thần “Càng khó khăn càng thi đua”, trong năm 2016, phong trào thi đua yêu nước của Lâm Đồng đã có những kết quả tích cực, xuất hiện nhiều điển hình tiêu biểu. 
 
Những điển hình tham gia giao lưu “Điển hình tiên tiến cụm thi đua 5 tỉnh Tây Nguyên”. Ảnh: PV
Những điển hình tham gia giao lưu “Điển hình tiên tiến cụm thi đua 5 tỉnh Tây Nguyên”. Ảnh: PV

Những điển hình 
 
Là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn nhưng Lâm Đồng trong năm 2016 đã có những bước tiến rất đáng kể. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) đã tăng gần 8% so với năm 2015; thu nhập bình quân đầu người đạt 50 triệu đồng; thu ngân sách đạt 7.215,6 tỷ đồng, đạt trên 156% so với dự toán Trung ương; xây dựng nông thôn mới tăng 18 xã, đạt 150% kế hoạch; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,5%; là tỉnh dẫn đầu về nông nghiệp công nghệ cao của cả nước.
 
Cùng đó, hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục được củng cố, kiện toàn; năng lực lãnh đạo các cấp ủy Đảng, công tác quản lý điều hành của các cấp chính quyền được nâng lên; Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội đã và đang thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội, cùng tham gia xây dựng Đảng và chính quyền vững mạnh. 
 
Trong công tác thi đua - khen thưởng, Hội đồng Thi đua Khen thưởng của tỉnh và các tổ chức làm công tác thi đua - khen thưởng các cấp đã có nhiều nỗ lực, sáng kiến tham mưu cấp ủy, thủ trưởng đơn vị, tổ chức các phong trào thi đua; nâng cao hiệu quả hoạt động của mô hình cụm, khối thi đua. 
 
Trong năm qua, Lâm Đồng đã thực hiện tốt các phong trào thi đua trong tất cả các lĩnh vực, từ nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, xây dựng, thương mại, du lịch, xúc tiến đầu tư đến y tế, văn hóa, giáo dục, xây dựng Đảng - chính quyền, khởi nghiệp…
 
Tiêu biểu trong các điển hình tập thể này có thể kể đến những nỗ lực của Công ty cổ phần Dược Lâm Đồng Ladophar với giải thưởng Quest for Excellence Award do Hội đồng Giải thưởng Chất lượng Quốc tế Châu Á - Thái Bình Dương (GPEA) trao tặng; như Trang trại bò sữa của Vinamilk tại Đơn Dương đạt tiêu chuẩn Organic do tổ chức Control Union - Hà Lan chứng nhận; như doanh nghiệp Cầu Đất Farm - Đà Lạt áp dụng công nghệ sạch vào sản xuất chế biến sản phẩm nông sản; như Công ty Fresh Studio - Hà Lan đã liên kết với nông dân thả nuôi 4 loài thiên địch nhện bắt mồi trên 2 ha nhà kính trồng ớt ngọt và dưa leo công nghệ cao; như Công ty Dalat Hasfarm tại Đạ Ròn - Đơn Dương đã giới thiệu với nông dân mô hình sản xuất hoa và sản phẩm công nghệ sinh học về thiên địch và nấm có ích cho cây và đất trồng… 
 
Và không chỉ có các công ty lớn, những đơn vị sản xuất nhỏ trong tỉnh cũng có những nỗ lực đáng ghi nhận. Chẳng hạn như Hợp tác xã Nam Sơn (Đức Trọng) đã cải tạo 4 ha đất khô cằn ở xã Tân Thành để trồng rau theo hướng công nghệ cao; như tổ hợp tác Lộc Phát, xã Phú Hội - Đức Trọng trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP và trồng nấm bào ngư...
 
Trong điển hình cá nhân có thể kể đến “nhà sáng chế” Lê Thanh Trị - Đức Trọng được Bộ NN - PTNT tôn vinh trong 68 đại biểu hợp tác xã, tổ hợp tác, nông dân có sáng chế, sáng kiến tiêu biểu toàn quốc năm 2016; như ông Nguyễn Hồng Phong - Giám đốc Công ty Phong Thúy (Đức Trọng); ông Trần Đức Quang - Giám đốc Hợp tác xã Xuân Hương (thành phố Đà Lạt) có những nỗ lực vượt bậc trong sản xuất, kinh doanh.
 
Nhiều tấm gương khác như Đại đức Thích Linh Toàn, Trưởng Ban Từ thiện xã hội, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Lâm Đồng đã có những đóng góp lớn trong công tác từ thiện xã hội; như kỹ sư Lê Văn Cường, Giám đốc Công ty TNHH Đà Lạt GAP với ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp để nâng cao giá trị nông sản; như Tiến sỹ Phan Xuân Huyên, Viện Nghiên cứu Khoa học Tây Nguyên với kết quả nghiên cứu bảo tồn và phát triển cây dược liệu lan gấm tại Đà Lạt; như Đại tá Nguyễn Văn Minh, Đoàn trưởng Đoàn Kinh tế Quốc phòng Bắc Lâm Đồng với phong trào thi đua quyết thắng; như ông Nguyễn Mậu Hà, chuyên viên Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Lâm Đồng với Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”...
 
Có rất nhiều những tấm gương điển hình trong phong trào thi đua yêu nước từ cơ sở như ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch UBND phường 1, thành phố Bảo Lộc với việc xây dựng “Phường phát triển toàn diện”; như ông Cil Phi Criêu Ha Tây - nông dân thôn Đa Tro, Đạ Nhim, huyện Lạc Dương chuyển đổi giống cây cà phê già cỗi sang trồng rau, hoa năng suất cao; như ông Lê Văn Bảy, thôn Cát An 2, xã Phước Cát 1, Cát Tiên trong phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Đặc biệt có tài xế xe tải Phan Văn Bắc, người đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Dũng cảm khi dìu xe khách mất phanh tại đèo Bảo Lộc tránh được tai nạn giao thông thảm khốc xảy ra...
 
Những điểm mới trong công tác thi đua - khen thưởng
 
Theo bà Võ Thị Khiết, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Lâm Đồng, Trưởng ban Thi đua Khen thưởng tỉnh, rất nhiều cái mới được áp dụng trong công tác thi đua - khen thưởng trong năm vừa qua. 
 
Trước nhất, tỉnh đã áp dụng các điểm mới của Luật Thi đua Khen thưởng gắn với Nghị định 56 của Chính phủ vào thực tiễn địa phương; chú ý đến việc xét sáng kiến, giải pháp hữu ích của các cá nhân; đặc biệt chú trọng phát hiện và tôn vinh các nhân tố điển hình tiên tiến, gương người tốt việc tốt trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, địa phương; chú ý đến những người trực tiếp lao động, công nhân, nông dân…
 
Tỉnh cũng đã triển khai tập huấn công tác thi đua - khen thưởng đến tận cán bộ cấp xã; hướng dẫn cơ sở cách viết sáng kiến, giải pháp cụ thể. Công tác khen thưởng thành tích kháng chiến trên địa bàn tiếp tục được quan tâm; việc thực hiện chính sách khen thưởng đối với người có công trong năm đã được địa phương và các sở, ngành phối hợp khá hiệu quả.
 
Trong năm 2017 này, theo bà Võ Thị Khiết, tỉnh tiếp tục phát động, tổ chức phong trào thi đua phấn đấu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của tỉnh đã đề ra; thực hiện tốt phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới cùng các phong trào thi đua “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị ở lại phía sau”; thực hiện tốt Cuộc vận động“Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”... 
 
Bên cạnh việc nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp và tổ chức hoạt động của cụm, khối thi đua; tăng cường công tác quản lý nhà nước về khen thưởng, đảm bảo thực hiện các nguyên tắc và tiêu chuẩn khen thưởng theo quy định của pháp luật, tỉnh trong năm nay cũng sẽ chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến trên tất cả các lĩnh vực; coi trọng việc phát hiện, lựa chọn các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc để khen thưởng; những trường hợp được khen thưởng phải được tập thể bình xét, cộng đồng nơi cư trú thừa nhận, noi gương, học tập.
 
“Tỉnh sẽ thực hiện việc khen thưởng cho những người xứng đáng được khen thưởng; cho những người có công trạng xuất sắc. Đồng thời, chúng tôi sẽ chú ý nhiều hơn đến các đơn vị, tập thể nhỏ; đến những người lao động trực tiếp có công lao đóng góp thực sự, được cộng đồng ghi nhận và tôn vinh” - bà Khiết khẳng định.
 
VIẾT TRỌNG