Tăng cường nghiên cứu khoa học, nâng cao chất lượng điều trị

08:03, 17/03/2017

Những năm qua, Bệnh viện II Lâm Đồng luôn tăng cường nghiên cứu khoa học để nâng cao chất lượng điều trị cho người bệnh. Nhiều đề tài khoa học đã được nghiên cứu và phát triển trên cơ sở những nền tảng có sẵn, phù hợp với thực tế khám, chữa bệnh tại bệnh viện.

Những năm qua, Bệnh viện II Lâm Đồng luôn tăng cường nghiên cứu khoa học để nâng cao chất lượng điều trị cho người bệnh. Nhiều đề tài khoa học đã được nghiên cứu và phát triển trên cơ sở những nền tảng có sẵn, phù hợp với thực tế khám, chữa bệnh tại bệnh viện.
 
Chạy thận nhân tạo tại Đơn vị lọc máu Bệnh viện II Lâm Đồng. Ảnh: H.Sang
Chạy thận nhân tạo tại Đơn vị lọc máu Bệnh viện II Lâm Đồng. Ảnh: H.Sang
Theo ThS, BS Huỳnh Ngọc Thành, Phó Giám đốc Bệnh viện II Lâm Đồng, trong những năm gần đây, bệnh viện đã có nhiều bước phát triển trong chuyên môn như: Ứng dụng các phác đồ điều trị mới, áp dụng các kỹ thuật cao trong chẩn đoán và điều trị như nội soi niệu chẩn đoán, tán sỏi niệu quản qua nội soi ngược dòng, phẫu thuật nội soi tai mũi họng, phẫu thuật nội soi ổ bụng, chạy thận nhân tạo... Những ứng dụng này đã đem lại nhiều hiệu quả thiết thực cho người bệnh. Tuy nhiên, thực tế trong môi trường bệnh viện, đội ngũ y, bác sỹ đang từng ngày đối đầu với hàng loạt các vấn đề về sai sót trong chẩn đoán, sự thất bại của một phác đồ điều trị, tác dụng phụ hoặc không đáp ứng các loại thuốc, tai biến của một kỹ thuật can thiệp... Tất cả những vấn đề này đã đặt ra yêu cầu các y, bác sỹ phải nghiêm túc nghiên cứu để không chỉ tìm ra cái mới mà còn cập nhật, tự học hỏi, rút kinh nghiệm đối với những kiến thức chuyên môn đã có sẵn. Chính vì vậy, nghiên cứu khoa học được xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng của bệnh viện, góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng điều trị và phát triển bệnh viện.
 
“Ngày nay, các kiến thức về nguyên nhân cơ chế bệnh sinh, phương pháp phòng ngừa và điều trị các bệnh tật luôn được nghiên cứu thay đổi nhằm tìm ra biện pháp hiệu quả nhất. Mặc khác, sự xuất hiện của các bệnh mới, bệnh lạ, sự đề kháng của các tác nhân gây bệnh, sự thiếu hoàn thiện của các phương pháp điều trị kinh điển đã ảnh hưởng rất lớn đến người bệnh. Do đó, nghiên cứu khoa học luôn là vấn đề được đặt lên hàng đầu và các y, bác sỹ Bệnh viện II Lâm Đồng cũng không nằm ngoài quy luật đó. Bệnh viện luôn khuyến khích, tạo điều kiện để anh em nghiên cứu khoa học nhằm nâng cao chất lượng chuyên môn, phục vụ tốt nhất cho người bệnh trong việc phòng ngừa và điều trị bệnh” - bác sỹ Thành chia sẻ.

Bình quân mỗi năm, tại Bệnh viện II Lâm Đồng có khoảng 5 đề tài nghiên cứu khoa học. Những đề tài này chủ yếu là nghiên cứu thêm trên cơ sở những cái có sẵn để đánh giá, rút kinh nghiệm từ thực tiễn khám chữa bệnh của bản thân. Từ đó, đội ngũ y, bác sỹ sẽ hệ thống hóa kiến thức, đánh giá hiệu quả làm việc để có cách khám, điều trị phù hợp tại bệnh viện. Một số đề tài nghiên cứu được Bệnh viện II Lâm Đồng triển khai có hiệu quả trong thời gian qua, gồm: Hiệu quả điều trị lọc máu chu kỳ ở bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối, tình hình kháng kháng sinh tại Bệnh viện II Lâm Đồng, kết quả điều trị nội soi niệu quản bằng nội soi ngược dòng tán sỏi laser… 

 
Theo nhóm tác giả đến từ Khoa Hậu phẫu - Gây mê Hồi sức Bệnh viện II Lâm Đồng, điều trị sỏi tiết niệu hiện nay có nhiều phương pháp thay thế cho mổ hở như: Tán sỏi ngoài cơ thể, nội soi tán sỏi ngược dòng, nội soi sau phúc mạc… Xét về mặt hiệu quả và mức độ xâm lấn thì nội soi tán sỏi ngược dòng có tỷ lệ thành công cao hơn.
 
Từ tháng 6/2014, Bệnh viện II Lâm Đồng đã trang bị máy nội soi bàng quang, niệu quản laser cho phép triển khai phương pháp điều trị sỏi niệu quản bằng nội soi ngược dòng tán sỏi laser. Qua bước đầu áp dụng và dần hoàn thiện kỹ thuật. Hiện, phương pháp này đã trở nên thường quy nên khoa đã thực hiện đề tài nghiên cứu để có cái nhìn tổng quan về kết quả điều trị cũng như phân tích một số yếu tố kỹ thuật ảnh hưởng đến kỹ thuật nội soi tán sỏi ngược dòng.
 
Qua nghiên cứu trên 287 bệnh nhân, nhóm nghiên cứu đã thu được một số kết quả, như: Kỹ thuật nội soi tán sỏi ngược dòng có độ an toàn cao, có thể áp dụng cho mọi đối tượng, kể cả bệnh nhân lớn tuổi. Gần 98% ca thành công cho thấy kỹ thuật này có nhiều ưu điểm như không để lại sẹo, ít đau và phục hồi sớm. Tuy nhiên, thủ thuật này cũng gặp thất bại đối với một số trường hợp do sỏi di chuyển lên thận trong khi soi hoặc tán nên không tiếp cận được, sót sỏi mảnh lớn gây bế tắc, tai biến do kỹ thuật nên phải chuyển mổ hở lấy sỏi. Do đó, khi thực hiện kỹ thuật này cần chú ý việc cố định sỏi trước khi tán, cần cảnh giác nguy cơ nhiễm trùng ngược dòng, điều trị kháng sinh theo phác đồ và kịp thời để mang lại hiệu quả tốt.
 
Còn đối với đề tài Tình hình kháng kháng sinh tại Bệnh viện II Lâm Đồng, nhóm tác giả thuộc Khoa Xét nghiệm đã nghiên cứu 1.873 mẫu bệnh phẩm trong thời gian 1 năm. Các mẫu bệnh phẩm có nguồn gốc từ mủ ruột thừa, đờm, các loại mủ, các loại dịch, dịch mật, nước tiểu, máu được nuôi cấy tại Khoa Vi sinh để thu thập kết quả. Từ kết quả nghiên cứu về tỷ lệ mọc của bệnh phẩm, phân lập vi trùng theo bệnh phẩm nuôi cấy, nhóm tác giả đã định danh các loại vi trùng, vi khuẩn có tỷ lệ kháng kháng sinh cao và đưa ra những loại kháng sinh hiệu quả trong điều trị.
 
Hiện, bệnh viện II Lâm Đồng có quy mô hơn 500 giường bệnh với số bác sỹ khoảng 70 người. Con số bác sỹ còn khá thấp so với quy mô giường bệnh nhưng các bác sỹ vẫn dành nhiều thời gian cho công tác nghiên cứu khoa học. Theo bác sỹ Huỳnh Ngọc Thành, việc nghiên cứu khoa học đã giúp đội ngũ bác sỹ tổng kết, đánh giá và rút ra nhiều kinh nghiệm quý báu cho công tác chuyên môn để từng bước hoàn thiện, hạn chế đến mức thấp nhất tai biến y khoa.
 
HỮU SANG