Có một Trường Sa như thế

08:03, 22/03/2017

Có lẽ với bất kỳ ai, những lần gặp mặt rồi từ biệt đều mang thật nhiều cảm xúc. Với những người lính Hải quân đang làm nhiệm vụ giữa trùng khơi sóng nước, cảm xúc ấy đặc biệt thiêng liêng bởi những "chuyến đi" của họ còn mang theo bao nhiêu nhiệm vụ, lời thề với Tổ quốc, lời hứa cùng gia đình...

Kỳ 1: Những cuộc hội ngộ giữa biển
 
[links()] Có lẽ với bất kỳ ai, những lần gặp mặt rồi từ biệt đều mang thật nhiều cảm xúc. Với những người lính Hải quân đang làm nhiệm vụ giữa trùng khơi sóng nước, cảm xúc ấy đặc biệt thiêng liêng bởi những “chuyến đi” của họ còn mang theo bao nhiêu nhiệm vụ, lời thề với Tổ quốc, lời hứa cùng gia đình, lời dặn dò với đồng chí khi nhận nhiệm vụ... và những cuộc hội ngộ của những người lính ấy, bao giờ cũng trân quý, xúc động.
 
Cảm xúc dâng trào khi chúng tôi được chứng kiến những cuộc hội ngộ giữa biển, cuộc hội ngộ của những con tàu đang làm nhiệm vụ, của những người lính gặp giữa đảo xa, cả những cuộc hội ngộ giữa quân và dân - đó là hội ngộ của những người lính hải quân với ngư dân đang đánh bắt cá giữa vùng biển Tổ quốc. Tình cảm của họ dành cho nhau khiến chúng tôi cũng nghẹn ngào vì chân thành quá đỗi!
 
Trưởng đoàn công tác từ tàu 561 sang thăm, chúc tết tàu Trường Sa 22. Ảnh: D.Thương
Trưởng đoàn công tác từ tàu 561 sang thăm, chúc tết tàu Trường Sa 22. Ảnh: D.Thương
Tình đồng chí giữa biển khơi
 
Con tàu 561 - Khánh Hòa 01 đưa đoàn phóng viên ra Trường Sa dịp cuối năm, giáp tết. Cảm giác lênh đênh trên biển những ngày cận tết có lẽ là cảm giác khó quên của nhiều người trong chúng tôi. Có chiến sỹ nói vui với tôi rằng: “Lênh đênh giữa biển nhưng với anh em lại là dịp đoàn viên. Những cuộc gặp gỡ chúc tết giữa biển thế này chẳng phải cũng là tết đoàn viên của những người lính hay sao”. 
 
Trong hải trình của chuyến đi, chúng tôi gặp tàu trực chiến trên biển - tàu Trường Sa 22. Cuộc hội ngộ giữa biển Đông ấy thật đặc biệt với những thủy thủ 2 tàu 561 và Trường Sa 22, và thật may mắn khi tôi được cùng các anh sang chúc tết tàu Trường Sa 22. 
 
Thiếu tá Phan Anh Minh - Hải đội phó Hải đội 411 cho biết: Trường Sa 22 là tàu có trọng tải 1.000 tấn, bên cạnh nhiệm vụ chính là vận tải hàng hóa, tàu còn đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ đặc biệt khác, trong đó có nhiệm vụ trực chiến trên biển Trường Sa hoặc nhà giàn DK1. Tàu thường làm nhiệm vụ trực, sẵn sàng cứu hộ cứu nạn, làm các nhiệm vụ đột xuất trên biển nên lênh đênh giữa biển liên tục 6-7 tháng mới về cảng, đã có rất nhiều chiến công của Trường Sa 22 được ghi danh trong lịch sử Hải đội 411, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân nhưng rất ít người được biết đến cụ thể bởi do đặc thù nhiệm vụ.
 
Đón chúng tôi, Thuyền trưởng tàu Trường Sa 22 - Đại úy Nguyễn Xuân Thắng chia sẻ: “Ở giữa biển bao la thế này, gặp lại đồng chí, đồng đội cảm xúc bồi hồi mà thiêng liêng lắm nhà báo ạ”. Chẳng ai nói ra, không một lời than thở nhưng tôi vẫn hiểu cảm giác nhớ nhà, nhớ gia đình của những người lính biển, nhất là khi tết đoàn viên đang đến gần. Bởi vậy, khi gặp đồng đội, ngư dân giữa trùng trùng biển khơi cảm xúc sẽ rất thiêng liêng. Trong câu chuyện của họ vẫn kiên định những nụ cười rạng rỡ, lặng lẽ hoàn thành mọi nhiệm vụ, chắc tay súng bảo vệ bình yên vùng biển Tổ quốc. 
 
Là vì dịp cận tết nên thủy thủ 2 tàu hỏi thăm nhau và hỏi không khí chuẩn bị “ăn tết trên biển”. Theo chân chính trị viên của tàu, chúng tôi thấy tàu Trường Sa 22 cũng có hẳn một “nông trại thu nhỏ” trên tàu, nào là vườn rau xanh di động, vài chú lợn thịt, đàn gà, vịt để cải thiện bữa ăn ngày tết. Rồi thủy thủ 2 tàu tặng nhau những món ăn trên tàu mình có: vài con cá đại dương các chiến sỹ câu được, ít rau xanh tàu 561 mang theo và những lời động viên nhau cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ… Những câu chúc, cái bắt tay, cuộc gặp gỡ giữa biển vẫn thường chóng vánh, ngắn gọn và đầy ắp tình cảm như thế. Giữa biển khơi bao la, tình đồng chí, đồng đội cũng dâng trào như những con sóng lớn.
 
Ấm áp tình quân dân
 
Ngư dân được giúp đỡ tại tàu bệnh viện 561. Ảnh: D.Thương
Ngư dân được giúp đỡ
tại tàu bệnh viện 561. Ảnh: D.Thương
Lênh đênh trên biển, nhìn bốn bề đều một màu xanh thẫm của nước mới hiểu hết cảm giác, cảm xúc khi gặp những con tàu đánh cá của ngư dân bám biển, của tình cảm đồng bào chỉ trong những cái vẫy tay chào nhau.
 
Tàu chúng tôi tình cờ gặp một tàu đánh cá của ngư dân từ Phú Yên, số hiệu PY96264TS, nhận được tín hiệu xin trợ giúp, ngay lập tức các chiến sỹ HQ 561 hạ xuồng sang tàu ngư dân để hỗ trợ. Các tàu trên biển thường xin các loại thuốc (thuốc cảm, thuốc kháng sinh, bông gạc băng vết thương…) khi thấy tàu HQ 561 vì tàu được ví như bệnh viện nổi giữa biển, thường hỗ trợ công tác cứu hộ cứu nạn trên biển. Lần này, trên tàu ngư dân Phú Yên có một người bị thương ở tay, lập tức ngư dân này được đưa về tàu để kiểm tra vết thương. 
 
Thượng úy, bác sỹ Đàm Thái Lương đón ngư dân với một thái độ rất ân cần, chu đáo. Người lính mang 2 màu áo (xanh hải quân và áo trắng blouse) chia sẻ: “Cảm giác khi thấy đồng bào mình gặp nạn trên biển kỳ lạ lắm, vừa lo như chính người nhà mình, vừa thương sự kiên cường bám biển của họ”. Còn ngư dân được giúp đỡ - Trần Ngọc Sang (sinh năm 1961) cũng tâm sự: Nhiều lần đi trên biển, gặp khó khăn gì chúng tôi đều xin trợ giúp của các tàu hải quân trên biển. Tình quân dân ở giữa biển khơi này còn mãnh liệt hơn cả trên đất liền đó cô ạ. Giữa biển bao la có rất nhiều bất trắc khó lường như tàu chết máy, cạn lương thực, hết nước ngọt, cạn nhiên liệu, tai nạn trong quá trình lao động trên biển… những lúc nguy nan như thế, chúng tôi cập đảo nhờ sự trợ giúp của chiến sĩ Hải quân và lần nào cũng được các anh giúp đỡ tận tình”.
 
Những câu chuyện, hình ảnh thấm đẫm ân tình giữa người lính Trường Sa với ngư dân gặp nạn rất giản dị, chân tình như những câu chuyện cổ tích thời nay giữa biển. Chính trị viên tàu 561 - Thượng úy Dương Văn Đắc cũng chia sẻ với các phóng viên, tham gia đánh bắt giữa biển Đông với sóng gió trùng trùng lớp lớp và muôn vàn hiểm nguy chực chờ, hành trình bám biển của ngư dân ở các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Quảng Ngãi... gặp rất nhiều gian nguy, có rất nhiều câu chuyện cứu nạn trên biển mà ngay cả những người lính Hải quân cũng không thể quên. 
 
Những ngày suốt hải trình, chúng tôi chứng kiến biết bao nhiêu câu chuyện nơi đầu sóng ngọn gió, nơi tiền tiêu của Tổ quốc. Câu chuyện nào cũng thấm đẫm tình quân dân, tình đồng chí, tình người bình dị mà sâu nặng. Lớp lớp sóng vỗ giữa biển khơi ấy, như mang cả những hy sinh thầm lặng của chiến sỹ Trường Sa, cũng rì rào như những câu chuyện về quân dân sẽ còn mãi viết tiếp. Và tình cảm thiêng liêng của những cuộc hội ngộ giữa biển ấy cũng chính là động lực, niềm vui nhỏ để cả các chiến sỹ, ngư dân kiên cường giữ vùng biển quê hương. 
 
Ghi chép: DIỄM THƯƠNG