Cil Bri - cánh chim đại ngàn

08:03, 09/03/2017

Bác sĩ Cil Bri, sinh năm 1977, hiện là Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, đại biểu dự Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII diễn ra tại Hà Nội (từ ngày 7-9/3).

Bác sĩ Cil Bri, sinh năm 1977, hiện là Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, đại biểu dự Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII diễn ra tại Hà Nội (từ ngày 7-9/3).
 
 Chị Cil Bri trong lễ tốt nghiệp lớp Chuyên khoa cấp I Y tế Công cộng
Chị Cil Bri trong lễ tốt nghiệp
lớp Chuyên khoa cấp I Y tế
Công cộng
Cil Bri (dân tộc K’Ho - Lạch) sinh ra và lớn lên ở Bon Dơng 1 của xã Lát, Lạc Dương, học bác sĩ đa khoa chính quy tại Đại học Tây Nguyên. Năm 2004, ra trường chị về làm ở Phòng khám Trung tâm Y tế huyện Lạc Dương. Sau đó, chị phụ trách công tác khám chữa bệnh ở Trạm Y tế xã Đưng K’Nớ, rồi làm Trưởng Trạm y tế thị trấn Lạc Dương. Từ năm 2012-2015 chị được phân công sang công tác Dân số - KHHGĐ của huyện. Sau đó, chị làm Trưởng Ban Dân vận huyện Lạc Dương, trước khi về làm Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh từ tháng 8/2016 đến nay. 
 
Trong quá trình công tác, chị đã sắp xếp thời gian để học nâng cao trình độ chuyên môn và đã tốt nghiệp Chuyên khoa I Đại học Y tế Công cộng Hà Nội (mở tại Lâm Đồng) năm 2016. 
 
Cil Bri cho biết: “Cách đây hơn chục năm, tôi được tham dự lớp tập huấn về Dự án Nâng cao năng lực lãnh đạo của cán bộ nữ phục vụ triển khai hội nhập quốc tế, đặc biệt là nữ DTTS của UNDP (Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc) do Bộ Ngoại giao phối hợp với Hội LHPN tỉnh Lâm Đồng mở lớp. Nhờ tham gia lớp học này tôi tích lũy được vốn kiến thức và một số kỹ năng vô cùng quý báu như: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng quan sát, kỹ năng làm việc nhóm, hay kỹ năng và phương pháp lập kế hoạch. Trong gần 13 năm công tác, trải qua nhiều vị trí, chức vụ khác nhau, tôi nghiệm thấy vốn kiến thức và kỹ năng tôi được tập huấn thời kỳ đó rất thiết thực”. 
 
Cil Bri là đại biểu HĐND tỉnh 2 khóa (khóa VIII và khóa IX), chị bày tỏ mong muốn TW Hội Phụ nữ và Tỉnh Hội tiếp tục nghiên cứu để mở thêm nhiều lớp tập huấn cho cán bộ nữ, nội dung phong phú đa dạng hơn để chị em phụ nữ được trau dồi học tập nâng cao kỹ năng, nhận thức về vị thế vai trò của nữ giới và phát huy tiềm năng vốn có của chị em để luôn phấn đấu vươn lên vì mục tiêu bình đẳng giới.
 
Là cán bộ Hội Phụ nữ trẻ tuổi, Cil Bri chia sẻ: “Tôi biết ơn các bậc tiền nhiệm đã có những cống hiến, đóng góp to lớn đối với tổ chức Hội và phong trào phụ nữ tỉnh nhà, tôi coi đây là nền tảng vững chắc, tiền đề quan trọng cho phong trào phụ nữ và hoạt động Hội tiếp tục phát triển. Bản thân tôi sẽ không ngừng cố gắng phấn đấu, rèn luyện để làm tốt nhiệm vụ. Đồng thời, mong muốn Ban Chấp hành Hội LHPN tỉnh đoàn kết, thống nhất, năng động, sáng tạo, cùng nhau đề ra những chương trình hành động, giải pháp tốt để hoàn thành được những nhiệm vụ công tác Hội và phong trào phụ nữ”. 
 
Vấn đề chị Cil Bri đặc biệt quan tâm trong thời gian tới là cùng tập thể Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo cán bộ, hội viên phụ nữ toàn tỉnh tiếp tục đoàn kết phấn đấu thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm của Hội, đặc biệt là phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”. Không ngừng rèn luyện học tập, nâng cao nhận thức, phát huy truyền thống, phẩm chất người phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ đổi mới; không ngừng tìm hiểu các kiến thức pháp luật, xã hội, phát triển kinh tế và xây dựng gia đình hạnh phúc. Đồng thời, chị Cil Bri mong muốn mỗi cán bộ, hội viên phụ nữ hãy bằng những hành động cụ thể, thiết thực trong lao động sản xuất, trong học tập, nghiên cứu, trong xây dựng cuộc sống gia đình và cộng đồng cùng nỗ lực, tích cực hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ dù ở bất cứ công việc nào, hoàn cảnh khó khăn nào để góp phần xây dựng xã hội ngày càng phát triển và tốt đẹp hơn.
 
Để đại diện cho tiếng nói chung của phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ DTTS nói riêng trên địa bàn toàn tỉnh, chị Cil Bri mong muốn gửi gắm và kỳ vọng Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần XII (nhiệm kỳ 2017-2022) sẽ đề xuất nhiều chính sách giúp cải thiện nhu cầu thực tế và nhu cầu chiến lược cho phụ nữ nói chung và phụ nữ DTTS nói riêng. Cụ thể như sau: Các chính sách phát triển kinh tế - xã hội một số vùng sâu, vùng xa và vùng DTTS cần tập trung vào an ninh lương thực (vì đây là một trong số lý do học sinh bỏ học do nghèo); tiếp tục đầu tư và củng cố cơ sở hạ tầng ở một số vùng sâu, vùng xa để giúp phụ nữ DTTS tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ giáo dục và y tế. Cần có nhiều sáng kiến hơn nữa để giúp phụ nữ DTTS có việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo. Hiện nay sự bất bình đẳng đối với phụ nữ DTTS thuộc các tầng lớp khác nhau trong một cộng đồng như phụ nữ không gia đình, phụ nữ góa, phụ nữ đơn thân… vì vậy, cần tìm hiểu những khó khăn của nhóm đối tượng này để xây dựng chính sách giảm nghèo hiệu quả hơn. Cần có nhiều biện pháp tích cực hơn nữa để tăng cường sự tham gia, cơ hội tiếp cận của phụ nữ DTTS vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, từ đó làm giảm dần sự tụt hậu so với mặt bằng chung của xã hội do tính dễ bị tổn thương cũng như rào cản về ngôn ngữ và hạn chế về trình độ học vấn.
 
DIỆU HIỀN