Bảo Lâm: Đồng hành cùng nông dân trên những con đường quê

08:03, 21/03/2017

Bảo Lâm địa hình miền núi có độ dốc lớn, là vành đai bao quanh 3 phía bắc, đông và tây thành phố Bảo Lộc nên hệ thống đường giao thông rất dài. Do đó, trong phong trào xây dựng nông thôn mới, Bảo Lâm đã phát huy những cách làm hay, hiệu quả để có một mạng lưới giao thông nông thôn thuận tiện, góp phần đưa nông sản, hàng hóa của người nông dân nhanh chóng đến thị trường...

Bảo Lâm địa hình miền núi có độ dốc lớn, là vành đai bao quanh 3 phía bắc, đông và tây thành phố Bảo Lộc nên hệ thống đường giao thông rất dài. Do đó, trong phong trào xây dựng nông thôn mới, Bảo Lâm đã phát huy những cách làm hay, hiệu quả để có một mạng lưới giao thông nông thôn thuận tiện, góp phần đưa nông sản, hàng hóa của người nông dân nhanh chóng đến thị trường. “Cờ thi đua xuất sắc” của Bộ Giao thông vận tải dành cho nhân dân và cán bộ huyện Bảo Lâm về thành tích phát triển giao thông nông thôn - miền núi là sự ghi nhận những nỗ lực xây dựng hệ thống giao thông của một địa phương vùng sâu.
 
Đường giao thông nông thôn xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm. Ảnh: Khánh Phúc
Đường giao thông nông thôn xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm. Ảnh: Khánh Phúc
Ông Nguyễn Trung Kiên, Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm cho biết, năm 1998, Bảo Lâm mới hoàn thành nhựa hóa từ trung tâm huyện đến giáp Quốc lộ 20. Còn giao thông nội huyện là những con đường đất, việc lưu thông đến trung tâm các xã trong mùa mưa là hết sức khó khăn, hàng hóa nông sản của nhân dân sản xuất ra vận chuyển rất vất vả, giá cả và sức cạnh tranh rất thấp. Đến hôm nay, nhờ sự đầu tư của Nhà nước và huy động của toàn cộng đồng, Bảo Lâm đã cứng hóa được 76,261 km đường huyện; 617,721 km đường trục xã; 336,19 km đường trục thôn, xóm và 142,6 km đường trục chính nội đồng, góp phần thông thương từ huyện đến trung tâm các xã kể cả trong mùa mưa. Tuy chưa hoàn chỉnh và khang trang song hệ thống giao thông đã thể hiện đúng ý nghĩa, góp phần quan trọng trong việc giao lưu hàng hóa, nâng giá thành sản phẩm, kích thích sản xuất trong nhân dân. Việc 5 xã của Bảo Lâm đạt chuẩn nông thôn mới cũng không thể không nhắc tới tiêu chí giao thông nông thôn.
 
Để có được những con đường bê tông hóa sạch đẹp, xe cộ đi lại thuận tiện, Bảo Lâm đã thực sự huy động sức người, sức của vào việc xây dựng giao thông nông thôn. Đặc biệt, Bảo Lâm đã làm rất tốt chủ trương “Nhân dân làm công trình, Nhà nước hỗ trợ vật tư” khiến các con đường được xây dựng nhanh chóng với chất lượng ổn định. Riêng năm 2016, ngân sách nhà nước hỗ trợ 50 tỷ đồng, nhân dân đóng góp tiền mặt là trên 1,1 tỷ đồng và đóng góp 5 ngàn ngày công lao động. Thành quả là cứng hóa được 50 tuyến đường với tổng chiều dài 156 km, cao hơn so với năm 2015. 
 
Để có được sự ủng hộ của nhân dân, ngoài nguồn vốn do Nhà nước đầu tư, Bảo Lâm có nhiều hình thức huy động phù hợp như đóng góp bằng ngày công lao động, đóng góp bằng tiền, vật tư; vận động nhân dân hiến đất và không đòi hỏi bồi thường về cây cối, hoa màu, vận động “mạnh thường quân”, các doanh nghiệp trên địa bàn. Việc đóng góp đảm bảo nguyên tắc công bằng, công khai, có miễn cho các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách khó khăn. Việc xây dựng cũng sử dụng nguyên vật liệu như cát đá sỏi, máy móc và nhân công tại chỗ để vừa tạo việc làm cho người dân sống ở nông thôn, vừa góp phần hạ giá thành.
 
Ông Nguyễn Trung Kiên khẳng định, muốn nhân dân đồng thuận, quan trọng nhất là phải lựa chọn những công trình phù hợp với nhu cầu thực tế của nhân dân, nhân dân là người hưởng lợi trực tiếp. Trong quá trình vận động đóng góp kinh phí, xây dựng hay nghiệm thu, bàn giao công trình đều phải có giám sát từ cộng đồng cũng như sự đồng thuận của cư dân. Ông cho hay, khi thi công công trình đều giao cho cộng đồng dân cư hưởng lợi trực tiếp từ công trình tự tổ chức thực hiện. Nếu cộng đồng dân cư không có điều kiện trực tiếp thực hiện thì xem xét lựa chọn nhóm thợ hoặc cá nhân trong thôn, xóm, khu có đủ năng lực để thực hiện nhưng phải được sự thống nhất của cộng đồng dân cư. Vì vậy, việc xây dựng diễn ra nhanh chóng, chất lượng được đảm bảo do người dân xác định được vai trò chủ thể và lợi ích thiết thân của mình. “Dễ trăm lần không dân cũng chịu/ Khó vạn lần dân liệu cũng xong”, sự đồng thuận của nhân dân chính là tiền đề cho sự thành công trong xây dựng giao thông nông thôn của huyện vùng xa Bảo Lâm.
 
D.QUỲNH